Phòng, chống 'diễn biến hòa bình': Chuyện tưởng là nhỏ...

Được về phép, đến nhà Thủy Tiên chơi, đúng dịp nhà bạn vừa mua bộ hát karaoke mới nên Trung úy Phi hòa cùng mọi người trong gia đình thử chất lượng âm thanh.

Sau khi nhờ Thủy Tiên chọn cho mình một bài hát, Phi say sưa thể hiện như đang đứng trên sân khấu thực thụ. Đợi Phi hát xong, ông Tiến là bố của Thủy Tiên lại gần, nói:

- Cháu có chất giọng tốt đấy! Bây giờ, hai bác cháu ra ngoài bàn đá uống nước, trò chuyện một lát nhé!

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

- Dạ vâng ạ!

Vừa rót xong chén trà mời ông Tiến, Phi giật mình bởi câu hỏi bất ngờ của người cựu chiến binh tuổi ngoài thất tuần:

- Cháu có biết bài cháu vừa hát của tác giả nào không?

- Dạ, cháu mới nghe và hát bài này vài lần nên chưa để ý tác giả ạ!

- Thế cháu có biết bài hát được sáng tác trong hoàn cảnh nào không?

- Dạ, cháu cũng... không biết ạ!

- Thế cháu có hiểu nội dung bài hát này không?

- Dạ, bài này nói về người lính! Cháu cũng là người lính nên thích ạ!

Nghe Phi nói vậy, ông Tiến cầm chén trà lên nhấp một ngụm. Sau khi trầm ngâm một lát, ông khẽ khàng:

- Đúng! Đây là bài hát về người lính! Và bác cũng biết cháu là sĩ quan Quân đội, chính vì thế nên bác mới mời cháu ra đây trò chuyện. Bài hát này thuộc thể loại nhạc vàng, do người của chế độ ngụy quyền Sài Gòn sáng tác. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bài hát này được phía bên kia sử dụng làm tác phẩm “tâm lý chiến” nhằm gây lung lạc lý tưởng, ý chí, giảm sức chiến đấu của bộ đội ta. Hồi đó, các bác đã phải rất vất vả để ứng phó với thủ đoạn này của địch...

- Ồ vậy ạ! Thế mà cháu không biết! Nhưng cháu nghĩ...

- Cháu nghĩ là bây giờ hòa bình, đất nước thống nhất, dân tộc hòa hợp rồi nên không cần phân biệt bài hát của “bên” này, “bên” kia nữa đúng không? Nghĩ như vậy là thiếu chín chắn, chưa sâu sắc cháu ạ! Sở dĩ Quân đội ta “bách chiến bách thắng” bởi chúng ta là những người lính làm nhiệm vụ chính nghĩa, cao cả. Vì vậy, chúng ta không thể hát những bài lâm ly bi đát, đầy thực dụng của đội quân phi nghĩa nhằm đánh vào tư tưởng của quân và dân ta. Nếu ở đơn vị mà cháu hát những bài “tâm lý chiến” kia, rồi các chiến sĩ cấp dưới hát theo, thì công tác tư tưởng ở đó thế nào? Nếu ra ngoài doanh trại, đứng trước quần chúng mà cháu chọn hát những bài như vậy, mọi người sẽ có cái nhìn về tâm thế, bản lĩnh của người sĩ quan hôm nay ra sao? Nhất là nếu có người quay lại bài cháu hát rồi tung lên mạng xã hội để kẻ xấu vào bình luận xuyên tạc thì hậu quả sẽ rất lớn. Các thế lực thù địch luôn tìm cách lôi kéo thế hệ trẻ vào thứ văn hóa tiêu cực này. Cháu là sĩ quan trẻ, có giọng tốt, sao không chọn những bài trong sáng, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống hào hùng của dân tộc và Quân đội ta để hát? Như vậy, vừa được thỏa mãn sở thích, lại vừa tuyên truyền văn hóa, lối sống tốt đẹp, qua đó góp phần tôn lên vẻ đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và của chính cháu, phải không nào?

Trước những phân tích hợp lý, hợp tình của ông Tiến, Trung úy Phi như bừng tỉnh, nhận ra sự bồng bột, hồn nhiên của mình:

- Cháu cảm ơn bác vì những góp ý chân thành đã giúp cháu nhận ra mình cần phải tinh tế, sâu sắc hơn. Từ nay cháu sẽ không mắc những lỗi tương tự như vậy nữa!

CHIẾN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/phong-chong-dien-bien-hoa-binh-chuyen-tuong-la-nho-777848