QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI

Sáng 4/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Thành quả lớn nhất là tạo được niềm tin của người dân

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng và thành tựu của những năm trước, đồng thời cũng là năm chuẩn bị và xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão lũ, nhất là tại các tỉnh miền Trung trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016-2020. Do đó, bên cạnh việc thảo luận các vấn đề đã được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, Quốc hội cũng tập trung phân tích, đánh giá, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch và thiệt hại do bão lũ gây ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung báo cáo của Chính phủ, ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và cho rằng, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực. Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị trong các báo cáo hàng năm của Chính phủ cần chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của các bộ ngành, địa phương. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, việc làm rõ chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung lĩnh vực, việc thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót gây tốn kém nguồn lực thì càng cần phải được quan tâm và xử lý với tinh thần thẳng thắn và quyết liệt gấp đôi, gấp ba.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng bày tỏ tán thành các giải pháp của Chính phủ phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới song cũng đề nghị có đánh giá kỹ hơn hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ, tiếp tục có những gói hỗ trợ để khắc phục hậu quả của đợt bão lũ tại miền Trung vừa qua. Đồng thời đề nghị phân tích kỹ hơn những khó khăn của thị trường lao đông, người lao động, có chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt là chuyển đổi ngành nghề theo diễn biến dịch bệnh, thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tính toán cụ thể hơn, có chính sách cụ thể hơn đến đội ngũ công nhân, người lao động mất việc hiện nay. Chính sách nào hỗ trợ hiệu quả nhất và việc chuyển đổi ngành nghề ra sao trong thời gian phục hồi doanh nghiệp sau đại dịch có thể dài hơn 1 năm.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Chính phủ cân nhắc, nâng các chỉ tiêu về năng suất lao động, tỷ lệ che phủ rừng… và bổ sung chỉ tiêu mức tiêu hao năng lượng/GDP do chỉ tiêu này phản ánh kết quả đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển những ngành tiêu hao ít năng lượng.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho rằng hiện còn nhiều kiến nghị của cử tri liên quan tới các vấn đề môi trường, kiến nghị rà soát từng khu công nghiệp, khu chế xuất, nêu rõ các nơi chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, yêu cầu tất cả các khu này phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung trước năm 2025; đề nghị Quốc hội bổ sung một số chỉ tiêu về môi trường trong kế hoạch phát triển sắp tới như về xử lý nước thải, chất thải rắn được thu gom xử lý đạt tiêu chuẩn, từ đó giải quyết một cách tổng thể các vấn đề về môi trường.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi cho rằng trong quá trình phát triển, các giải pháp giảm thiểu thiệt hại của thiên tai là hết sức quan trọng. Đại biểu kiến nghị tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích, khắc phục hậu quả thiên tai; điều tra, đánh giá và công bố các nguyên nhân gây ra thiên tai như vừa qua, đồng thời sử dụng các phân tích này trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong các kế hoạch phát triển; lập bản đồ cảnh báo thiên tai, bố trí lại dân cư… để bảo đảm an toàn tính mạng và sản xuất cho người dân.

Làm rõ trách nhiệm các bên trong biên soạn sách giáo khoa mới

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận buổi sáng là vấn đề trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, thì lĩnh vực giáo dục đào tạo còn nhiều tồn tại, hạn chế, gây bức xúc dư luận xã hội. Một trong số đó là vấn đề biên soạn sách giáo khoa lớp Một bộ Cánh Diều tiếp tục được nhiều đại biểu nêu ra, phân tích và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề giáo dục đào tạo và biên soạn sách giáo khoa mới

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề giáo dục đào tạo và biên soạn sách giáo khoa mới

Đề cập đến vấn đề dư luận đang bức xúc về bộ sách giáo khoa lớp 1, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nêu vấn đề: Là năm đầu tiên áp dụng một chương trình làm bộ sách theo hình thức xã hội hóa trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học chưa thể đạt yêu cầu cao hơn chắc chắn sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nhận định, chúng ta đã học tập, tham khảo rất nhiều nước và cắt mỗi bên một ít để cho vào chương trình giáo dục đổi mới. Vì vậy, sách giáo khoa khi biên soạn cũng bị gọt đẽo theo một hệ thống chưa hoàn thiện.

