Dân mạng tranh cãi gay gắt về tạo hình trong phim cung đấu thuần Việt 'Phượng Khấu': Sát sử hay diêm dúa?

'Phượng Khấu' sau khi tung ra tạo hình đầu tiên của hai nhân vật Lệnh phi và Thành phi đã tạo được hai dòng dư luận khác nhau. Bạn cảm thấy bên nào sẽ đúng hơn, hãy đọc hết bài viết này và trả lời nhé!

Bất cứ một dự án cổ trang nào khi ra mắt cũng sẽ tạo nên hai luồng ý kiến đối chọi nhau gay gắt. Một là ủng hộ, hai là so sánh và dè bỉu. Đó là một sự thật phũ phàng nhưng chúng ta không thể không xem xét đến ý kiến của hai phía để giúp bộ phim ngày một tốt đẹp hơn. Với Phượng Khấu, dự án cổ trang, cung đấu được đầu tư bài bản, câu chuyện tương tự đã xảy ra trong đêm hôm qua.

Ngày 22/01 vừa qua, phía đạo diễn của bộ phim, Huỳnh Anh Tuấn, đã tung ra những tạo hình đầu tiên của hai nhân vật chính là Lệnh phi (Kiều Trinh thủ vai) và Thành phi (Hồng Đào thủ vai). Tạo hình này nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán của nhiều khán giả trên mạng xã hội.

Thành phi Phạm Thị Hằng (trái, do nghệ sĩ Hồng Đào thể hiện). Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm (phải, do nghệ sĩ Kiều Trinh thể hiện).

Thành phi Phạm Thị Hằng (trái, do nghệ sĩ Hồng Đào thể hiện). Lệnh phi Nguyễn Thị Nhậm (phải, do nghệ sĩ Kiều Trinh thể hiện).

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng bộ phim tuy phục chế trang phục sát sử nhưng những bộ trang phục này tạo cho họ, những khán giả chiêm ngưỡng dự án, cảm giác gò bó khi xem. Ngoài ra, phần trang điểm của hai vị phi tần ở phần môi cũng gây tranh cãi. Nhiều khán giả khó tính đánh giá việc đánh môi “chúm chím” như ở tạo hình của Lệnh phi và Thành phi là không phù hợp với lịch sử và nhìn có phần giống với cách trang điểm của geisha Nhật. Một số ý kiến tiêu cực khác lại khẳng định những bộ trang phục này gợi lên những hình ảnh về trang phục cổ trang Trung Quốc.

Geisha Nhật Bản.

Tạo hình nhân vật phi tần nhà Đường trong “Cung tâm kế”.

Tạo hình nhân vật phi tần nhà Đường trong “Võ Mị Nương truyền kì”.

Tạo hình nhân vật phi tần nhà Thanh trong “Diên Hi công lược”.

Tạo hình nhân vật phi tần nhà Thanh trong “Hậu cung Chân Hoàn truyện”.

Tạo hình nhân vật phi tần nhà Thanh trong “Hậu cung Như Ý truyện”.

- Thời xưa có thoa son kiểu vậy hả bạn, lần đầu mình thấy họ tạo hình kỳ lạ thế!

- Tạo hình dù cho đi sát lịch sử thì makeup (trang điểm) cũng phải để người ta nhai được đi chứ vai Hoàng hậu bà đó mũi to vậy mà ghi nét sắt sảo, chắc nịch một điều lại là một phim tấu hài như mấy phim cung đấu Việt Nam trào lưu khác.

- Thuần Việt vầy nhìn không đẹp lung linh như Trung Quốc nhưng mà thấy cũng thích nè.

- Sao phải tô môi giống người Nhật vậy?

- Ôi diễn viên. Hình như thời xưa đâu có trang điểm kiểu vậy đâu phải không?

Luồng ý kiến thứ hai lại tự hào khẳng định cuối cùng Việt Nam cũng có riêng cho mình một bộ phim cung đấu, khán giả tại quê nhà không phải xem đi xem lại phim cổ trang của Trung Quốc. Họ say mê những đường nét cao sang, bề thế trong tạo hình của Lệnh phi và Thành phi. Những khán giả này cho hay, những bộ trang phục cũng như cách trang điểm của các nhân vật có tính chính xác so với lịch sử cao, là một cách rất hay để người hiện đại hiểu thêm về văn hóa giai đoạn trước.

Tạo hình Lệnh phi, phi tần nhà Nguyễn (Việt Nam) trong “Phượng Khấu”.

Tạo hình Thành phi, phi tần nhà Nguyễn (Việt Nam) trong “Phượng Khấu”.

- Tạo hình theo phong cách Việt Nam sát lịch sử thì kêu xấu. Tạo hình như Trung Quốc thì kêu đạo. Tạo hình hiện đại thì kêu không có hồn dân tộc. Cũng không biết phải sống sao cho vừa lòng. Lệnh phi của Việt Nam không như Lệnh phi của Trung Quốc nên đừng so sánh. So sánh như vậy chẳng khác nào nói mình nên đạo nhái Trung Quốc. Phải nói mỗi thời một tiêu chuẩn sắc đẹp. Tạo hình quá xuất sắc.

- Nhìn thấy trang phục và diễn viên là ưng rồi. Thích cô Hồng Đào từ bé, mà giờ cô lại đóng phim cung đấu đầy tính sử Việt thế này lại càng mê hơn. Chưa biết nội dung thế nào, nhưng tin tưởng vào đoàn phim.

- Mừng quá cuối cùng Việt Nam cũng có bộ phim cung đấu của mình rồi!!

