Quân sự thế giới hôm nay (27-5): Lộ diện quốc gia đầu tiên vận hành máy bay chiến đấu Su-57E của Nga
Quân sự thế giới hôm nay (27-5) có những nội dung sau: Hà Lan hoàn tất việc chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine; Tây Ban Nha và Đức hợp tác hiện đại hóa xe bọc thép; lộ diện quốc gia đầu tiên vận hành máy bay chiến đấu Su-57E của Nga.
* Hà Lan hoàn tất việc chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine
Trang Bulgarian Military đưa tin, Hà Lan đã hoàn tất cam kết cung cấp cho Ukraine 24 máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon, với lô F-16 cuối cùng đã được chuyển giao cho Ukraine ngày 26-5.
Các đợt chuyển giao này đi kèm với chương trình huấn luyện quy mô lớn dành cho phi công và kỹ thuật viên Ukraine, chủ yếu tại Trung tâm huấn luyện F-16 châu Âu ở Fetesti, Romania.

Hà Lan hoàn tất việc chuyển giao 24 máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Ảnh: X.com
F-16 Fighting Falcon là máy bay chiến đấu đa năng một động cơ, được phát triển bởi General Dynamics (nay là Lockheed Martin). Các máy bay được chuyển giao cho Ukraine nhiều khả năng là biến thể F-16AM/BM, đã được nâng cấp thông qua chương trình cập nhật giữa vòng đời, giúp cải tiến hệ thống điện tử hàng không, cảm biến và vũ khí để đáp ứng yêu cầu chiến đấu hiện đại.
Thiết kế nhỏ gọn của F-16, với chiều dài khoảng 15m và sải cánh rộng 9,8m, cho phép khả năng cơ động vượt trội. Máy bay được trang bị động cơ Pratt & Whitney F100-PW-220 hoặc General Electric F110-GE-100, có thể đạt tốc độ hơn Mach 2. Tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng gần 1:1 giúp F-16 tăng tốc nhanh chóng và thực hiện các thao tác một cách ổn định, khiến máy bay trở thành nền tảng đáng gờm cho cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất.
* Tây Ban Nha và Đức hợp tác hiện đại hóa xe bọc thép
Mới đây, Rheinmetall và Indra đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) mới nhằm tăng cường hợp tác trong việc hiện đại hóa các phương tiện bọc thép của quân đội Tây Ban Nha. Động thái chiến lược này củng cố mối quan hệ đối tác công nghiệp lâu dài giữa Rheinmetall Landsysteme GmbH – một trong những nhà sản xuất hệ thống quốc phòng hàng đầu của Đức – và Indra, công ty công nghệ quốc phòng hàng đầu của Tây Ban Nha.

Với các nền tảng như Leopard 2E và VCR Dragon 8x8 đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực hiện đại hóa, liên minh Tây Ban Nha- Đức đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình đồng phát triển các hệ thống xe chiến đấu. Ảnh: TESS Defence
Thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh các lực lượng vũ trang châu Âu đang đẩy mạnh hiện đại hóa đội hình thiết giáp để đối phó với các mối đe dọa chiến trường ngày càng phức tạp, cũng như Tây Ban Nha đang nỗ lực nâng cấp các nền tảng chủ lực như xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2E và xe chiến đấu bộ binh VCR 8x8 Dragon. Đồng thời, thỏa thuận cũng giúp nâng cao năng lực sản xuất trong nước và số hóa của Indra, giúp Tây Ban Nha tự chủ hơn trong việc thiết kế và cải tiến các phương tiện quân sự. Theo Army Recognition, hai nền tảng thiết giáp chủ lực đang được ưu tiên hiện đại hóa là Leopard 2E và VCR Dragon 8x8.
Leopard 2E được sản xuất trong nước theo giấy phép với sự hợp tác giữa Indra và Rheinmetall Electronics. Những nâng cấp dự kiến bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực thế hệ mới, cảm biến quang điện tử cải tiến và công cụ hỗ trợ ra quyết định tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Indra đóng vai trò trang bị cho xe tăng này các camera nhiệt và hệ thống quản lý chiến trường Lince BMS – minh chứng cho khả năng tích hợp sâu về công nghệ.
Tương tự như vậy, IFV Dragon, được trang bị hệ thống tác chiến Maestre, dự kiến sẽ được tăng cường khả năng kết nối số và tích hợp cảm biến trong những năm tới.
* Lộ diện quốc gia đầu tiên vận hành Su-57E của Nga
Theo hãng tin TASS, khách hàng nước ngoài đầu tiên được xác nhận mua tiêm kích đa năng thế hệ thứ năm Su-57E của Nga sẽ bắt đầu tiếp nhận và vận hành dòng máy bay này vào cuối năm nay. Mặc dù Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga không tiết lộ danh tính quốc gia mua trong khuôn khổ triển lãm quốc phòng MILEX 2025 tại Minsk, nhiều nguồn độc lập, bao gồm truyền hình nhà nước Algeria và các tuyên bố từ quan chức Nga, đã xác nhận rằng Algeria là khách hàng xuất khẩu đầu tiên của Su-57E.

Su-57E của Nga có tầm hoạt động khoảng 2.800km khi không tiếp nhiên liệu, có thể mở rộng lên 5.200km với một lần tiếp nhiên liệu trên không, và đạt tới 7.800km nếu thực hiện hai lần tiếp nhiên liệu. Ảnh: Defence Blog
Các phi công Algeria hiện đang được huấn luyện tại Nga để chuẩn bị cho việc vận hành Su-57E. Lô đầu tiên dự kiến gồm 6 chiếc, đánh dấu bước khởi đầu cho việc tiếp nhận và triển khai dòng máy bay này trong Không quân Algeria.
Su-57E là phiên bản xuất khẩu của Su-57 do công ty Sukhoi thuộc Tập đoàn Máy bay Thống nhất Nga (UAC) phát triển và được sản xuất hàng loạt năm 2019. Việc hiện đại hóa vẫn đang tiếp tục, bao gồm thử nghiệm động cơ Izdeliye 30 giai đoạn 2, dự kiến sẽ được tích hợp vào các máy bay trước năm 2027.
Việc lựa chọn Su-57E phù hợp với chiến lược mua sắm quốc phòng lâu dài của Algeria, vốn dựa nhiều vào các nền tảng có nguồn gốc Nga và Liên Xô như Su-30MKA, MiG-29, MiG-25 và hệ thống phòng không S-300PMU-2. Các nhà phân tích nhận định chi phí cho Su-57E (khoảng 50 triệu USD) thấp hơn đáng kể so với các máy bay thế hệ thứ 5 của phương Tây, khiến máy bay trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp chiến đấu chi phí thấp hơn.
Thương vụ với Algeria mở ra cơ hội để Nga chứng minh hiệu quả chiến đấu và giá trị xuất khẩu của Su-57E. Hiệu suất hoạt động thực tế tại Algeria có thể là nhân tố then chốt ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm của các quốc gia khác, đặc biệt là những nước đang tìm kiếm giải pháp thay thế các máy bay thế hệ thứ 5 phương Tây với chi phí phải chăng hơn.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.