Quyền lực Thủ tướng và bộ trưởng sẽ được kiểm soát chặt hơn?
Cần phải tăng cường giám sát quyền lực của Thủ tướng, các bộ trưởng và cơ quan điều hành Chính phủ để đảm bảo minh bạch, hạn chế lạm quyền. Đồng thời, việc đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương cũng là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Chiều 7/2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho 4 dự án luật quan trọng, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Trong đó, nội dung về giám sát quyền lực của Thủ tướng và các bộ trưởng nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu.
Tăng cường kiểm soát quyền lực để tránh lạm dụng
Tại hội thảo, PGS-TS. Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội, nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực đối với Thủ tướng và các bộ trưởng khi sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ.
Theo ông, thực tế sau đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt ở các lĩnh vực đấu thầu, mua sắm công, y tế và giáo dục. Những sai phạm này cho thấy nếu không có một hệ thống kiểm soát quyền lực đủ mạnh, nguy cơ lạm dụng chức quyền và vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn ra. Do đó, việc sửa đổi luật lần này phải tạo ra cơ chế minh bạch hơn, giúp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất siết chặt hơn cơ chế giám sát tài chính và sử dụng ngân sách nhà nước. “Cần có quy định bắt buộc công khai tài chính đối với các khoản chi lớn của Chính phủ. Đây là giải pháp quan trọng để đảm bảo ngân sách nhà nước được sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát, lãng phí và tham nhũng”, PGS-TS. Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
TS. Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng khi sửa luật, cần phải điều chỉnh toàn diện để đảm bảo Quốc hội kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước. Trong đó, cần có quy trình kiểm soát ngân sách nghiêm ngặt hơn, giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng trong chi tiêu công.
Một nội dung quan trọng khác được đề cập tại hội thảo là việc giám sát hoạt động của Văn phòng Chính phủ. Theo PGS-TS. Phan Thanh Bình, Văn phòng Chính phủ hiện nay hoạt động như một “siêu bộ” khi có vai trò điều phối, tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều quyết sách quan trọng của đất nước. Vì vậy, cần có cơ chế giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của cơ quan này, đảm bảo tính minh bạch và hạn chế việc lạm quyền.
Ông cũng nhấn mạnh rằng cải thiện tính minh bạch trong các quyết định điều hành của Chính phủ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Việc kiểm soát chặt chẽ Văn phòng Chính phủ sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng chức năng tham mưu để thao túng các quyết định quan trọng.
Phân cấp mạnh mẽ hơn nữa
Ngoài nội dung về giám sát Chính phủ, hội thảo cũng thảo luận về việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương. Theo PGS-TS. Phan Thanh Bình, dù đã có những quy định phân cấp quản lý, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp chính quyền. Do đó, cần thiết lập một cơ chế đánh giá năng lực của chính quyền địa phương, đồng thời gắn trách nhiệm giải trình của lãnh đạo các cấp để nâng cao hiệu quả quản lý.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cũng đưa ra nhiều đề xuất đột phá về cải cách Luật Tổ chức Chính quyền địa phương. Bà cho rằng cần hướng tới việc tổ chức ủy ban hành chính tại các địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Bà phân tích, việc thành lập ủy ban hành chính sẽ giúp xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng chồng chéo chức năng giữa HĐND và UBND. Điều này sẽ góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, giúp hoạt động quản lý nhà nước trở nên linh hoạt, hiệu quả và thực chất hơn.
Ngoài ra, bà cũng kiến nghị tăng quyền chủ động cho Chính phủ và UBND cấp tỉnh trong việc quyết định danh mục đầu tư các dự án. Việc này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo bà, Quốc hội chỉ nên xem xét và thông qua các siêu dự án có tính chất đặc biệt, liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc môi trường.
Điều chỉnh cơ chế vận hành
Theo kế hoạch, các dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, vào trung tuần tháng 2/2025. Đây là kỳ họp quan trọng, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh và cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Trong đó, Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi cần tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp cho Chính phủ, giúp Chính phủ có thêm quyền chủ động trong điều hành và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Đồng thời, cần quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa Chính phủ và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội khác. Việc phân định rõ thẩm quyền giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp sẽ giúp hệ thống quản lý nhà nước vận hành trơn tru hơn, hạn chế tối đa sự chồng chéo và lạm quyền.
Những đóng góp tại hội thảo cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành đất nước. Việc thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ đối với Thủ tướng, các bộ trưởng và các cơ quan tham mưu sẽ góp phần xây dựng một Chính phủ minh bạch, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.