Phong tục đón Tết của người Tày, Nùng ở Hạ Lang

Từ bao đời nay, trong đời sống của người Tày, Nùng huyện Hạ Lang, phong tục đón Tết được lưu giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Bởi lẽ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, phong tục đón Tết nơi đây còn mang tính nhân văn, thể hiện nét độc đáo riêng của mỗi dân tộc.

Cũng như các dân tộc khác, Tết Nguyên đán là ngày tết lớn nhất trong năm của người Tày, Nùng ở Hạ Lang nên người dân chuẩn bị đón tết rất sớm. Thông thường vào ngày 23 tháng Chạp, các bà, các mẹ bắt đầu tất bật đi chợ mua sắm đồ tết như: lá dong, giấy đỏ, bánh kẹo, hoa quả, đồ thờ cúng... và chuẩn bị đồ làm bánh khảo, khẩu sli, thúc théc...

Đến 25 ngày tháng Chạp, sau khi thắp nén hương xin phép gia tiên, gia chủ mới bắt đầu lau dọn lại bàn thờ, chỉnh trang nhà cửa, sắp xếp các đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp... Người Tày, Nùng quy định khi lau dọn bàn thờ phải dùng nước lá bưởi về rửa sạch ấm, chén, ly, sau đó lau sạch bàn thờ rồi mới dán câu đối đỏ. Bát hương sẽ đổ tro cũ đi chỉ để lại 1/3 tro, sau đó đốt rơm mới thành tro rồi thêm vào bát hương và cắm lại 3 chân hương cũ.

Những ngày tiếp theo, các công việc đón Tết được chia đều cho các thành viên trong gia đình. Đàn ông sẽ lo thịt lợn, lau dọn bàn thờ, sửa sang nhà cửa, lấy cây nêu... Phụ nữ trong nhà rửa lá dong, ngâm gạo gói bánh chưng, làm bánh khảo, khẩu sli, thúc théc, sắm sửa hoa quả, bánh kẹo, vàng mã..., trẻ con phụ giúp lau dọn nhà, gói bánh... Không khí Tết tưng bừng, rộn ràng khắp xóm làng.

Các trò chơi dân gian không thể thiếu trong dịp lễ, tết của người Tày, Nùng huyện Hạ Lang.

Ngày cuối cùng của năm, các công việc gần như đã chuẩn bị xong. Những câu đối tết màu đỏ được dán thay thế những câu đối cũ, khu vực bàn thờ được quét dọn sạch sẽ để trang trí bày biện hoa quả, bánh kẹo và đồ cúng... Giấy đỏ được dán vào đồ dùng, nông cụ, cây cối, nhà cửa, chuồng lợn, chuồng gà, xe máy, xe đạp... để cầu một năm mới bình an, hạnh phúc. Cây nêu và các loại cây lộc như cây mía, hoa mận, hoa đào, cây vầu... được gia chủ mang về sẵn để trước cửa nhà. Đến chiều tối, gia chủ sẽ chuẩn bị mâm cúng rồi bắt đầu dựng cây nêu. Trước khi dựng cây nêu lấy thêm một cây vầu nhỏ làm chổi quét đuổi tà ma, xua tan ám khí trong nhà. Chủ nhà cầm cây quét nhà, huơ khắp nơi từ trong ra ngoài cửa, vừa đi vừa lẩm nhẩm: “Quét ăn rại pây quây, ăn đây mà xâử” (dịch nghĩa: quét cái xấu đi xa, cái tốt về gần). Xong hết việc mới dựng cây nêu, khi dựng xong sẽ thắp một nén hương loại trừ ma quỷ, để giữ đất, giữ nhà. Sau khi mọi công việc đã xong, cả gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên đầm ấm, cùng đánh giá lại một năm qua, rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt, cùng nhau phấn đấu trong năm mới.

Người Tày, Nùng có phong tục lấy nước mới đầu năm. Đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mỗi nhà sẽ cử một thành viên đến mỏ nước gần nhất để lấy nước. Trước khi đi, gia chủ sẽ thắp hương lên bàn thờ xin phép tổ tiên rồi mang theo ba nén hương thắp sẵn cùng với một ống tre để đựng nước mới. Đúng thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người dân sẽ thắp hương và xuống mỏ lấy nước. Theo quan niệm, ai lấy được nước mới sớm nhất trong năm mới sẽ nhận được nhiều lộc, cả năm gặp may mắn, làm ăn phát tài.

