Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Để tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức trên 8%, Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công. Phấn đấu năm nay, giải ngân đầu tư công đạt 100%, cao hơn mục tiêu trước đây là 95%. Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 đang là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu.

Không để tiếp tục chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công

Tính đến cuối tháng 4 vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công cả nước là 128.500 tỷ đồng, tuy cao hơn khoảng 18.000 tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ đạt tỷ lệ 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn con số 16,64% của cùng kỳ năm trước. Hơn thế, vẫn còn hơn 8.000 tỷ đồng cho đến nay vẫn chưa được phân bổ chi tiết, nguy cơ gây lãng phí nguồn lực. Trong lúc nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân khá, vẫn có một số bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp, thậm chí rất thấp, dưới 5%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân giải ngân chậm, bao gồm khó khăn về giải phóng mặt bằng; thiếu nguyên vật liệu đắp nền, cát, đá; vướng mắc về đơn giá, định mức; vướng mắc về quy hoạch; do công tác đấu thầu; khó khăn, vướng mắc về nguồn thu ngân sách địa phương… Ví dụ, để thực hiện một dự án xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội, chủ đầu tư cần thực hiện ít nhất 8 thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, dẫn tới kéo dài thời gian… Đặc biệt, năm nay còn có phát sinh những vướng mắc liên quan đến việc sáp nhập địa giới, sắp xếp bộ máy hành chính…

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời dẫn dắt dòng vốn xã hội, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.

Do đó, cần điều chỉnh mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 phấn đấu đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều đó có nghĩa, vẫn còn trên 700.865 tỷ đồng (trong tổng số 825.922,3 tỷ đồng được giao), cần được đưa vào giải ngân. Đây là một con số khá lớn.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đang ngày càng cấp bách, không thể "chần chừ". Nhận thức rõ nhiệm vụ nặng nề này, nhiều địa phương trong cả nước đang quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao. Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 30/6/2025 giải ngân được 5.484 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch giao đầu năm. Tức là trong hai tháng 5 và 6, tỉnh phải giải ngân thêm 3.990 tỷ đồng, cao gấp 2,68 lần số đã thực hiện trong 4 tháng đầu năm.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến cuối tháng 6/2025, sẽ lọt top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao và đến cuối năm, sẽ hoàn thành vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ phát động cao điểm 45 ngày đêm tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.

Nhiều bộ ngành, địa phương nỗ lực thúc đẩy tiến độ các dự án, tìm các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn để tăng tốc giải ngân trong các tháng tới đây.

Tại TP Hồ Chí Minh, hết tháng 4 giải ngân vốn đầu tư công mới được 7,2%. Năm nay lượng vốn đầu tư công giao cho TP lên đến 85.500 tỷ đồng. Để cải thiện tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong quý II/2025, Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai đề xuất, tập trung ưu tiên đẩy nhanh thủ tục đầu tư một loạt dự án quy mô lớn có khả năng giải ngân vốn ngay trong năm nay như 4 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, trục đường Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành) và Quốc lộ 13, với tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Một số dự án khác có khả năng giải ngân ngay như Dự án Cải tạo rạch Văn Thánh (5.561 tỷ đồng), Dự án Cầu đường Bình Tiên (871 tỷ đồng)… Chính quyền TP tiếp tục yêu cầu rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công.

Tại Hà Nội, trong năm 2025, TP sớm triển khai nhanh một số dự án lớn, như các cầu qua sông Hồng (Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Thượng Cát), dự kiến cơ bản sử dụng hết nguồn vốn thanh toán linh hoạt giải phóng mặt bằng.

Ông Cù Ngọc Trang - Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP Hà Nội nhận định: "Khi bộ máy tinh gọn trong thời gian tới, việc phân cấp phân quyền lại càng có ý nghĩa, nâng cao năng lực quản lý điều hành của cấp chính quyền cơ sở. Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều nhất bởi vì phân cấp về cơ quan giải quyết gần dân nhất, thời gian giải quyết sẽ nhanh nhất".

Đẩy mạnh cải cách, phân cấp, phân quyền

Việt Nam đặt mục tiêu năm nay hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, 1.000 km đường ven biển, khánh thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, khởi công tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng... Tổ chức lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án trên cả nước chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9…

Theo các chuyên gia, để gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công, ngoài giải pháp về công tác chỉ đạo, lãnh đạo đặt lên hàng đầu, cần các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách.

Tại báo cáo Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố mới đây cho rằng, với thời gian chuẩn bị kéo dài, chất lượng chuẩn bị thấp và thủ tục rườm rà khi phải xử lý điều chỉnh dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Ông James Anderson - Chuyên gia trưởng Khu vực công cho rằng: “Mặc dù vốn đầu tư công được phân bổ theo Luật Đầu tư công, nhưng ngân sách thường xuyên được phân bổ theo Luật Ngân sách nhà nước”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, cần một cuộc cách mạng thể chế trong đầu tư công. Chẳng hạn, liên quan đến phân cấp, phân quyền, phải chuyển từ "phân cấp hình thức" sang "phân quyền thực chất".

“Các địa phương, bộ ngành cần được quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn trong phạm vi được giao, thay vì phải xin ý kiến Trung ương cho từng thay đổi nhỏ. Xây dựng hệ thống thủ tục dựa trên phân loại rủi ro và quy mô đầu tư. Dự án nhỏ, rủi ro thấp như tu bổ công trình cấp xã, hạ tầng nội thị... nên áp dụng quy trình rút gọn, giao quyền nhiều hơn cho địa phương. Dự án lớn, rủi ro cao cần đặt quy trình chặt chẽ hơn, có thể thẩm định độc lập, công khai hóa thông tin để xã hội cùng giám sát”.

Muốn làm được điều đó, Luật Đầu tư công cần được thiết kế lại theo các nguyên lý quản trị hiện đại: trao quyền – gắn trách nhiệm – giám sát thông minh – tập trung kết quả đầu ra. Khi ấy, đầu tư công mới thực sự trở thành động lực phát triển, thay vì những điểm nghẽn như hiện nay.

Hiện, Chính phủ đã trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV một luật sửa nhiều luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách, trong đó có Luật Đầu tư công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, cơ quan sớm sửa đổi quy định, hướng dẫn về phân cấp, quyền trong việc quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công tại địa phương khi thay đổi địa giới hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Bộ Tài chính được giao sửa quy định về vốn ODA, đấu thầu, đồng thời các cơ quan, địa phương phải tăng trách nhiệm để lựa chọn các nhà thầu có uy tín, năng lực.

Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát lại các bộ ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, trước mắt là năm 2024. Cơ quan nào chưa hoàn thành sẽ phải bị xử lý, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Cùng với đó, các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được yêu cầu kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, cơ quan, địa phương và các Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, xuất nhập khẩu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quyet-liet-day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong.714615.html