Quà từ hoài bão

Mỗi khi tiếng trống trường điểm một mùa 20/11 đến, tôi - người giáo trường quê lại bâng khuâng.

Minh họa: Tiến Thành

Chắc cũng giống như bao giáo làng khác, đan xen, hình thành trong đầu những suy nghĩ mông lung, dường như có cái gì đó vừa xa xôi vừa gần gụi trong lòng, tất cả những năm tháng gắn bó với nghề giáo đều trở nên không quan trọng. Thứ quan trọng nhất là sau bao chuyến đò đưa cập bến thì những hành khách đã đi về đâu, làm gì cho xã hội, cho đời hay khác hơn, khập khễnh hơn là: Các em đang sống ra sao?

Có kẻ tốt người xấu, tương lai học vấn đối với hành khách của tôi là thứ vô giá. Phải! Nó không đổi chác bằng tiền, mà bằng tất cả niềm tin, hy vọng, hoài bão,... và trong đó có nỗi lòng của tôi - một con đò!

Đã hơn lần tôi bảo chàng sinh viên luật của tôi đừng quá buông thả mà đánh mất mình, và bảo cô giáo tương lai đừng bỏ cuộc. Đôi lúc cũng bảo mình rằng: Buông bỏ chật vật phố xá, bon chen, danh lợi về... ăn cơm! Tất cả như hiện hữu vào lúc này trong lòng tôi, xốn xang, ái ngại thôi thúc theo từng hồi trống 20/11.

Người đời nói nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả những nghề cao quí! - tôi không quan tâm. Và tôi cũng biết ở đây, những người mang số phận con đò cũng chẳng ai quan tâm câu nói phủ đầy hoa gấm đấy, vì điều duy nhất mà chúng tôi quan tâm là học trò của mình.

Chúng tôi luôn nhặp nhằng với những chuyến đò chênh chao, mà cũng có lúc chênh chao thật! Tôi đã từng đưa những hành khách không đến bến, tôi bỏ giữa dòng, lấp lửng, mênh mang, cậu hành khách của tôi phải đi thành phố mỗi tháng một lần, cậu bệnh thần kinh. Căn bệnh ấy đeo đẳng cậu nhóc từ nhỏ, học cũng chẳng vào, chứ đừng nói đến kiến thức, điểm số,... mà nói chuyện, đọc chữ cũng chưa xong.

Lại đến chuyến rồi, cùng chèo và ca vang khúc khải hoàn thách thức những cơn giông… (Trong ảnh: Cô trò Trường THPT Nam Sách, Hải Dương). Ảnh: NVCC

Tôi họp phụ huynh, mẹ cậu ấy nói: “Hy vọng được các thầy cho học gửi, để giao tiếp với bạn bè, mong bệnh thuyên giảm, bác sĩ nói thế!” - Lòng đò đau quặn thắt, chát đắng ở miệng... “Ờ thì đành vậy, nhưng trên phương diện điều trị bệnh lý, còn học tập chắc tụi cháu không giúp được nhiều”. Lúc đấy, hóa ra giáo viên chúng tôi trở thành bác sĩ trị liệu, bác sĩ bất đắc dĩ. Còng còng suốt chín tháng, cậu ấy cũng biết chút lễ nghĩa, con đò cho cậu ấy là chuyến riêng biệt. Liều lĩnh gã thương hồ!

Eo sèo lắm khi đò gặp bão, bão lòng! Khi và chỉ khi người đi đò đúng với nghĩa hành khách, những cô, cậu nhóc vẫn vô tư trên môi: Tiền, nhà tôi bỏ ra, như là mướn thầy về dạy, chả tình cảm, ân nghĩa càng không, đừng lên mặt mà dạy đời. Khốn khổ cho thân đò khi nhìn lên tường “Tiên học lễ”, câu đầu môi mà các con đò cùng bến thường nhắc: “Trò nhỏ dại”. Thật chúng tôi không có khiếu khước từ bất cứ việc gì, kể cả nó, Khổng Tử cũng có lợi trong lúc này đấy “Hữu giáo vô loài”, thôi chắc không sao, sẽ ổn cả. Như bao con đò đều cập bến, tất cả cay đắng lòng đò nhận lãnh như một qui luật hiển nhiên! Chèo.

Qua những khúc quanh, rặng đá, con đò nào buông lơi tay chèo, yếu lòng sẽ tự nhấn chìm mình, khi không đủ sức nữa sẽ buông. Nhưng chúng tôi không làm được thế, không đủ nhẫn tâm để các hành khách mình ngụp lặn giữa dòng trôi, gồng rồi khóc, rồi lại gồng... dù có bận điếng hồn trong bão giông bất chợt, mủi lòng, không nói nên lời trước nét vô tư, vô tội của khách. Nhưng rồi một ngày bão lớn, chắc đò cũng đợi có thế, giằng co trước sóng biển lạnh tanh và vô tình, tàn ác. Trông kìa, đò sắp buông tay chèo, gã lái đò sắp gieo mình trong đợt sóng, các hành khách òa khóc, đứa chạy lại tiếp kìm lái, kẻ cặm dằm trụ sóng, ít nhất cũng vẩy nước cùng giữ con đò qua mùa giông bão. Yêu lắm những giọt nước mắt bất chợt, phải thế chứ, phải lớn.

Có ai từng nghĩ rằng: Nước mắt là động lực xoa dịu những cơn đau? - có đấy, những con đò chúng tôi. Chắc thế, rồi sẽ ổn cả, sẽ qua, sẽ đến bến... rồi đò lại quay lại đưa những chuyến khác, lặng thầm nhưng không yên ổn, rồi lại đứng bên đây bờ nhìn những hành khách trên con đường gập ghềnh, xa hút.

Ráng chiều sao đẫm thế?! Giông bão thế này sẽ là mùa gieo hạt khó đấy, thôi đừng nghĩ nữa đò à, lại đến chuyến rồi. Cùng chèo nào hành khách, ca vang khúc khải hoàn thách thức những cơn giông!

Trần Đức Tín (Nguyên giáo viên Trường THPT Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/qua-tu-hoai-bao-post661700.html