Phòng, chống sốt xuất huyết: Cần sự vào cuộc của mọi người, mọi nhà

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh Long An trong những tuần gần đây có dấu hiệu giảm so với đầu năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao so cùng kỳ các năm trước. Vì vậy, người dân không được lơ là, chủ quan; cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Giám sát côn trùng để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Giám sát côn trùng để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 770 ca mắc SXH, tăng 4,3 lần so cùng kỳ năm 2022; số ca nội trú tăng 34,5% so với số ca mắc trung bình 5 năm; trong đó, có 1 ca tử vong. Số ca mắc vẫn tập trung cao tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Châu Thành và TP.Tân An. Nhằm chủ động phòng, chống dịch, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong do SXH, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để có phương án xử lý kịp thời.

Là một trong những địa phương có bệnh SXH lưu hành nên huyện Cần Đước chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn dịch bùng phát ngay từ đầu năm. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - Lê Trọng Hiếu thông tin: “Để hạn chế số ca mắc và tử vong trên địa bàn, ngành Y tế huyện theo dõi sát tình hình dịch, kiểm tra, giám sát các ổ dịch xảy ra có nguy cơ cao. Đồng thời, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, phun thuốc diện rộng trên địa bàn huyện”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Cần Đước ghi nhận trên 70 ca mắc SXH, trong đó, có 2 ca nặng với 11 ổ dịch. Hiện 100% ổ dịch được xử lý, huyện tổ chức phun thuốc chủ động tại 4 điểm có nguy cơ cao trên địa bàn các xã: Tân Trạch, Long Hựu Tây, Phước Đông và Long Trạch. Trung tâm Y tế huyện tích cực giám sát côn trùng hàng tháng tại 100% xã, thị trấn, nếu địa phương nào có mật độ côn trùng cao sẽ tổ chức phun thuốc chủ động. Theo kế hoạch, hàng năm, chiến dịch diệt lăng quăng được tổ chức 2 đợt, tuy nhiên, năm nay tăng lên 3 đợt và có thể nhiều hơn tùy theo tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, khuyến cáo các cá nhân, hộ gia đình nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Bà Phan Thị Nghe (xã Tân Ân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Trước đây, gia đình có cháu mắc SXH nặng nên rất đề phòng với bệnh này. Tôi thường nhắc nhở các cháu phải ngủ mùng cả ngày lẫn đêm, súc rửa các lu chứa nước, thả cá và đậy nắp lu để không cho muỗi đẻ trứng”.

Tuy số ca mắc SXH gần đây giảm nhưng dự báo dịch có nguy cơ lây lan nhanh với nhiều ca mắc hơn trong thời gian tới. Do đó, cả hệ thống chính trị và mọi người, mọi nhà cần tập trung, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH. “SXH là bệnh lưu hành hàng năm, xảy ra thường xuyên và cao điểm vào mùa mưa. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH và thuốc để điều trị đặc hiệu. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng; tránh muỗi đốt bằng cách thường xuyên mặc quần dài, áo dài tay và ngủ mùng kể cả ban ngày; vệ sinh môi trường; loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết; khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời” - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo./.

Thùy Minh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-chong-sot-xuat-huyet-can-su-vao-cuoc-cua-moi-nguoi-moi-nha-a151243.html