Phúc Thọ: Thửa đất 69,8 triệu đồng/m2 vẫn được rao bán chênh
Tại cuộc đấu giá 47 thửa đất ở huyện Phúc Thọ vào chiều 10/9, có thửa đất đã được trả ở mức rất cao, lên tới 69,8 triệu đồng/1m2. Đáng nói là các lô đất còn được rao bán ngay tại khu vực tổ chức đấu giá khi mà cuộc đấu còn chưa bắt đầu.
Bên trong hội trường, khi cuộc đấu giá mới đang ở giai đoạn phổ biến quy chế, tuy nhiên, đội ngũ môi giới, đầu cơ đợi bên ngoài đã chuẩn bị sẵn sàng thông tin, xác định mức chênh theo vị trí thửa đất.
Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn đối tượng tham gia cuộc đấu giá này là dân chuyên nghiệp đến từ nơi khác, người dân địa phương rất ít.
Trong danh sách người trúng đấu giá, chỉ có một khách hàng ở xã Trạch Mỹ Lộc và một người tại xã Thọ Lộc huyện Phúc Thọ. 43 thửa đất trúng đấu giá còn lại đã được giới đầu cơ thâu tóm. Và kịch bản quen thuộc lại tái diễn. Ngay sau khi có kết quả, các thửa đất được rao bán ngay tại cửa nơi tổ chức cuộc đấu giá cũng như tại hạ tầng khu đất với mức chênh từ 150 - 450 triệu.
Giá trúng thửa đất cao nhất tiếp tục xác lập kỷ lục mới với 69,8 triệu đồng/m2. Người trúng đấu giá sẽ phải bỏ ra gần 9 tỷ đồng để sở hữu thửa đất. Mặc dù cao phi lý như vậy, nhưng thửa đất này cũng được giao bán chênh ở mức rất cao.
Điệp khúc nhà nước tổ chức đấu giá đất, đất bị giới đầu cơ thâu tóm vẫn tiếp diễn, người có nhu cầu ở thực khó có thể tiếp cận, hoặc muốn sở hữu thì phải bỏ ra thêm mức tiền chênh khá lớn. Vô hình trung giá đất ngày càng bị đẩy lên cao vượt xa giá trị thực. Nhiều khu vực còn bị lợi dụng để thổi giá, trục lợi. Ví dụ như cuộc đấu giá 68 lô đất tại Thanh Oai ngày 10/08 vừa qua, khi mà giá bị đẩy lên quá cao và chỉ có 13 trường hợp nộp tiền, còn lại bỏ cọc. Hệ lụỵ của tình trạng này là tạo ra thị trường đất nền giá ảo, đất đấu giá không lướt được thì bỏ hoang gây lãng phí.
Đã đến lúc nhà nước cần xem xét và có những quy định cụ thể về thời hạn đưa đất vào sử dụng sau khi trúng đấu giá để hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng nhu cầu ở thực cho người dân.