Polyp lông, bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh

Hai giờ sau sinh mổ, trẻ xuất hiện cơn tím, liền được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện trẻ có khối Polyp lông (Hairy polyp) vùng hầu họng. Đây là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc polyp lông trẻ sơ sinh được báo cáo là dưới 1/40.000 ca sinh sống.

Polyp phủ ngoài biểu mô vảy phân tầng trưởng thành với các phần phụ của da, bao gồm cả tuyến mồ hôi eccrine, tuyến bã nhờn, và nang lông (ngoại bì). Bên trong là mô mỡ, cơ vân ( trung bì).

Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đơn vị vừa tiếp nhận, cấp cứu 1 trường hợp trẻ sơ sinh 38 tuần 4 ngày tuổi, sinh mổ bị Polyp lông, một bệnh hiếm gặp.

Qua khai thác bệnh sử được biết, hai giờ sau sinh, trẻ xuất hiện cơn tím nên lập tức được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi để cấp cứu. Tại đây trẻ được thở oxy và chuyển vào khoa hồi sức sơ sinh.

Trong quá trình tiến hành hút dịch hầu họng, trẻ kích thích quấy khóc, thấy có khối mềm lớn đẩy lên trên lưỡi. Các bác sĩ dùng đèn soi nội khí quản kiểm tra thấy thành họng bên trái, phía trước thanh môn có khối mềm, hồng, di động, có thể chèn ép thanh môn.

Sau 3 ngày điều trị, trẻ được chỉ định phẫu thuật cắt u khẩu cái mềm, đồng thời gửi mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Qua xét nghiệm xác định khối u là polyp lông (Hairy polyp) hiếm gặp ở vùng hầu họng.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi không có bất kỳ biến chứng nào. Trẻ đã hồi phục hoàn toàn và ăn uống bình thường và phát triển tốt.

Các bác sĩ cho biết, Polyp lông là khối u hiếm gặp và thường được tìm thấy ở vùng hầu họng. Polyp lông là những tổn thương không ác tính với khả năng phát triển hạn chế và chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, với tỷ lệ mắc cao hơn ở nữ giới. Tỷ lệ mắc polyp lông được báo cáo là dưới 1/40.000 ca sinh sống.

Polyp lông là nguyên nhân hiếm gặp gây suy hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ; tuy nhiên Polyp lông được coi là khối vòm họng bẩm sinh phổ biến nhất. Các triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối u. Bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp hoặc khó ăn uống trong hoặc ngay sau khi sinh.

Tình trạng chẩn đoán lâm sàng của khối này rất khác nhau. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán bằng khám lâm sàng hoặc nội soi, có thể nhìn thấy khối polyp. Tuy nhiên, khối nhỏ có thể bị che khuất bởi ống nội khí quản và do đó không được phát hiện trên lâm sàng khi khám.

Hiện nay, cơ chế bệnh sinh của polyp lông vẫn chưa rõ ràng nhưng có một số ý kiến có thể đưa ra. Một mặt, polyp lông được phân loại là u choristoma có thể bắt nguồn từ mô đa chức năng bình thường và chúng được tìm thấy dưới dạng khối không đều ở những vị trí khác với nơi chúng thường được tìm thấy. Mặt khác, polyp lông được coi là dị tật phát triển do sự hình thành phôi bất thường của cung mang thứ nhất và thứ hai.

Ở độ phóng đại 400 lần thấy rõ các vân ngang của cơ vân.

Việc chẩn đoán polyp lông được thực hiện bằng phát hiện hình ảnh đặc trưng sau đó là xác nhận mô bệnh học. Cần tiến hành kiểm tra tai, mũi, họng kỹ lưỡng ở trẻ sơ sinh có biểu hiện thở rít/suy hô hấp/nghẹt thở/ăn bú. Hình ảnh MRI/CT nên được thực hiện ở những tổn thương phát sinh từ khoang sau mũi để loại trừ sự lan rộng vào nội sọ và để phác họa giải phẫu để lập kế hoạch phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn sau đó xác nhận mô bệnh học của tổn thương là cách xử lý chính đối với những tổn thương này. Khả năng tái phát rất khó xảy ra và hiếm khi xảy ra biến chứng sau phẫu thuật cắt bỏ nếu cầm máu tốt.

Khánh Tâm

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/polyp-long-benh-hiem-gap-o-tre-so-sinh-1722312031932146.htm