Quản lý chặt chẽ chất lượng, đo lường thị trường vàng
Vàng là hàng hóa đặc biệt, có giá trị lớn được Nhân dân sử dụng làm trang sức, tài sản. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và hạn chế vi phạm trong kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, ngày 26/9/2013, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.
Theo quy định tại Thông tư này, vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo quy định. Tiêu chuẩn công bố phải bao gồm các nội dung cơ bản như: Thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối, yêu cầu kỹ thuật và phải ghi ký hiệu để phân biệt từng loại vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN cũng quy định hoạt động kinh doanh vàng bao gồm: nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; kinh doanh mua, bán vàng miếng. Đồng thời, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh mua, bán vàng phải thực hiện các quy định về đo lường, chất lượng. Cụ thể, về đo lường, cân phải được kiểm định và còn thời hạn kiểm định. Về chất lượng, vàng phải được công bố tiêu chuẩn chất lượng của từng loại sản phẩm. Đồng thời việc ghi nhãn đối với các sản phẩm cần đầy đủ thông tin để người mua không bị mất quyền lợi. Trong trường hợp kích thước của sản phẩm không đủ để thể hiện ghi nhãn trực tiếp thì được ghi nhãn đính kèm. Ngoài ra, phải ghi rõ thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối cũng như các mô tả đặc điểm riêng của vàng trang sức, mỹ nghệ. Việc tuân thủ các quy định này không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn giúp tăng cường uy tín của thương hiệu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, vẫn có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động kinh doanh vàng nên chưa tiếp cận, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Nhằm mục đích tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp nâng cao hiểu biết quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa cho vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng “Mô hình tư vấn trực tuyến về việc ghi nhãn hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.
Theo đó, thành lập Tổ tư vấn và phân công công chức thực hiện cập nhật dữ liệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và tạo lập ứng dụng để tiếp nhận, giải đáp thông tin. Mô hình này cũng được Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ triển khai bằng hình thức in tờ rơi giới thiệu đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai, mô hình đã tiếp nhận qua Google Form và giải đáp trực tiếp qua Zalo được hơn 26 lượt của cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh. Đa số các cơ sở yêu cầu hỗ trợ hướng dẫn về việc ghi nhãn và thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Qua thời gian triển khai thực hiện, “Mô hình tư vấn trực tuyến về việc ghi nhãn hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” bước đầu nhận được sự quan tâm, đồng tình của các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng. Công tác hướng dẫn về ghi nhãn được triển khai một cách chi tiết, kịp thời cho từng cơ sở sản xuất kinh doanh khi có yêu cầu.
Ông Lê Quang Bon - chủ Doanh nghiệp tư nhân Lê Bon (xã Tân Hòa, huyện Lai Vung), cho biết: “Mô hình này giúp tôi tiếp cận thông tin nhanh chóng, vừa không mất thời gian đi đến cơ quan chức năng vừa được hướng dẫn cụ thể cách ghi nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ. Vì vậy, mô hình này cần tiếp tục duy trì để nhiều cơ sở kinh doanh vàng tiếp cận các thông tin nhanh chóng hơn, giúp việc kinh doanh đúng với quy định của pháp luật”.
Theo bà Trần Thị Thế Hòa - Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng: “Mô hình tư vấn trực tuyến về việc ghi nhãn hàng hóa cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” đã ứng dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ cơ bản nhằm phục vụ hiệu quả cho công việc của đơn vị. Trong thời gian tới, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai rộng rãi mô hình trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ được tiếp cận với mô hình tư vấn trực tuyến thuận tiện hơn...
Tổng quan về quản lý đổi mới sáng tạo theo TCVN ISO 56000
Ngày 1/8/2024, tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh sẽ diễn ra Hội nghị tập huấn “Tổng quan về quản lý đổi mới sáng tạo theo TCVN ISO 56000”.
TCVN ISO 56000 đưa ra giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận việc đổi mới, sáng tạo có hệ thống nhằm tích hợp đổi mới vào tất cả các hoạt động của tổ chức. Từ đó giúp tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tạo cơ hội cho việc phát triển các giải pháp, hệ thống, sản phẩm và dịch vụ mới.
Kính mời quý cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm tham gia chương trình Hội nghị tập huấn này.