Phụ huynh băn khoăn khi con em ngồi bàn lục giác, trường tiểu học ở Huế nói gì?
Theo cô Nguyễn Ngọc Minh Trang, việc sử dụng loại bàn 6 chỗ ngồi không những thuận lợi cho giáo viên trong quá trình lên lớp, trong đánh giá thường xuyên kết quả học tập và củng cố kiến thức cho học sinh mà còn giúp các em chủ động, tự tin, học tập hiệu quả, hình thành nhiều kỹ năng trong ứng xử, giải quyết vấn đề từ trong trường và cuộc sống hàng ngày.
Ngày 19-10, liên quan đến phản ánh của một số phụ huynh đang có con em học tại trường Tiểu học Vĩnh Ninh (TP Huế) về việc trường học này đưa bàn học lục giác thay thế bàn học truyền thống để học sinh ngồi học gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng học tập của các em, cô Nguyễn Ngọc Minh Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Ninh đã có thông tin về vấn đề này.
Theo cô Trang, việc sử dụng loại bàn 6 chỗ ngồi không những thuận lợi cho giáo viên trong quá trình lên lớp, trong đánh giá thường xuyên kết quả học tập và củng cố kiến thức cho học sinh mà còn giúp các em chủ động, tự tin, học tập hiệu quả, hình thành nhiều kỹ năng trong ứng xử, giải quyết vấn đề từ trong trường và cuộc sống hàng ngày.
“Loại bàn lục giác rất thuận lợi cho giáo viên trong quá trình vận dụng đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các hình thức tổ chức dạy học cá nhân, thảo luận cả lớp, nhóm 2, nhóm 3, nhóm 6; tiết kiệm thời gian cho giáo viên trong việc đánh giá thường xuyên bằng lời. Theo đó, giáo viên chỉ đứng tại một vị trí nhưng có thể quan sát đánh giá thường xuyên cả 6 em. Những em có kết quả bài tập và bài thực hành tốt thì giáo viên có lời khen em đó trước sự chứng kiến của các bạn trong nhóm nên tạo sự hứng thú cho học sinh. Còn những em có kết quả chưa như mong muốn thì giáo viên động viên và sửa sai kịp thời để học sinh nắm chắc kiến thức của bài học”, cô Trang phân tích.
Cũng theo cô Trang, được học tập và chia sẻ những thành tố tích cực của mô hình trường học mới (VNEN) tại trường Tiểu học Hương Long (TP Huế) theo văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế và Phòng GD-ĐT TP Huế; các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng và hiêu quả giáo dục. Đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động dạy học trên lớp thì trường Tiểu học Vĩnh Ninh đã trang bị được 4 phòng học loại bàn 6 chỗ ngồi và tủ đựng sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng cho cá nhân học sinh. Ngoài ra, loại bàn này có tính đa năng để phục vụ học tập, hoạt động trải nghiệm, hoạt động bán trú... Trong phục vụ học tập thì hình thành cho học sinh nhiều kỹ năng như: làm việc nhóm, thuyết trình, tự tin, quản lý thời gian, tự phục vụ, tự chăm sóc…
“Với loại bàn 2 chỗ ngồi hay bàn lục giác 6 chỗ ngồi, quá trình giáo viên tổ chức các hoạt động dạy học để giúp học sinh đạt được các yêu cầu theo mục tiêu bài học thì phải có sự hợp tác tích cực từ học sinh. Giáo viên phải có nhiệm vụ quản lý học sinh và không “bỏ rơi”, đó là quan sát cách phản ứng, thái độ tình cảm của học sinh nên việc học sinh không tập trung trong giờ học chắc chắn sẽ không xảy ra. Ở những vị trí ngồi của học sinh không đối diện với giáo viên khi giảng bài như hướng nhìn lên bảng đen hoặc bất cứ vị trí nào của giáo viên đứng giảng thì học sinh sẽ thể hiện ngay kỹ năng tự chăm sóc bản thân đó là tự dịch chuyển vị trí ngồi để có thể đối diện với giáo viên. Bên cạnh đó giáo viên luôn quan tâm đến việc thay đổi chỗ ngồi để giúp học sinh điều tiết mắt và đảm bảo sức khỏe”, cô Trang nhìn nhận.
Trong khi, một số phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học Vĩnh Ninh cho rằng, ngồi bàn học lục giác thì các cháu ngồi ngược với bảng nên việc chép bài không kịp, sách vở phải để xa chỗ ngồi do hộc bàn không phù hợp để sách vở của các cháu làm ảnh hưởng đến quá trình các cháu lấy sách vở khi đổi tiết. Vì vậy, phụ huynh chúng tôi kiến nghị cần thay thế lại bàn truyền thống để các cháu được ổn định và nắm đầy đủ các bài giảng trên lớp học.