Phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, các cơ quan chức năng cùng các địa phương của tỉnh đã và đang nỗ lực, tập trung ngăn chặn và phòng ngừa các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người.

Tháng 5/2023, 3 ổ dịch bệnh than trên người với 13 trường hợp mắc bệnh than thể da được ghi nhận tại địa bàn huyện Tủa Chùa. Các bệnh nhân đều tiếp xúc và sử dụng thực phẩm từ gia súc mắc bệnh đã chết.

Tháng 5/2023, 3 ổ dịch bệnh than trên người với 13 trường hợp mắc bệnh than thể da được ghi nhận tại địa bàn huyện Tủa Chùa. Các bệnh nhân đều tiếp xúc và sử dụng thực phẩm từ gia súc mắc bệnh đã chết.

Thời gian qua, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi. Tại tỉnh Điện Biên từ năm 2023 đến hết tháng 3/2024, ghi nhận 6 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại; 3 ổ dịch than trên người với 13 trường hợp mắc bệnh than thể ngoài da tại huyện Tủa Chùa; 1 trường hợp mắc và tử vong do bệnh liên cầu lợn tại huyện Điện Biên Đông…

Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, địa phương có 2/6 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với thú y đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về đường lây, cách phòng tránh cho người dân. Trung tâm Y tế huyện cố gắng chuẩn bị số lượng vắc xin phòng bệnh dại đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo tại thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông).

Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo tại thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông).

Bác sĩ Phạm Đức Tài, Trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Bệnh lây truyền từ động vật sang người có thể trực tiếp hoặc qua những trung gian gây bệnh, đáng lo ngại nhất trong số đó là bệnh dại. Mặc dù đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm sang cho người trên địa bàn tỉnh vẫn có thể xảy ra. Bởi hầu như năm nào cũng ghi nhận mẫu dương tính với vi rút H5N1 trên đàn gia cầm của tỉnh, đặc biệt là những điểm buôn bán gia cầm. Bên cạnh đó, hiện nay một số bệnh lưu hành tại địa phương có tác nhân lây từ động vật sang người như: sốt xuất huyết, sốt rét…

Để phòng bệnh từ sớm, hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các loại dịch bệnh, ngành y tế đã triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh về tăng cường phòng chống dịch bệnh.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) thực hiện phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) thực hiện phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người.

Chủ động phòng chống bệnh lây từ động vật sang người, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, xét nghiệm các trường hợp mắc bệnh dại và các bệnh dự phòng bằng vắc xin tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh. Đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người và các biện pháp phòng, chống các bệnh dự phòng bằng vắc xin để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh.

Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố củng cố, nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống dịch các tuyến, đặc biệt là y tế cơ sở tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số. Duy trì giám sát dịch tễ các bệnh truyền nhiễm để kịp thời dự báo nguy cơ gây dịch và triển khai các biện pháp phòng chống, khống chế không để dịch lan rộng. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn nâng cao chuyên môn kỹ thuật về giám sát, phòng chống và điều trị bệnh truyền nhiễm cho cán bộ y tế tại các đơn vị y tế dự phòng và cơ sở điều trị các tuyến. Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Cán bộ thú y phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) tiêm vắc xin phòng dại cho chó.

Cán bộ thú y phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) tiêm vắc xin phòng dại cho chó.

Đối với người dân, ngành Y tế tiếp tục khuyến cáo không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, tổn thương phổi có liên quan, tiếp xúc với nguồn gia cầm bệnh, chết… cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Với những bệnh có vắc xin cho người trước và sau phơi nhiễm, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin khi có nguy cơ để phòng bệnh. Trong ảnh: Người dân đến kiểm tra, tiêm vắc xin phòng dại tại Phòng tiêm chủng Sapo (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

Với những bệnh có vắc xin cho người trước và sau phơi nhiễm, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin khi có nguy cơ để phòng bệnh. Trong ảnh: Người dân đến kiểm tra, tiêm vắc xin phòng dại tại Phòng tiêm chủng Sapo (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

Đối với những loại bệnh đã có vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, chủ nuôi động vật cần phối hợp với cơ quan chức năng để tiêm phòng đầy đủ. Với những bệnh có vắc xin cho người trước và sau phơi nhiễm, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin khi có nguy cơ để phòng bệnh. Đối với bệnh chưa có vắc xin, cần giữ vệ sinh thân thể, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch kháng khuẩn sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với động vật, hay môi trường đất, nước bên ngoài, trước và sau khi chăm sóc người bệnh… Không khạc nhổ bừa bãi, khi ho hay hắt hơi phải dùng tay, khăn che miệng rồi rửa tay, giúp phòng tránh phát tán bệnh nếu có.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/215462/phong-ngua-hieu-qua-dich-benh-lay-truyen-tu-dong-vat-sang-nguoi