Quan tâm hơn đến 'vùng trũng' của giáo dục Thủ đô

Con số vốn khô khan, nhưng nhiều khi nó 'biết nói' vì là minh chứng, bằng chứng để góp phần thể hiện tính khách quan, trung thực của hiện thực đời sống xã hội.

Con số điểm chuẩn vừa công bố vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn TP Hà Nội phần nào phản ánh “gam màu sáng-gam màu trầm” về bức tranh giáo dục Thủ đô hiện nay.

So với các địa phương khác trong cả nước, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập (kỳ thi) trên địa bàn TP Hà Nội luôn “nóng” bởi số lượng thí sinh dự thi rất đông, tỷ lệ “chọi” ở mức cao. Năm nay, hơn 93.000 thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi để giành khoảng 67.000 suất vào 115 trường THPT công lập trên toàn thành phố.

Thí sinh tham dự kỳ thi lớp 10 THPT công lập tại điểm thi Trường THCS Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: KHÁNH HÀ

Khoảng 2 tuần sau khi thi, ngày 28-6, hơn 9 vạn thí sinh chính thức biết được điểm chuẩn vào lớp 10 các trường công lập. Học sinh thi đỗ vào trường mình mong ước, tất nhiên không chỉ các em vui mà các bậc phụ huynh đều phấn khởi. Còn ai không vượt qua “cửa ải vũ môn” này thì đều có tâm trạng nuối tiếc, ngậm ngùi. Đó là tâm lý bình thường của bất cứ một sĩ tử nào.

Tuy nhiên, câu chuyện về giải quyết vấn đề công bằng giáo dục thêm một lần được nhắc tới ngay sau khi Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn kỳ thi này. Nhìn vào thang bảng điểm sàn năm nay, khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng trung tâm nội đô và vùng ngoại thành rất đáng suy ngẫm. Theo thống kê của người viết, trong kỳ thi năm nay, 9 trường có điểm chuẩn trung bình chung (TBC) từ 8,0 trở lên; 18 trường có điểm TBC từ 7,0 đến dưới 8,0 điểm; 59 trường có điểm từ TBC từ 5,01 điểm đến dưới 7,0 điểm; 29 trường có điểm TBC từ 3,01 đến dưới 5,0 điểm. Như vậy, tỷ lệ các trường xếp theo thứ tự giỏi, khá, trung bình và dưới trung bình lần lượt là: 7,8%; 15,6%; 51,3%; 25,2%.

Các trường ở tốp đầu có mức điểm chuẩn giỏi là: Chu Văn An, Kim Liên, Yên Hòa, Lê Quý Đôn (Hà Đông), Phan Đình Phùng, Nguyễn Gia Thiều, Thăng Long, Việt Đức, Nhân Chính.

Tỷ lệ chênh lệch điểm chuẩn giữa trường cao nhất là 53,3 điểm với điểm chuẩn thấp nhất là 18,05 điểm, chênh nhau khoảng gần 3 lần. Được biết, thí sinh muốn vào Trường THPT Chu Văn An phải đạt tối thiểu 8,88 điểm mỗi môn thi; nhưng thí sinh chỉ cần đạt 3,01 điểm mỗi môn thi là được vào học tại Trường THPT Bất Bạt hay Trường THPT Minh Quang. Ngoài 2 trường Bất Bạt và Minh Quang ở mức điểm “đội sổ”, còn 6 trường THPT có mức điểm chuẩn dưới 4,0, là: Nguyễn Văn Trỗi, Mỹ Đức C, Bắc Lương Sơn, Lưu Hoàng, Đại Cường, Ứng Hòa B.

Tính tổng thể, có tới 29 trường THPT (chiếm 25,2%) lấy điểm chuẩn từ 3,01 đến dưới 5,0 điểm mỗi môn thi, tức là điểm dưới trung bình. Tính bình quân, cứ 4 trường THPT công lập trên địa bàn Hà Nội thì có 1 trường THPT công lập lấy điểm chuẩn mỗi môn thi dưới mức trung bình.

Hà Nội tổ chức thành 12 khu vực tuyển sinh, thứ tự điểm chuẩn các khu vực tuyển sinh xếp thứ tự từ cao đến thấp lần lượt là: Khu vực 2 (Hoàn Kiếm-Hai Bà Trưng) có điểm TBC là 46,44 điểm; khu vực 3 (Đống Đa-Thanh Xuân-Cầu Giấy) 45,23 điểm; khu vực 1 (Ba Đình-Tây Hồ) 44,75 điểm; khu vực 5 (Long Biên-Gia Lâm) 40,6 điểm; khu vực 4 (Hoàng Mai-Thanh Trì) 38,58 điểm; khu vực 7 (Bắc Từ Liêm-Nam Từ Liêm-Hoài Đức-Đan Phượng) 37,94 điểm; khu vực 6 (Sóc Sơn-Đông Anh-Mê Linh) 35,49 điểm; khu vực 10 (Hà Đông-Chương Mỹ-Thanh Oai) 35,48 điểm; khu vực 9 (Thạch Thất-Quốc Oai) 30,34 điểm; khu vực 11 (Thường Tín-Phú Xuyên) 28,92 điểm; khu vực 8 (Phúc Thọ-Sơn Tây-Ba Vì) 27,69 điểm; khu vực 12 (Mỹ Đức-Ứng Hòa) 26,03 điểm.

Nhìn vào thứ tự nêu trên, có 3 khu vực hiện nay của Hà Nội lấy điểm chuẩn vào lớp 10 công lập có điểm TBC mỗi môn thi dưới mức trung bình, chủ yếu là những trường thuộc các huyện miền núi, huyện ngoại thành, gồm: Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên...

Theo nhận định của nhiều chuyên gia và nhà quản lý giáo dục, điểm chuẩn thấp ở các trường THPT công lập thuộc các huyện nông thôn, miền núi ở Hà Nội chủ yếu do 3 nguyên nhân chính: Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa tốt; cơ sở vật chất trường lớp hạn chế; đời sống kinh tế khó khăn, phụ huynh chưa chăm lo chu toàn việc học tập của con em mình.

Được biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô vào năm 2008, tuy chính quyền thành phố đã đầu tư quan tâm hơn đến chính sách phát triển giáo dục, song nhiều năm qua, những huyện ngoại thành (chủ yếu thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây cũ) vẫn thuộc diện “vùng trũng” của giáo dục Hà Nội. Từ thực trạng này đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền ở Thủ đô, nhất là ngành giáo dục tiếp tục phải có chính sách, biện pháp căn cơ, khả thi hơn nhằm rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng nội đô và vùng ngoại thành. Nếu không thu hẹp khoảng cách này, thì mục tiêu bảo đảm công bằng trong giáo dục trên địa bàn Thủ đô sẽ khó thành hiện thực.

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/quan-tam-hon-den-vung-trung-cua-giao-duc-thu-do-664028