Sau khi lấy nước về, thành viên ở nhà sẽ thắp tiếp một tuần nhang, thông báo với tổ tiên nước mới đã được mang về. Các loại cây lộc, cây mía, hoa đào, hoa mận... để trước cửa mới được phép cho vào nhà. Các cây lộc đem cắm vào một chiếc bình được chuẩn bị sẵn, thêm nước mới vào rồi đặt tại nơi trang trọng nhất trên bàn thờ. Nước mới đem về dùng để nấu cơm, làm xôi, rửa mặt... Theo quan niệm, khi nước mới được đem về nhà là khi mọi người bỏ qua hết mọi điều không may của năm cũ và đón nhận mọi điều mới mẻ của một năm mới. Đây là thời điểm khởi đầu cho một năm mới với niềm hy vọng mọi người có sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gặt hái nhiều thành công...

Lễ hội Lồng tồng của người Tày, Nùng huyện Hạ Lang được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Sáng mùng Một, trên bàn thờ phải đầy đủ mâm ngũ quả, bánh chưng, kẹo mứt, các loại bánh tự làm như thúc théc, bánh khảo, khẩu sli, một chai rượu, một bao thuốc lá, thịt gà, nem, thịt luộc... Hai bên bàn thờ dựng hai cây mía cắm vào lọ nước đựng nước mới. Trước khi cúng, thắp hương vào các bát hương, rồi rót rượu mời tổ tiên, riêng ngày mùng Một, bàn thờ lúc nào cũng phải ấm và sáng, hương và nến được thắp sáng cả ngày, cầu mong một năm ấm cúng và tươi sáng. Ngoài ra, còn thắp hương chỗ thờ thổ công, bếp, cắm cạnh cửa nhà, chuồng gia súc, gia cầm.

Sáng sớm mùng Hai, cả nhà đi nhà ngoại chúc Tết, tiếng địa phương gọi là “pây tái”. Sau một năm làm việc vất vả, đây là dịp các con rể đến nhà ngoại để cảm ơn người đã sinh thành, dạy dỗ vợ mình nên người. Các lễ vật mang theo không thể thiếu gà, bánh chưng, bánh khảo, khẩu sli, rượu... để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Đến trưa, cả nhà cùng quây quần ấm cúng bên mâm cỗ. Bên ngoại sẽ mừng tuổi cho các cháu bằng những đồng tiền được gói trong tờ giấy đỏ mang ý nghĩa ban phát tài lộc cho con cháu... Đồ lễ đem sang ngoại để cúng tổ tiên trước khi về được chia phần, thể hiện tình cảm chân thành, gắn kết giữa hai bên thông gia.

Ngày tết của nhiều xóm trong khu vực không giống nhau, còn phụ thuộc vào ngày hội lồng tồng (xuống đồng) của mỗi xóm. Ngày hội lồng tồng của một số xóm là ngày con gà đầu tiên của năm mới nên ngày tết ở đây có thể kéo dài từ 3 - 15 ngày, một số xóm sẽ có ngày lồng tồng cố định như ngày mùng 3, mùng 5, mùng 6... Trong hội lồng tồng cũng có phong tục đi lấy nước mới, người trong xóm sẽ cử trưởng xóm đi lấy nước mới mang về thờ ở “Pú xửa” (Thành hoàng làng) là ông tổ chung của làng, khi làm lễ xong, trưởng xóm cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, cả làng bình an.

Sau khi hội lồng tồng kết thúc, mọi người trở về nhà, đem đồ cúng từ hội lên bàn thờ thắp hương; làm mâm cúng ở bếp, trước cửa nhà, chuồng gia súc, gia cầm. Cúng xong mới dỡ cây nêu rồi thắp hương, đốt tiền giấy. Khi đã hoàn tất mọi thủ tục, gia chủ đem bình đựng các cây lộc ném những cành cây lên mái nhà trước rồi hắt nước lên mái nhà với mong muốn năm mới sẽ mưa thuận, gió hòa để người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp.

Mai Chi

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phong-tuc-don-tet-cua-nguoi-tay-nung-o-ha-lang-3167330.html