Quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đồng bào các dân tộc Việt Nam. Tình cảm và tấm lòng của Người có sức động viên to lớn đối với đồng bào các dân tộc.

Đồng chí Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện trao thưởng cho 5 em học sinh của trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên nằm trong tốp 20 học sinh toàn quốc đạt giải cuộc thi Violympic Quốc gia năm học 2023 - 2024.

Đồng chí Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện trao thưởng cho 5 em học sinh của trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên nằm trong tốp 20 học sinh toàn quốc đạt giải cuộc thi Violympic Quốc gia năm học 2023 - 2024.

Tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam ngày 03/12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Anh em thiểu số chúng ta sẽ được Chính phủ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt - Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc”. Để hiện thực hóa quan điểm của Người, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS, đặc biệt các chính sách phát triển Giáo dục và Đào tạo. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ: “Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào DTTS” và “có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS”, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 3033/QĐ-BGDĐT ngày 30/9/2021 về kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số lĩnh vực GDĐT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và một số văn bản chỉ đạo khác. Nhờ đó, công tác Giáo dục và Đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được những thành tựu nhất định.

Huyện Tân Uyên có 10 dân tộc chủ yếu với 61.283 người, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 84,5% (dân tộc Thái chiếm 46,5%, dân tộc Mông chiếm 19,8%, dân tộc Khơ Mú chiếm khoảng 8,2%, còn lại là các dân tộc khác). Tổng số học sinh dân tộc trong độ tuổi đến trường là 15.571/18.196 học sinh chiếm 85,6% (trong đó: Mầm non: 3.829 trẻ; Tiểu học: 5.947 học sinh; THCS: 4.857 học sinh; THPT: 938 học sinh); học sinh dân tộc nữ: 7.467 học sinh. Toàn huyện có 01 trường PTDTNT THPT; 01 trường PTDTBT; 21 trường có học sinh bán trú; 35/35 trường có học sinh dân tộc thiểu số. Năm học 2023-2024, toàn huyện có hơn 9000 học sinh được hưởng các chế độ chính sách đặc thù cho vùng DTTS của trung ương, của tỉnh, các chính sách đó góp phần tạo điều kiện cho các em học sinh đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục. (Chính sách hỗ trợ học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; Chính sách đối với trẻ mẫu giáo, học sinh dân tộc thiểu số rất ít người theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP; Chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và giáo viên mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP;Chính sách đối với học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT; Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP; Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú Nghị quyết 04/2022/NQ-HĐND…).

Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND - UBND huyện, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương; sự đồng thuận của Nhân dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) trẻ Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 2, Xóa mù chữ (XMC) mức độ 1 đối với 10 xã, thị trấn. Tỷ lệ người DTTS từ 15-60 tuổi biết chữ đạt 93,7% tăng 7,0% so với năm 2019. Tỷ lệ huy động trẻ em DTTS dưới 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100% tăng 1,0% so với với năm 2019. Tỷ lệ học sinh DTTS đi học cấp tiểu học đạt 99,6% tăng 0,2% so với năm 2019. Tỷ lệ học sinh DTTS học cấp THCS đạt 92,1% tăng 1,6% so với năm 2019. Tỷ lệ học sinh DTTS học cấp THPT đạt 65,5% tăng 12,3 % so với năm 2019.

Chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 100% tăng 2,6 % so với năm 2019. Tỷ lệ CB, GV, NV người DTTS là 359/1334 chiếm 26,9% tổng số CB, GV, NV toàn ngành; tỷ lệ giáo viên DTTS đạt chuẩn và trên chuẩn đạt 268/359 đạt 76,7%. Giữ vững và nâng cao các tiêu chí trường chuẩn quốc gia 76,5% (trong đó có 4 trường chuẩn quốc gia mức độ 2), tăng 01 trường đạt kiểm định chất lượng mức độ 1.

100% các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú tổ chức hoạt động giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động nội trú; thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2025 và Câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong các đơn vị trường học giai đoạn 2022-2025...

Để thực hiện hiệu quả công tác phát triển Giáo dục và Đào tạo vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Tân Uyên, trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu, thực hiện hiệu quả quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển Giáo dục - Đào tạo vùng DTTS. Phát huy thành tích đã đạt được, không ngừng phấn đấu, thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa sự nghiệp giáo dục huyện Tân Uyên nói chung và giáo dục vùng dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng phát triển.

B.T

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/%C4%91%E1%BB%9Di%20s%E1%BB%91ng/quan-t%C3%A2m-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c-v%C3%B9ng-%C4%91%E1%BB%93ng-b%C3%A0o-d%C3%A2n-t%E1%BB%99c-thi%E1%BB%83u-s%E1%BB%91