Phụ nữ Afghanistan đang sống ngược dòng thời gian

Dưới chính quyền Taliban, phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan dường như 'biến mất' khi bị tước đi cả những quyền tự do cơ bản nhất. Những tiến bộ đạt được trong 2 thập kỷ đã tiêu tan.

Afghanistan, phụ nữ giờ đây nói về tương lai bằng thời quá khứ.

Khi bà Shabana Basij-Rasikh, nhà sáng lập kiêm chủ tịch một ngôi trường nữ sinh tại Afghanistan, trò chuyện với hai cô gái trẻ mới tốt nghiệp đại học tại thủ đô Kabul qua Zoom, họ chia sẻ với bà về các kế hoạch tương lai bằng thì quá khứ.

“Tôi từng mong được đi tới...”, họ trả lời. “Tôi từng dự định làm…”.

“Nhưng họ sẽ không thể làm những điều ấy vì họ đã bị đem ra phán xét. Phán quyết tuyên bố vì họ là phụ nữ, họ sẽ không được nhận sự nhân từ từ Taliban”, bà Basij-Rasikh viết trên Washington Post.

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng hai nữ sinh trên, mà còn là tình cảnh nhiều phụ nữ Afghanistan đang phải đối mặt dưới chính sách khắc nghiệt của Taliban. Tương lai với họ đang dần khép lại.

Chính sách khắc nghiệt

Sau gần một năm kiểm soát Kabul, các biện pháp hạn chế cứng rắn với phụ nữ của Taliban đang ngày một siết chặt. Hồi tháng 7, các quan chức Taliban yêu cầu nhân viên nữ của Bộ Tài chính nước này - những người đủ năng lực nhưng không được đi làm trong 11 tháng qua - phải cử một nam giới trong gia đình đến làm thay.

“Họ yêu cầu tôi đề xuất một người đàn ông trong gia đình tới Bộ làm thay tôi, để họ có thể sa thải tôi", bà Maryam, 37 tuổi, kể lại giây phút nhận được cuộc gọi từ phòng nhân sự Bộ Tài chính Afghanistan, theo Guardian. Bà có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và đã làm việc hơn 15 năm ở cơ quan trên.

 Chính quyền Taliban tước đi nhiều quyền lợi cơ bản của phụ nữ Afghanistan. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Taliban tước đi nhiều quyền lợi cơ bản của phụ nữ Afghanistan. Ảnh: Reuters.

“Kể từ khi lên nắm quyền, Taliban đã giáng chức và giảm lương của tôi từ 60.000 afghani (682 USD) xuống còn 12.000 afghani (136 USD). Tôi thậm chí không thể trả nổi học phí cho con. Khi tôi thắc mắc, một quan chức thẳng thừng đuổi tôi khỏi phòng. Ông ta nói chuyện này không có gì phải bàn cãi”, bà chia sẻ.

Những người phụ nữ dường như “đã biến mất”, bà Basij-Rasikh nhận xét. Bên cạnh sự tự do làm công việc mong muốn, phụ nữ Afghanistan cũng mất luôn quyền di chuyển khi không có người giám hộ, hay quyền lựa chọn trang phục nơi công cộng, thậm chí cả quyền được đi học sau lớp 6.

Theo giới chức Taliban, đây là những điều không cần thiết. Thay vào đó, những gì đón chờ họ là bộ burqa (áo choàng phụ nữ Hồi giáo, che kín cơ thể và chỉ để hở lưới ở mắt). Đến tuổi dậy thì, một bé gái sẽ mất đi cả giáo dục lẫn tự do.

Sự biến mất của phụ nữ Afghanistan đang diễn ra ngay trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế, giống như những năm 1990 - khi trẻ em gái phải bước qua những người phụ nữ trùm kín burqa để đi học ở những ngôi trường bí mật.

“Lúc này tôi đã tị nạn ở nước ngoài nhưng vẫn không thể quên được cảm giác của những ngày đó, cũng như những gì tôi đã thấy sau khi Taliban rút đi năm 2001”, bà Basij-Rasikh viết.

Cơ hội cho trẻ em tị nạn

Bà Basij-Rasikh thành lập Trường Lãnh đạo Afghanistan (SOLA) năm 2008 với mục tiêu giúp nữ sinh Afghanistan “tiếp cận nền giáo dục chất lượng ở nước ngoài và có công việc khi về nước”. Đây là ngôi trường nội trú đầu tiên - và duy nhất - cho trẻ em gái ở quốc gia này.

Khi Taliban kiểm soát Kabul tháng 8/2021, bà cùng nhiều học sinh đã phải rời bỏ đất nước. Trước khi đi, bà đã đốt toàn bộ hồ sơ của các nữ sinh để bảo vệ họ và gia đình.

Nhiều người Afghanistan đã quyết định rời bỏ đất nước để xây dựng cuộc sống mới ở nước ngoài. Theo bà Basij-Rasikh, cộng đồng quốc tế cần đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan tị nạn cần tiếp tục được giáo dục, cũng như coi việc đầu tư vào phụ nữ và trẻ em là ưu tiên trong viện trợ.

 Một lớp học cho trẻ em gái tại Afghanistan, tháng 11/2021. Ảnh: AFP.

Một lớp học cho trẻ em gái tại Afghanistan, tháng 11/2021. Ảnh: AFP.

“Trong các trại tị nạn, nhiều bé gái đã không được đi học trong thời gian dài”, bà Basij-Rasikh chia sẻ. “Bỏ mặc những bé gái này là cách đối xử giống như Taliban đang làm”.

Một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã khởi động các chương trình giáo dục cho người tị nạn Afghanistan, bao gồm trẻ em gái. Cơ quan Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Pakistan cho biết họ đang giúp khoảng 57.000 trẻ em Afghanistan tiếp cận miễn phí với giáo dục tiểu học - thậm chí là giáo dục trung học ở một số khu vực.

“Chiến lược giáo dục của UNHCR hướng đến giúp trẻ em Afghanistan tiếp cận các trường công gần đó nếu có thể để tránh việc phải tham gia hệ thống giáo dục phân chia giới tính”, cơ quan trên tuyên bố.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Mỹ hồi tháng 3 đã đăng tải nhiều tài liệu trên website của cơ quan này nhằm giúp các nhà giáo dục tại Mỹ giúp đỡ những học sinh là người tị nạn Afghanistan.

“Điều quan trọng là mọi học sinh trên khắp đất nước - bao gồm các đồng minh Afghanistan - có thể tiếp cận với các tài liệu học thuật chất lượng cao và đáp ứng về mặt văn hóa”, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Miguel A. Cardona tuyên bố.

“Những người đàn ông đang thống trị đất nước lo ngại những điều mà phụ nữ được giáo dục có thể làm”, bà Basij-Rasikh viết. “Chúng tôi là phụ nữ Afghanistan. Tương lai của chúng tôi phải thuộc về chúng tôi”.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-nu-afghanistan-dang-song-nguoc-dong-thoi-gian-post1341264.html