Quỹ đầu tư chuyên nghiệp: 'Điểm tựa' đang bị lãng quên giữa thị trường nhiễu loạn

Theo các chuyên gia, thị trường tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng, trong khi các kênh dẫn vốn khác, đặc biệt là ngành quỹ, chưa phát huy hết vai trò.

Ngành quản lý quỹ Việt Nam vẫn đang phát triển dưới kỳ vọng với quy mô chỉ chiếm khoảng 6% GDP. (Ảnh: Vietnam+)

Ngành quản lý quỹ Việt Nam vẫn đang phát triển dưới kỳ vọng với quy mô chỉ chiếm khoảng 6% GDP. (Ảnh: Vietnam+)

Dù sở hữu tiềm năng lớn, ngành quản lý quỹ Việt Nam vẫn đang phát triển dưới kỳ vọng với quy mô chỉ chiếm khoảng 6% GDP.

Theo các chuyên gia, thị trường tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng, trong khi các kênh dẫn vốn khác, đặc biệt là ngành quỹ, chưa phát huy hết vai trò. Để thay đổi thực trạng này, một cuộc cải tổ sâu rộng từ phía cung (sản phẩm, công ty quản lý quỹ) đến phía cầu (nhà đầu tư, kênh phân phối) là yêu cầu cấp thiết.

Kỷ luật đầu tư và tầm nhìn dài hạn

Đối mặt với một thị trường chứng khoán đầy biến động, nhiều nhà đầu tư cá nhân thường ra quyết định dựa trên tâm lý đám đông và tin đồn, dẫn đến kết quả không như mong đợi. Chỉ ra một nghịch lý phổ biến, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản trong đầu tư là mua thấp bán cao, song trên thực tế khi thị trường thấp thì các nhà đầu tư sẽ không mua bởi lo ngại còn thấp hơn nữa và khi thị trường cao lại không bán vì cho rằng nó sẽ cao hơn, thậm chí là mua vào sẽ rủi ro hơn.

Theo bà Nga, đây chính là lúc giá trị của các quỹ đầu tư chuyên nghiệp được thể hiện. Với đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, các quỹ đầu tư không chạy theo biến động ngắn hạn. Các quỹ thường đầu tư vào công ty chứ không phải cổ phiếu. Họ lựa chọn doanh nghiệp có đội ngũ lãnh đạo tốt, chiến lược bài bản, tiềm năng tăng trưởng và định giá hợp lý. Với công ty đó, các quỹ sẽ mua và nắm giữ, không vì tin đồn mà bán đi.

Kinh nghiệm của người quản lý quỹ được bà Nga ví von như "rượu càng để lâu càng quý" và cho rằng các quỹ có đủ sự am hiểu để đồng hành cùng doanh nghiệp qua nhiều chu kỳ kinh tế. Tuy nhiên, bà Nga thừa nhận ở Việt Nam số lượng quỹ rất ít. Hơn nữa, đối với đa số nhà đầu tư cá nhân thì quỹ vẫn là sản phẩm mới, vì vậy họ chưa đầu tư.

Thực tế này cũng được chứng thực qua số liệu của bà Lê Thị Ngọc Ánh, Giám đốc vận hành Công ty InvestingPro. Khảo sát của công ty cho thấy có tới 85% nhà đầu tư ra quyết định dựa trên tin đồn và 90% nhà đầu tư bán ngay khi xuất hiện tin tiêu cực mà không đợi xác thực. Trong những bối cảnh thị trường hoảng loạn, các quỹ đầu tư với chiến lược đầu tư giá trị lại là điểm tựa vững chắc, giúp nhà đầu tư không chuyên bảo toàn và gia tăng tài sản trong dài hạn.

Theo các chuyên gia, sản phẩm tốt là yếu tố tiên quyết nhưng việc đưa sản phẩm đến tay nhà đầu tư lại đang gặp phải rào cản lớn nhất. Nguyên nhân hệ thống phân phối chứng chỉ quỹ tại Việt Nam còn quá mỏng và thiếu hiệu quả.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc UOBAM Việt Nam chỉ rõ phân phối sản phẩm quỹ cần hai yếu tố là đa dạng hóa và đảm bảo chất lượng. Theo đó, ngân hàng nên được phép phân phối chứng chỉ quỹ. Bằng chứng là kinh nghiệm thành công của các thị trường trong khu vực, như Thái Lan đã có ngành quản lý tài sản phát triển vượt bậc sau khi các ngân hàng được tham gia sâu vào lĩnh vực này.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng khách hàng tiềm năng chủ yếu nằm ở các ngân hàng, nhưng vướng mắc pháp lý hiện tại đang ngăn cản kênh này phát huy hết tiềm năng. Trong khi đó, các công ty chứng khoán lại tập trung nhiều hơn vào môi giới cổ phiếu, còn các công ty công nghệ tài chính (fintech) chỉ mới ở giai đoạn đầu phát triển.

