Quốc hội chốt vẫn áp trần giá vé máy bay
Thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế; chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần; đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ của người dân… là những lý do mà vẫn cần áp trần giá vé máy bay.
Quốc hội chiều nay đã thông qua Luật Giá (sửa đổi) với gần 93% đại biểu tán thành và sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024.
Theo đó, Nhà nước vẫn cần giữ quy định giá trần giá vé máy bay.
Giải trình về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) ngay trước khi Quốc hội thông qua, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, cho biết, có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá.
Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế; chưa đánh giá được tác động và hệ quả của việc bỏ quy định về giá trần.
Hiện có 6 hãng hàng không khai thác các tuyến nội địa, nhưng thực tế vẫn do 3 hãng lớn nắm thị phần, trong đó Vietnam Airlines khoảng 35%, Vietjet Air 40% và Bamboo Airway 16%.
Theo ông Mạnh, nếu không quy định giá trần, đồng nghĩa Nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay cao với hạng vé phổ thông, nhất là các dịp lễ, tết, mùa du lịch nhu cầu đi lại tăng cao. Việc này ảnh hưởng đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp khó có thể tiếp cận các dịch vụ hàng không, làm tăng chi phí xã hội.
Bên cạnh đó, vẫn cần thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành.
Sau 8 năm không thay đổi, cách đây hơn 1 tuần, Bộ Giao thông Vận tải cho biết đang tiến hành lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo dự thảo thông tư, cơ quan này dự kiến tăng mức trần giá vé máy bay nội địa đối với đường bay từ 500 km trở lên. Cụ thể, đường bay cự ly từ 500 - 850 km, dự kiến giá trần tăng lên mức 2,25 triệu đồng mỗi lượt (tăng 50.000 đồng so với trần hiện hành).
Đường bay từ 850 - 1.000 km, tăng giá trần vé lên 2,89 triệu đồng mỗi lượt (tăng 100 nghìn đồng so với hiện hành). Đường bay từ 1.000 - 1.280 km, giá trần tăng lên 3,4 triệu đồng mỗi lượt (tăng 200.000 đồng). Đường bay từ 1.280 km trở lên sẽ tăng trần đạt mức 4 triệu đồng mỗi lượt (tăng 250.000 đồng so với trần hiện hành).
Trước đó, báo cáo với Ban chỉ đạo điều hành giá, Bộ Giao thông vận tải đã trình phương án tăng trần giá vé máy bay nội địa. Dự kiến quy định mới về trần giá vé máy bay sẽ được ban hành trong quý III năm nay.
Mặt khác, Luật Giá mới thông qua hôm nay cũng quy định giá trần sách giáo khoa.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng sách giáo khoa nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản.
Tiếp thu ý kiến, ủy ban đã chỉ đạo quy định giá trần và không quy định giá sàn đối với mặt hàng này. Việc không quy định giá sàn vì đây là mặt hàng có tính đặc thù, đối tượng tiêu dùng mang tính bắt buộc, trong đó có cả đối tượng yếu thế. Nếu quy định giá sàn, các đơn vị phát hành sách không thể bán cho người dân với giá thấp hơn giá sàn, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.
Hơn nữa, hiện nay, Chính phủ không đề xuất quy định giá sàn nên chưa đánh giá tác động nếu quy định giá sàn đối với sách giáo khoa. Vì vậy, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chưa đủ căn cứ để bổ sung quy định về giá sàn.
Luật Giá (sửa đổi) được thông qua cũng bỏ thịt lợn, sữa cho người cao tuổi khỏi danh mục hàng hóa, bình ổn giá.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, hiện nay tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đầy, chỉ ở mức 40 - 45% so với mức 65 - 70% như trước đây.
Việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá và khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này nên các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như quy định. Trước đó, mặt hàng “thịt lợn” cũng không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.
Cũng là một trong những nội dung thu hút nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, quy định về thẩm định giá trong Luật Giá (sửa đổi) được đề nghị rà soát kỹ để làm rõ các trường hợp cần thực hiện thẩm định giá của nhà nước, trường hợp có thể thuê doanh nghiệp thẩm định.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, luật không đặt ra các trường hợp cụ thể phải thẩm định giá, mà quy định về mặt nguyên tắc và đưa ra cơ chế thực hiện thẩm định giá của nhà nước. Các trường hợp cụ thể phải thẩm định giá sẽ theo pháp luật chuyên ngành và phân cấp, phân quyền của các bộ, ngành và địa phương.
Trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt giá có quyền quyết định thành lập hội đồng thẩm định giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá để làm căn cứ xem xét, quyết định giá đối với tài sản. Quy định này cũng góp phần gắn chặt trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt giá với thẩm quyền mua sắm, quản lý tài sản.
Do vậy, ủy ban cho rằng cho phép không quy định rõ các trường hợp cần thực hiện thẩm định giá của nhà nước, trường hợp có thể thuê doanh nghiệp thẩm định.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/quoc-hoi-chot-van-ap-tran-gia-ve-may-bay-1687177911651.htm