Quảng Nam tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển

Quảng Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư tư nhân, huy động vốn ngoài xã hội đầu tư sâu hơn vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ công; phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế…

Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô-tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải, tại Quảng Nam.

Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô-tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải, tại Quảng Nam.

Ngày 6/7, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị lần thứ 8 (khóa 22) để đánh giá tình hình thực hiện các mặt công tác 6 tháng đầu năm, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; sơ kết 5 năm thực hiện các nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII): Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 3/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 6/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước cùng một số nội dung khác.

Trình bày báo cáo về sơ kết 5 năm thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, trong thời qua, công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư (thành lập, đưa vào hoạt động từ ngày 3/1/2017) đã giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, tạo sự công khai, minh bạch, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thông tin và các cơ hội đầu tư, kinh doanh; thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế; triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, tích cực thực hiện cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Mặt khác, Quảng Nam luôn quan tâm hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Kịp thời ban hành các quy định, kế hoạch, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Khuyến khích, động viên tinh thần, ý chí khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp tư nhân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu kết luận hội nghị lần thứ tám.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu kết luận hội nghị lần thứ tám.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; đổi mới căn bản phương thức quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn cho kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Tỉnh cũng đã từng bước xây dựng chính quyền điện tử, triển khai hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cung cấp dịch vụ công đạt kết quả tích cực, chất lượng giải quyết hồ sơ được cải thiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 98% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử, 100% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, số tiền thuế nộp vào ngân sách nhà nước bằng hình thức điện tử đạt tỷ lệ 100%. Việc cấp mã số thuế tự động cho doanh nghiệp được đẩy mạnh; qua đó, rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.

Đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có hơn 8.100 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng đều qua các năm. Giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có khoảng 1.250 doanh nghiệp thành lập mới (tốc độ tăng bình quân 11,3%/năm); hiện có 94.000 hộ kinh doanh cá thể, với số lượng lao động hơn 146.000 lao động. Đến năm 2021, tổng số lao động trong các cơ sở kinh doanh của khu vực tư nhân khoảng 300.000 lao động.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đối với khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2017-2021 bình quân khoảng 2,482 triệu USD/năm, chiếm 88% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh; thu xuất nhập khẩu từ khu vực kinh tế tư nhân đạt 4.087 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt hơn 23.700 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 19.600 tỷ đồng; khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 11.300 tỷ đồng, chiếm 58% thu nội địa, trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 1.996 tỷ đồng, chiếm 7%.

Đóng góp của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế-xã hội ngày càng thể hiện vai trò quan trọng; năm 2021, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục tăng về tỷ trọng trong tống vốn đầu tư phát triển, chiếm hơn 50%.

Sắp tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư tư nhân, huy động vốn ngoài xã hội đầu tư sâu hơn vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ công; phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ xúc tiến đầu tư các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và nâng cao đời sống nhân dân; tăng cường huy động, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư thông qua các mô hình hợp tác công-tư, nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hỗ trợ của nước ngoài,...

TẤN NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/quang-nam-tao-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-thuan-loi-cho-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-704166/