Phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho gia súc: Ý thức người dân là trên hết
Trong tình hình thời tiết cực đoan, khó lường, việc phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc được cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường tuyên truyền, giám sát, nhằm nâng cao ý thức cho người dân.
Tăng cường tuyên truyền, giám sát
Trước đây, thay vì đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa thì nay đồng bào vùng cao A Lưới đã biết cuốn từng bánh rơm tròn để tích trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa mưa rét. Ông Nguyễn Thảo, ở xã Sơn Thủy, huyện A Lưới, hộ chăn nuôi bò đàn có tiếng ở địa phương cho biết: “Được sự quan tâm đầu tư máy cuốn rơm, đồng thời chính quyền, ngành chức năng tuyên truyền, vận động đến từng hộ dân, bà con đã biết che chắn, vệ sinh chuồng trại, làm khô ráo nền chuồng và tích trữ rơm cuộn để tránh mưa lạnh, đói rét cho gia súc trong mùa mưa đang tới".
Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện A Lưới cho biết, địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động và hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiến hành gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn, rơm cuộn bổ sung cho đàn gia súc; chủ động bố trí ngân sách phục vụ công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, sẽ giám sát, quy trách nhiệm cơ sở nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết hàng loạt do các nguyên nhân chủ quan, không thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét.
Mới đây, vụ việc có khoảng 10 con trâu của các hộ dân bị chết do thả rông không được tiêm phòng dịch bệnh, xảy ra ở xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc cho thấy sự chủ quan của người dân. Hiện tượng trâu chết xuất hiện từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 10 này. Qua xác định nguyên nhân khiến nhiều con trâu bị chết là do bệnh tụ huyết trùng.
Theo ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, các con trâu bị chết chủ yếu là trâu được người dân thả trong rừng, chưa lùa về và chưa tiêm vắc-xin. Ngay sau khi phát hiện, chính quyền xã đã báo cáo lên cơ quan chức năng của huyện và phối hợp cùng các lực lượng nhanh chóng dập dịch.
Ông Phạm Văn Đào, Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc thông tin, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn về cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ lùa trâu về tiêm phòng 2 đợt. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc, vật nuôi trên địa bàn.
Nâng cao ý thức của người dân
Để tăng cường phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, vật nuôi trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão năm nay, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, không chủ quan, bị động. Tiến hành phổ biến kinh nghiệm phòng, chống bão lũ, đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và xây dựng phương án đối phó kịp thời khi bão lũ, và dịch bệnh xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, thực tế cho thấy, ngoài lý do khách quan do thời tiết thì chủ yếu là do tập quán thả rông trong rừng, không tiêm phòng dịch bệnh và thiếu nguồn thức ăn dự trữ tại chuồng khiến gia súc bị đói, khát trong mùa mưa bão là nguyên nhân dẫn đến hầu hết số gia súc bị chết. Do đó, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT ban hành văn bản đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế và các phòng, ban, chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ để kịp thời giúp người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi có hiệu quả.
Cùng với đó, việc quan trọng nữa là hướng dẫn người dân gia cố vững chắc, che chắn cho chuồng trại, chủ động dự trữ nguồn thức ăn như rơm khô, rơm cuộn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát. Đồng thời, bổ sung thêm thức ăn tinh bột, vitamin, khoáng chất cần thiết để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Ngoài việc tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin cho gia súc, cần nêu cao ý thức cho người dân về nuôi nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò hoặc đưa trâu, bò ở vùng trũng lên nơi cao ráo và che chắn có kiểm soát trong mùa mưa bão...
Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, năm nay tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 155.645 con, tăng 0,9% so với năm trước; đàn trâu toàn tỉnh có 15.242 con, đàn bò 29.064 con tăng 2,8% so với năm trước nhờ các chương trình, dự án MTQG giảm nghèo hỗ trợ cho các địa phương, đồng thời các địa phương đang triển khai đề án bò thịt chất lượng cao của tỉnh năm 2024.