 Các quỹ thường đầu tư vào công ty chứ không phải cổ phiếu. (Ảnh: Vietnam+)

Các quỹ thường đầu tư vào công ty chứ không phải cổ phiếu. (Ảnh: Vietnam+)

Cần có “sân chơi” cạnh tranh

Bên cạnh kênh phân phối, chất lượng và sự đa dạng của "nguồn cung" cũng là một vấn đề lớn. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) chỉ ra một trong những vấn đề quan trọng để thúc đẩy ngành quỹ là tạo ra “sân chơi” mở, minh bạch, công bằng và cạnh tranh, như vậy mới nâng cao được chất lượng của ngành.

Ông Quỳnh dẫn chứng thị trường dù có hơn 40 công ty quản lý quỹ, nhưng chỉ một số ít thực sự có các sản phẩm hiệu quả. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư quốc tế giàu kinh nghiệm muốn tham gia thị trường nhưng gặp khó khăn trong việc cấp phép. Ông cho rằng cần mở cửa hơn nữa, bởi “có cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng mới tạo ra chất lượng.”

Về yếu tố cung-cầu, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra một thị trường cạnh tranh từ phía cung, với nhà đầu tư khôn ngoan thì sản phẩm nào tốt họ sẽ vào. Tuy nhiên, ông đề xuất cần rà soát lại các rào cản gia nhập thị trường và nâng cao khung thể chế về báo cáo, minh bạch thông tin để tạo sức ép cạnh tranh lành mạnh.

Một khía cạnh khác của nguồn cung, đó là sự thiếu hụt các sản phẩm đầu tư chất lượng. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết ngay cả các quỹ chuyên nghiệp cũng gặp khó trong việc tìm doanh nghiệp tốt để đầu tư. Đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (một kênh đầu tư ưa thích của quỹ) đang bị siết chặt quá mức, thời gian cấp phép phát hành kéo dài khiến doanh nghiệp bị động và nguồn "hàng hóa" trở nên khan hiếm.

Trước những thách thức trên, cơ quan quản lý đã và đang có những bước đi chiến lược. Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết Ủy ban đang trong những bước cuối cùng để trình Bộ Tài chính Đề án tái cấu trúc nhà đầu tư. Cụ thể, đề án này tập trung vào nhiều giải pháp trọng tâm: Xây dựng khuôn khổ pháp lý mới nhằm tháo gỡ các vướng mắc về giới hạn đầu tư, danh mục đầu tư cho các quỹ. Thiết kế loại hình quỹ mới, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường; Nâng cao năng lực công ty quản lý quỹ đồng thời khuyến khích sự tham gia của các định chế tài chính lớn, có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, đề án cũng có những giải pháp đa dạng hóa kênh phân phối. Cụ thể là tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép ngân hàng thương mại trực tiếp phân phối chứng chỉ quỹ. Chính sách thuế được nghiên cứu với các đề xuất ưu đãi phù hợp cho ngành quỹ và nhà đầu tư. Về nâng cao nhận thức nhà đầu tư, giải pháp tập trung xây dựng chiến lược đào tạo dài hơi, phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý, tổ chức vận hành và các thành viên thị trường.

“Theo dõi 10 năm gần đây, tỷ suất sinh lời ngành quỹ khá ổn, trung bình khoảng 13%. Trong giai đoạn tới, ngành quỹ sẽ có nhiều cơ hội phát triển gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán,” ông Minh lạc quan.

Nhấn mạnh nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là đích đến cuối cùng, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết hành trình phát triển đòi hỏi phải xây dựng, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào một thị trường chứng khoán hiện đại, minh bạch và hội nhập.

Theo bà Vũ Thị Chân Phương, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hóa, dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán có thể thu hút được lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhất là vốn đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư lớn. Điều này sẽ tạo tác động tích cực ở nhiều góc độ cho thị trường chứng khoán, qua đó giúp phát triển hơn nữa kênh huy động vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

“Trong các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán, kinh nghiệm quốc tế cho thấy nâng hạng thị trường là giải pháp có tính hiệu quả cao. Năm 2022, Nghị quyết 86 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn minh bạch, bền vững đã nêu mục tiêu rất cụ thể là phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế; Khẩn trương triển khai các giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi. Đến năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1726 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 và đề ra mục tiêu cụ thể là năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi,” bà Vũ Thị Chân Phương nói.

Để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, đã xây dựng những kế hoạch cụ thể, công bố lộ trình dần đáp ứng những tiêu chí mà tổ chức xếp hạng quốc tế đưa ra. Ngoài ra, Ủy ban cũng thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư nước ngoài để lắng nghe phản ánh nhằm phát triển thị trường chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch thường xuyên gặp gỡ các tổ chức xếp hạng thị trường để có những tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm, tiếp nhận ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài. Cơ quan quản lý cũng đã lập nhóm đối thoại chính sách thường xuyên trao đổi với nhà đầu tư, quỹ đầu tư nhằm tháo gỡ các vướng mắc,” bà Vũ Thị Chân Phương cho biết./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-dau-tu-chuyen-nghiep-diem-tua-dang-bi-lang-quen-giua-thi-truong-nhieu-loan-post1051050.vnp