Đứng trước hai luồng ý kiến này, chúng ta nên khách quan nhìn nhận vấn đề ở điểm các khán giả hiện nay chưa có sự hiểu biết thật sự thấu đáo về trang phục cũng như cách trang điểm thời đó nên họ có nhiều ý kiến trái chiều.

Với chiếc áo được các lệnh bà mặc, đây là chiếc áo Nhật Bình chính cống. Theo một số tài liệu, chiếc áo này hoàn toàn thuần Việt, được sử dụng rộng rãi vào thời nhà Nguyễn (phù hợp với bối cảnh của bộ phim: giai đoạn vua Thiệu Trị, Tự Đức). “Ngay từ năm Gia Long thứ 6 (1807) đã quy định về việc sử dụng Nhật Bình trong nội cung. Theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sử lệ thì áo Nhật Bình là triều phục (tức các dịp lễ lớn như sắc phong, các tiết Vạn thọ, tiết Thánh thọ, tiết Thiên thu v..v..) dành cho các bậc Nhất giai phi, Nhị giai phi, Tam giai tần, Tứ giai tần. Tùy theo màu sắc mà phân biệt phẩm trật khác nhau.” - theo fanpage Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, đơn vị phụ trách mảng kịch bản và biên kịch của bộ phim. Vì vậy, kết luận trang phục của phim vay mượn ý tưởng, thậm chí sao chép từ trang phục của phim cổ trang Trung Quốc là không chính xác.

Áo Nhật Bình trong lịch sử.

Hiện vật áo Nhật Bình tại bảo tàng.

Hiện vật áo Nhật Bình tại bảo tàng.

Áo Nhật Bình được phục dựng lại. Nguồn: Nguyên Phong Đoạn Lĩnh.

Áo Nhật Bình được phục dựng lại. Nguồn: Nguyên Phong Đoạn Lĩnh

Với lối trang điểm đặc thù của Lệnh phi và Thành phi trong những bức hình đầu tiên, chúng ta dễ dàng cho rằng chúng có phần diêm dúa và kệch cỡm. Nhưng những tài liệu của nhà nghiên cứu Trịnh Bách đã cho thấy đoàn phim hoàn toàn bảo toàn yếu tố chân thật của lịch sử nên mới sử dụng tạo hình này.

“Khoảng năm 1970 tôi có dịp xem bà Điềm tần trang điểm. Bà dùng phấn nụ pha nước sền sệt đánh mặt trắng bệch như vôi, nhưng từ dưới cầm xuống cổ, và hai tai, lại để da trần. Cho dù da bà trắng, sự tương phản vẫn rõ nét, gần như do cố ý. Điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi lúc ấy là cặp mắt không trang điểm của bà hiện ra giữa màu phấn trắng một cách siêu thực… Bà bôi lên mỗi gò má một khoảnh tròn phấn hồng. Môi trên dưới đều đánh phấn trắng, nhưng sau đấy bà dùng ngón tay tô sáp lên môi trên, và chỉ một điểm sáp son vào chính giữa môi dưới. Như vậy để môi chum chím như một nụ hoa. Lông mày cũng được đánh che hết bằng phấn trắng, để rồi được tô lại bằng bút lông với muội than gỗ điên điển (có thể thay gỗ điên điển bằng nút bấc).

Cách trang điểm của phi tần hậu cung nhà Nguyễn được tái hiện bởi bà Lê Thị Dinh là cung nữ thân cận của Đức Từ cung (mẹ vua Bảo Đại).

Bà Tần giải thích rằng khi một nữ nhân đã nhập nội (vào làm vợ vua) rồi thì ngoài chồng, tức là vua, không một người đàn ông nào khác được thấy mặt mình nữa, dù là cha ruột. Gặp những dịp các bà phải có mặt ngoài cung cấm, thì các bà phải đánh phấn trắng như vậy để “trăm Mệ như một”. Người ngoài chỉ được thấy cái mặt giả của các bà. Bà nói các kỹ nữ (geisha) bên Nhật cũng phải theo nguyên tắc này. Mặt thật của họ chỉ có chồng con được biết thôi” - theo tư liệu của nhà nghiên cứu Trịnh Bách.

Trở lại câu chuyện chính, nếu bạn đang băn khoăn về Phượng Khấu, thì cho đến hiện tại, bộ phim cho thấy mình là một bộ phim cổ trang bám rất sát lịch sử để đem cho khán giả những câu chuyện tuy li kì nhưng phải có thật trong quá khứ. Do đó, từ chuyện phục trang và trang điểm, bộ phim đang tạo được sự tin tưởng tốt với khán giả qua những gì mình làm. Về nội dung, câu chuyện cấm cung của vua Tự Đức xem chừng sẽ quy tụ những màn cung đấu sâu cay, tàn khốc. Bạn muốn xem một bộ phim cung đấu có yếu tố tranh đấu giữa các phi tần và được phục dựng một cách chỉn chu trong phục trang, trang điểm và lễ nghi ngày trước, Phượng Khấu chính là sự lựa chọn ấy.

Bộ phim có sự tham gia chỉ đạo của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn và diễn xuất của các diễn viên NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSND Hồng Vân, Hồng Đào, Quang Minh, Kiều Trinh, Trịnh Tú Trung cùng các gương mặt trẻ như Thanh Tú, Hoàng Yến, kiện tướng taekwondo Hồ Thanh Phong,… Hãy cùng SAOstar liên tục cập nhật thông tin về dự án này nhé.

Anh Quân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/phim-truyen-hinh/dan-mang-tranh-cai-gay-gat-ve-tao-hinh-trong-phim-cung-dau-thuan-viet-phuong-khau-sat-su-hay-diem-dua-4493911.html