Quản lý tiền công đức: Cách làm của Quảng Ninh

Danh thắng Yên Tử và Đền Cửa Ông là 2 di tích quốc gia đặc biệt ở Quảng Ninh. Hàng năm, lượng khách hành hương về tham quan, chiêm bái lên đến hàng triệu lượt khách. Thời điểm trước dịch Covid-19, số tiền công đức kiểm kê được của 2 di tích này vào khoảng 30 tỷ đồng/năm.

Tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 8/3/2023, tổng số tiền công đức, giọt dầu và thu phí trông giữ phương tiện Đền Cửa Ông thu được là 13,6 tỷ đồng. Số tiền công đức tại Yên Tử tính từ 1/1 đến thời điểm hết ngày 9/3/2023 là trên 5 tỷ đồng.

Hội xuân Yên Tử kéo dài 3 tháng, dự kiến thu hút hơn 1 triệu lượt khách.

Khu di tích Yên Tử vào ngày 9/3 thưa vắng khách hơn so với những ngày cuối tuần. Tuy vậy, lượng khách cuối ngày được Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử thống kê là trên 2.000 khách. Vào ngày cuối tuần, lượng khách tăng lên khoảng 6.000 đến 7.000 người/ngày.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử: Từ năm 1992, nguồn tiền công đức được giao cho Ban Quản lý Yên Tử đảm nhận. Đến năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định bàn giao việc quản lý nguồn công đức tại Yên Tử cho Ban Quản lý tôn tạo Yên Tử (nhà chùa) cho đến nay. Từ năm 2010 chính quyền thị xã Uông Bí (nay là TP Uông Bí) thành lập Hội đồng giám sát việc ghi, thu công đức tại chùa Yên Tử.

Tiền giọt dầu được đặt lễ tại Yên Tử.

Theo đó, Hội đồng giám sát có trách nhiệm hướng dẫn nhà chùa trong việc quản lý ghi, thu công đức; Hội đồng có nhiệm vụ niêm phong hòm công đức bằng tem niêm phong có đầy đủ chữ ký của các thành phần trong hội đồng để giao cho các Tổ ghi thu công đức; mở hòm công đức, kiểm đếm số tiền công đức trong hòm, kiểm tra việc ghi thu chép trong sổ vàng công đức, ký biên bản xác nhận số tiền thực tế kiểm điểm, ký biên bản bàn giao toàn bộ số tiền trong đợt mở hòm công đức cho Ban Quản lý tôn tạo Yên Tử (do Thượng tọa Thích Thanh Quyết làm Trưởng Ban) để gửi vào tài khoản mở tại ngân hàng.

Tỉ lệ phân bổ số tiền công đức được giao 96% cho nhà chùa quản lý và sử dụng và 4% còn lại trích về Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử.

Theo thống kê, những năm 2020, 2021, 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số tiền công đức tại Yên Tử mỗi năm chỉ xấp xỉ 4 tỷ đồng. Trước đó, vào các năm 2017, 2018, con số này là khoảng 17 tỷ đồng/năm.

Ngoài tiền công đức, trên thực tế Yên Tử còn có một khoản thu lớn khác, đó là tiền giọt dầu (do người dân, Phật tử đặt lễ tại các vị trí khác nhau như khay đĩa trên ban thờ, đĩa hoa quả, hòm giọt dầu, hoặc thậm chí đặt trên tay tượng phật…).

Một vị đại diện cơ quan chức năng TP Uông Bí cho biết, tiền giọt dầu do phía nhà chùa quản lý. Thực tế, Hội đồng giám sát của thành phố chỉ biết được tổng số tiền trong hòm công đức, còn tiền giọt dầu bao nhiêu, chi tiêu như thế nào hoàn toàn thuộc thẩm quyền của phía nhà chùa.

Khách đến Đền Cửa Ông cũng thường bỏ tiền vào hòm giọt dầu thay vì ghi công đức.

Khác với Yên Tử, toàn bộ tiền công đức, giọt dầu và các khoản thu dịch vụ khác tại Đền Cửa Ông đều được giao cho Ban Quản lý Đền Cửa Ông – Cặp Tiên quản lý (được thành lập từ năm 2019).

Về quy trình quản lý, theo ông Phạm Thành Trung, Trưởng Ban Quản lý Đền Cửa Ông – Cặp Tiên, vào lúc 14h hàng ngày, Tổ mở khóa hòm và kiểm đếm tiền công đức tiến hành mở khóa. Mỗi một hòm công đức đều có 2 ổ khóa: 1 chìa khóa giao cho tổ trưởng tổ mở hòm công đức, 1 chìa khóa giao cho tổ trưởng tổ bảo vệ - thành viên trong tổ mở hòm công đức. Khi mở khóa hòm công đức có sự chứng kiến của các thành viên trong tổ và thủ từ. Nguồn tiền sau khi mở hòm công đức phải đảm bảo được đưa vào bao do Ban Quản lý Đền chuẩn bị niêm phong lại, sau đó vận chuyển về nơi kiểm đếm (phòng kiểm đểm do Ban Quản lý Đền bố trí, có camera truyền hình ảnh trực tiếp về UBND thành phố Cẩm Phả).

Tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 8/3/2023, tổng số tiền công đức, giọt dầu và thu phí trông giữ phương tiện Đền Cửa Ông thu được là 13,6 tỷ đồng.

Các thành viên trong tổ có trách nhiệm thực hiện phân loại và kiểm đếm tiền. Khi kiểm đếm tiền xong, lập biên bàn tổng hợp mở hòm công đức và đại diện tổ trưởng của các tổ ký tên vào biên bản. Đối với những bản ghi tiếp nhận tiền công đức, mở khóa hòm và kiểm đếm tiền công đức tổng hợp chốt số ghi công đức với người ghi công đức. Số tiền sau khi kiểm đếm được, Ban Quản lý nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị được mở tại Kho bạc Nhà nước Cẩm Phả để chi hoạt động thường xuyên cho Ban Quản lý Đền, số còn lại để chờ nộp NSNN.

Tổ Giám sát có trách nhiệm giám sát quy trình mở khóa hòm công đức, quá trình kiểm đếm tiền công đức; theo dõi việc tiếp nhận công đức bằng tiền mặt, hiện vật…

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả, cho hay: Hàng ngày Ban Quản lý Đền báo cáo về UBND thành phố tổng số tiền công đức kiểm đếm được trong ngày. Từ năm 2020 – 2022, UBND thành phố phê duyệt dự toán thu - chi tài chính của đơn vị. Năm 2023, Ban Quản lý thực hiện theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ban Quản lý căn cứ vào tình hình thực tế và lập dự toán thu chi tài chính, báo cáo về UBND thành phố qua Phòng Tài chính - Kế hoạch để thẩm định kiểm soát chi.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 12/2/2023. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức trong toàn quốc, thí điểm từ Quảng Ninh.

Nguyễn Quý

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quan-ly-tien-cong-duc-cach-lam-cua-quang-ninh-5711889.html