Quảng Nam: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035
là đề án liên qua đến định hướng xây dựng và phát triển thành phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng thành phố Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch là điểm đến hấp dẫn của thế giới. Hiện nay, thành phố Hội An đang là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước và thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thành phố Hội An vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, công tác quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư không theo kịp yêu cầu của sự phát triển, chưa đảm bảo cân bằng giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển. Thiếu nguồn lực đầu tư để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của di sản. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, môi trường sinh thái của Hội An đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống, mất cân bằng trong phát triển. Bên cạnh đó, những biến động khó lường về tình hình chính trị quốc tế, dịch bệnh toàn cầu, biến đổi khí hậu, kỷ nguyên số. Điều này đặt ra nhiều thách thức lớn đối với việc bảo tồn, xây dựng và phát triển thành phố Hội An. Với nhiều nguyên nhân khác nhau nên phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch chưa được triển khai thực hiện hoặc kết quả đạt được còn rất ít.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cấp thiết đặt ra, trên cơ sở kế thừa “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 – 2025” cho nên việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm cơ sở đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian đến.
Theo đề án trình Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An theo đúng nguyên tắc bảo tồn tính chân xác, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, theo phương châm “bảo tồn để phát triển” và “phát triển để bảo tồn”. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An là trọng tâm trong đầu tư xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, hình thành vùng động lực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và gắn kết với phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương liên quan trong quá trình phát triển.
Bảo tồn di sản thế giới Hội An không chỉ bảo tồn di sản văn hóa trong khu phố cổ mà còn với các di sản văn hóa vùng ven, làng nghề; gắn kết với không gian vùng bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An; một phần hệ thống sông Thu Bồn, sông Cổ Cò, dấu tích lịch sử của đô thị cổ và cảnh quan sinh thái ở các địa phương tiếp giáp với thành phố Hội An.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch bền vững với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố Hội An là địa phương đi đầu trong hội nhập quốc tế.
Bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh. Tiếp tục nghiên cứu, nhận diện những giá trị mới làm phong phú thêm giá trị lịch sử - văn hóa và giá trị đương đại của di sản.
Gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng di sản, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một “Di sản sống”.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, cụ thể hóa những nhiệm vụ đặt ra trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án… bằng những dự án thành phần cụ thể, đồng bộ trên các lĩnh vực, đảm bảo tính cấp thiết, đủ nguồn lực để thực thi hiệu quả.
Xác định những mối đe dọa, những nguy cơ ảnh hưởng và làm giảm giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và chân xác của di sản, từ đó có giải pháp phù hợp để bảo vệ di sản. Đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt để ngăn ngừa các mối đe dọa tác động ảnh hưởng đến di sản và phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị phù hợp với đặc thù của di sản.
Đánh giá cụ thể, hiệu quả hệ thống quản lý di sản, trong đó làm rõ những ưu điểm, hạn chế và tồn tại để xây dựng Kế hoạch quản lý đảm bảo tính chiến lược và lâu dài, đồng thời xác định các nhu cầu nghiên cứu bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong các giai đoạn tiếp theo.
Phấn đấu 100% di tích đã được xếp hạng xuống cấp được trùng tu, tôn tạo. 100% di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu có giá trị được nhận diện, kiểm kê, quản lý bằng hồ sơ khoa học và bảo tồn, phát huy giá trị. 100% di tích đã xếp hạng, nằm trong danh mục bảo vệ có phương án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. 100% thiết chế văn hóa (bảo tàng, nhà hát, điểm dừng chân, thư viện, phòng trưng bày truyền thống…) được đầu tư, nâng cấp. 100% di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn phi vật thể quốc gia; các di tích xếp hạng được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.100% những người làm công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa được đào tạo, cập nhật kiến thức.
Đến năm 2035 bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An. Hoàn thiện quy hoạch không gian và đưa vào mở rộng khoanh vùng bảo vệ của di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An. 100% di sản văn hóa vật thể, hiện vật, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được bảo tồn và phát huy tốt giá trị.