Phú Yên: Vịnh Xuân Đài – Điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam

Thị xã Sông Cầu sẽ đưa du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài với thương hiệu 'Vịnh Xuân Đài – Điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam'.

Vịnh Xuân Đài nằm chủ yếu trên địa bàn thị xã Sông Cầu và một phần huyện Tuy An, phía Đông Bắc tỉnh Phú Yên.

Xây dựng thương hiệu du lịch

Vịnh Xuân Đài nằm chủ yếu trên địa bàn thị xã Sông Cầu và một phần huyện Tuy An, phía Đông Bắc tỉnh Phú Yên, là một vùng non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình với các bãi biển trong xanh, nguyên sơ, địa hình độc đáo, nơi chứa đựng nhiều tài nguyên du lịch.

Vịnh Xuân Đài cùng với các danh thắng dọc bờ biển Phú Yên như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, tạo nên quần thể phong cảnh - di tích độc đáo có giá trị du lịch cao của tỉnh Phú Yên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Ngày 29/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2127, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2025, vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh Phú Yên, của vùng Duyên hải Nam Trung bộ; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2030, Khu du lịch vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia.

UBND thị xã Sông Cầu đã ban hành Kế hoạch đầu tư phát triển du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Vịnh Xuân Đài như bức tranh sơn thủy hữu tình.

Mục đích của Kế hoạch là xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài đúng tầm là một trong những khu du lịch quốc gia, là điểm dừng chân lý tưởng của du lịch để có những trải nghiệm tốt nhất về các giá trị sinh thái – cảnh quan; thu hút đầu tư đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo đột phá, phát triển nhanh và bền vững; hình thành một số khu du lịch cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng biển.

Đến năm 2030, cơ bản hình thành một số sản phẩm đặc thù và một số điểm đến đặc trưng; hình thành các tour du lịch chuyên đề: Tham quan, nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, ẩm thực, mua sắm.

Kế hoạch cũng hướng đến mục tiêu đưa du lịch Sông Cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch – dịch vụ; công nghiệp – xây dựng - nông nghiệp. Từng bước xây dựng thương hiệu du lịch vịnh Xuân Đài với thương hiệu “Vịnh Xuân Đài – Điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam”.

Đến năm 2025 đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch đạt trên 400 tỷ đồng; có khoảng 800 phòng lưu trú đạt chuẩn; tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp.

Đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu nhập du lịch đạt khoảng 900 tỷ đồng; có khoảng 950 phòng đạt chuẩn; tạo việc làm cho trên 4.000 lao động với khoảng 1.500 lao động trực tiếp.

Phát triển không gian du lịch

Vịnh Xuân Đài được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích thắng cảnh quốc gia năm 2011. Vịnh Xuân Đài được hình thành từ dãy núi Cổ Ngựa, dài khoảng 15km, như con kỳ lân khổng lồ chạy dài theo bờ biển, trườn về hướng Nam, tạo nên bán đảo Xuân Hòa, Xuân Thịnh. Vịnh có diện tích 1.300ha, cửa vịnh rộng hơn 4,5km quay về hướng Đông Nam thông ra biển Đông.

Xây dựng thương hiệu du lịch “Vịnh Xuân Đài – Điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam”.

Đứng trên đỉnh dốc Găng, Quốc lộ 1 nhìn xuống, vịnh Xuân Đài như bức tranh sơn thủy hữu tình, một vùng non nước thắm đượm màu xanh, mặt nước trong xanh phẳng lỳ, đồi núi xanh, phố phường, làng mạc xen lẫn màu xanh của rừng dừa, bầu trời trong xanh thăm thẳm một màu.

Xung quanh vịnh Xuân Đài có nhiều bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Chào, nhiều đảo nhỏ cực đẹp như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã. Bao đời nay, vịnh Xuân Đài nuôi sống hàng nghìn người bằng nghề chài lưới, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Hiện nay, vịnh Xuân Đài là nơi nuôi tôm hùm thương phẩm nổi tiếng khu vực Nam Trung bộ.

Vịnh Xuân Đài là vịnh lớn, nước sâu, cửa vịnh rộng kín gió rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào. Nơi đây từ xa xưa đã có thương cảng Vũng Lắm tại phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu ngày nay. Một thời gian dài, thương cảng Vũng Lắm rất hưng thịnh, nhưng do biến cố của lịch sử làm cho thương cảng này không phát triển như các thương cảng khác.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Võ Ngọc Thạch cho biết: Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài và vị trí địa lý tự nhiên thị xã Sông Cầu với mục tiêu phát triển du lịch – dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế khác. Do đó, cần ưu tiên tập trung phát triển không gian du lịch hướng đến nhiều đối tượng du khách, trong đó tập trung vào du khách cao cấp, với các mục đích du lịch và mức chi tiêu đa dạng, việc phân vùng không gian phát triển du lịch đảm bảo các tiêu chí hợp lý, hiệu quả và phát huy thế mạnh nguồn tài nguyên du lịch.

Ông Võ Ngọc Thạch chia sẻ thêm: Thị xã Sông Cầu hướng đến sự phát triển đồng bộ giữa phát triển ngành Du lịch và các ngành kinh tế khác. Trên cơ sở 9 phân khu thuộc vịnh Xuân Đài và tài nguyên du lịch toàn thị xã, hình thành 5 không gian du lịch chính gồm: Không gian du lịch trên mặt vịnh; không gian du lịch sinh thái biển bán đảo Xuân Thịnh; không gian du lịch tổng hợp Gành Đỏ - Bình Sa; không gian du lịch dịch vụ trung tâm thị xã; không gian du lịch Bắc Sông Cầu

Mỹ Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phu-yen-vinh-xuan-dai-diem-ngam-binh-minh-hap-dan-nhat-viet-nam-370258.html