Quan Hóa khắc phục khó khăn để xây dựng nông thôn mới

Trước những yêu cầu cao hơn trong XDNTM theo bộ tiêu chí mới, huyện Quan Hóa đã nhận diện và khắc phục khó khăn trong thực hiện các tiêu chí NTM phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đường giao thông nội đồng bản Bút, xã Nam Xuân được đầu tư xây dựng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất và du lịch cộng đồng.

Huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, có văn bản hướng dẫn, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện tiêu chí NTM của các xã trên địa bàn. Đặc biệt là các xã, bản đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM để kịp thời nắm bắt tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đối với những xã có kết quả thực hiện chuyển biến chậm, Thường trực Huyện ủy về làm việc tại xã với cán bộ chủ chốt, Ban Chỉ đạo XDNTM xã để kịp thời chỉ đạo. Đến tháng 5/2024, trên địa bàn huyện có xã Phú Nghiêm và 31 bản đạt chuẩn NTM, 1 bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện nay, Bộ tiêu chí NTM các cấp độ giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí cao hơn giai đoạn 2016-2020. Nhiều chỉ tiêu mới, mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí cũng được quy định cao hơn, như: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của xã và được chứng nhận VietGAP; tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xã; nghèo đa chiều; thu nhập; tỷ lệ hộ gia đình có mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số quốc gia... Đây là những tiêu chí khiến cho các xã miền núi của huyện gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, huyện Quan Hóa vừa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên áp dụng các chỉ tiêu đánh giá vùng 1 lên vùng 2, cũng là một trong những ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ đạt chuẩn các tiêu chí. Trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, các tiêu chí đạt thấp, kinh phí đầu tư lớn.

Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Dũng cho biết: "Thực hiện XDNTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều tiêu chí rất khó để thực hiện ở các xã miền núi của huyện, như: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống nước sạch tập trung; thu nhập; tỷ lệ nghèo đa chiều; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực; tỷ lệ hộ dân có mã điện tử trên nền tảng bản đồ số quốc gia... Từ thực tế trên, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và XDNTM, chú trọng nâng cao chất lượng các phong trào thi đua XDNTM. Đồng thời, tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, phát triển các sản phẩm OCOP. Huyện cũng quan tâm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo; huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân để tập trung XDNTM; kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng"...

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa Nguyễn Đức Dũng, các cấp, ngành cần ban hành một số cơ chế đặc thù cho các huyện miền núi về XDNTM, NTM nâng cao cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất văn hóa, các công trình làm điểm nhấn về cảnh quan môi trường...

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-hoa-khac-phuc-kho-khan-de-xay-dung-nong-thon-moi-215140.htm