Quan tâm hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, người khuyết tật

Những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) đã quan tâm hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế, người khuyết tật. Qua đó thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc của Đảng, Nhà nước về công tác an sinh xã hội, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Trợ giúp viên pháp lý Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp tham gia lấy lời khai người thuộc diện trợ giúp pháp lý miễn phí tại Công an huyện Kim Sơn.

Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Hội Người Khuyết tật tỉnh cho biết: Khó khăn của người khuyết tật chính là việc tiếp cận về pháp lý, về chính sách của Nhà nước. Thời gian qua, việc TGPL và hỗ trợ tư pháp cho người khuyết tật đã giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội nói chung và người khuyết tật nói riêng. Khi người khuyết tật được TGPL và tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức pháp luật về chế độ chính sách cho người khuyết tật và gia đình. Qua đó, giúp người khuyết tật được bảo đảm quyền công dân trong tiếp cận pháp lý.

Đồng chí Vũ Đình Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Tân (Kim Sơn) cho biết: Sau khi Luật Trợ giúp pháp lý có hiệu lực, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai với cán bộ, công chức và nhân dân. Từ năm 2017 đến nay, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Phòng Tư pháp huyện Kim Sơn đã tổ chức được 8 cuộc tư vấn, TGPL cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, hộ có mức sống trung bình, người có công và các gia đình chính sách, người yếu thế. Do đó, TGPL và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp nâng cao hiểu biết, chấp hành pháp luật cho người dân và đem lại quyền lợi, lợi ích của người dân, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, các đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế còn được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo đương sự tại các phiên tòa. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Yên Mô cho biết: Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Thông tư số 10/2018, công tác phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình và Tòa án nhân dân huyện Yên Mô đã được phối hợp chặt chẽ. Tòa án luôn tạo điều kiện để các trợ giúp viên pháp lý tham gia thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo, đương sự tại tòa án.

Quá trình tham gia bào chữa tại phiên tòa, các trợ giúp viên pháp đã tích cực nghiên cứu hồ sơ vụ án, tích cực tham gia xét hỏi, tranh tụng để làm sáng tỏ nhiều tình tiết của vụ án, đặc biệt là các tình tiết giảm nhẹ và nhân thân của bị cáo để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của bị cáo.

Các ý kiến bào chữa của trợ giúp viên đều được Hội đồng xét xử ghi nhận trong bản án. Sự tham gia bào chữa, bảo vệ của trợ giúp viên pháp lý đã góp phần giúp hội đồng xét xử có cách nhìn toàn diện, khách quan, từ đó đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý, đúng người, đúng tội. Đồng thời, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người không có đủ điều kiện mời luật sư bào chữa hoặc không đủ khả năng tự bào chữa.

Sự tham gia của TGPL tại phiên tòa không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người già neo đơn, các đối tượng yếu thế trong xã hội, giúp họ được hưởng những lợi ích từ dịch vụ pháp lý này mà còn góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng được TGPL.

Từ đầu năm đến 15/9/2022, Tòa án nhân dân huyện Yên Mô xét xử trên 200 vụ án, trong đó trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tham gia trên 10 vụ án.

Tính từ khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (có hiệu lực từ 1/1/2018), các cấp, các ngành có liên quan từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm phối hợp triển khai có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, nhất là người trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu luôn được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí như: Đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Qua 5 năm triển khai Luật, đến nay, đã tiếp nhận trong kỳ 1.377 vụ việc (trong đó tư vấn 796 vụ việc, tham gia tố tụng 557 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 24 vụ việc). Đã hoàn thành 1.328 vụ việc (thực hiện tư vấn miễn phí tại trụ sở Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và tại xã, phường, thị trấn cho 796 trường hợp, tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho 517 trường hợp thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng cho 15 trường hợp thuộc diện được trợ giúp pháp lý).

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, Sở Tư pháp cho biết: Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật và tuyên truyền về TGPL bằng nhiều hình thức đa dạng như thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công chức tư pháp hộ tịch, lao động thương binh, xã hội; công an cấp xã; hòa giải viên cơ sở...) để người dân, người được TGPL biết đến hoạt động TGPL và được hỗ trợ pháp lý miễn phí.

Chú trọng giải quyết hiệu quả các vụ việc trợ giúp nhất là các vụ việc tham gia bằng hình thức tham gia tố tụng. Tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND cấp xã, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan có liên quan và bồi dưỡng kiến thức pháp luật về TGPL cho đội ngũ cán bộ tiếp công dân để họ là cầu nối giữa người được TGPL với Trung tâm nhằm đảm bảo người được TGPL được hưởng chính sách TGPL khi có nhu cầu.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/quan-tam-ho-tro-phap-ly-cho-nguoi-ngheo-doi-tuong-chinh-sach/d20221006081148166.htm