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, muốn biên soạn bộ sách hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ có thể phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ điệu. Mà lỗi trong sách giáo khoa chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi nội dung chưa phù hợp. Đại biểu chỉ rõ, đây là lỗi quy trình thẩm định phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin và đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài khi xảy ra sự cố thật đáng khó hiểu và không thể hài lòng cư xử.

Nhấn mạnh, giá trị sách giáo khoa khác hoàn toàn sản phẩm hàng hóa thông thường. Nếu tiếp nhận một bộ sách như một lớp chắp vá để tiếp tục vận hành thì đó là thỏa hiệp nguy hại, xem nhẹ giá trị nhân văn trong sáng của tiếng Việt, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền mong các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm cần nhìn thẳng sự thật, có thể cân nhắc cho việc sử dụng những bộ sách giáo khoa có chất lượng thấp, còn thiếu thì nên lùi thời gian lại để hoàn thiện chặt chẽ hơn về mọi mặt.

Cùng mối quan tâm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, xây dựng xã hội học tập, đại biểu Quách Thế Tản – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình ghi nhận năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục đã sáng tạo, linh hoạt trong dạy và học trực tuyến, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Đồng thời, đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành công, bảo đảm gọn nhẹ, an toàn, hiệu quả, giảm áp lực tốn kém cho học sinh, sinh viên và gia đình học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, đại biểu Quách Thế Tản cũng chỉ rõ, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là đội ngũ nhà giáo còn nhiều khó khăn, bất cập. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chất lượng chưa đồng đều. Một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm chất và danh dự nhà giáo. Cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, đã xuống cấp, nhất là khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, chưa có giải pháp hữu hiệu. Việc phối hợp 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội còn thiếu chặt chẽ; cho nên, một bộ phận học sinh, sinh viên có những biểu hiện sa sút về đạo đức, lối sống, thiếu ý thức, lười lao động, thích hưởng thụ, bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi.

Đại biểu Quách Thế Tản – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Quách Thế Tản – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đặc biệt, việc quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo còn bất cập khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là một số nội dung chưa phù hợp trong sách giáo khoa lớp Một, cụ thể là bộ Cánh Diều bị dư luận phê phán. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cậu đã chỉ đạo giải pháp kịp thời song cũng cần rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này.

Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên và qua kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Quách Thế Tản đề xuất cần quan tâm đến chất lượng thẩm định sách giáo khoa, trước mắt các giải pháp phù hợp để khắc phục những nội dung giảng viên bộ sách giáo khoa môn tiếng Việt lớp 1. Đồng thời, chỉ đạo, giám sát biên soạn, thẩm định, phê duyệt các bộ sách giáo khoa tiếp theo đối với các lớp tiếp theo. Ngành giáo dục các địa phương cần quy hoạch rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, nhất là việc sắp xếp, sáp nhập các điểm trường lẻ, trường tiểu học, trung học cơ sở. Đại biểu Quách Thế Tản cũng đề nghị cần tăng cường nội dung, biện pháp giáo dục lao động đối với học sinh ở bất cứ các bậc học và tùy theo lứa tuổi. Bởi, đây là một trong những nguyên tắc giáo dục rất cơ bản để dạy nhân cách cho người học nhưng hiện nay nhiều trường còn xem nhẹ vấn đề này, điều đó có nghĩa là không hoàn thành mục tiêu giáo dục toàn diện.

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng cám ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, và các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, giáo viên và rất nhiều người dân bình thường với tư cách là ông bà, cha mẹ của các cháu học sinh lớp 1. Tất cả các ý kiến đều rất tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục để có một bộ sách giáo khoa thật tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phó Thủ tướng thừa nhận, Bộ sách giáo khoa đã được biên soạn nhưng vốn tiếng Việt của Nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn tùy theo cách dùng từ. Chỗ này cần phải được tiếp thu, giải thích một cách rất khoa học, để tiếp thu. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy sai sót và trách nhiệm thuộc Bộ, trong đó có trách nhiệm thuộc Bộ trưởng. Bộ trưởng cũng đang có bước chỉ đạo khá cương quyết như thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng, Bộ nói chung phải hết sức lưu ý, phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc để quy trình biên soạn và thẩm định sách giáo khoa những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Ngoài ra, tại phiên họp các đại biểu cũng dành sự quan tâm đến việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chú trọng đầu tư cho khu vực dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; đánh giá tác động của các công trình thủy điện nhỏ và vừa đến môi trường và đời sống người dân, vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư trong giai đoạn tới.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận toàn thể tại hội trường./.

Bảo Yến - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=49646