Phối hợp thực hiện phòng, chống bạo lực học đường
ĐTO - Tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) là một trong những vấn đề gây bất an và bức xúc trong xã hội, ngăn ngừa BLHĐ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường các giải pháp tích cực ngăn chặn và phòng ngừa. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) củng cố hệ thống đường dây nóng tại các cơ sở giáo dục (GD), đơn vị trực thuộc và phối hợp đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Theo Sở GD&ĐT, toàn ngành đã ghi nhận 3 trường hợp BLHĐ nổi cộm gồm vụ việc học sinh (HS) Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu đánh nhau với học sinh (HS) Trường THPT Thành phố Cao Lãnh (TP.Cao Lãnh); HS Trường THPT Tháp Mười, THPT Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười) đánh nhau với các đối tượng bên ngoài; HS Trường THCS Trần Thị Nhượng (TP.Sa Đéc) đánh nhau với đối tượng bên ngoài. Các vụ BLHĐ xảy ra hầu hết là do trước đó các em từng có mâu thuẫn, thiếu kiềm chế dẫn đến đánh nhau. Ngoài các vụ việc nêu trên, trong sinh hoạt, học tập hàng ngày tại lớp, việc HS mâu thuẫn nhỏ trong khi đùa giỡn vẫn thường xảy ra, tuy nhiên các giáo viên (GV) chủ nhiệm liên lạc với phụ huynh HS thông báo tình hình và chủ động giải quyết từ sớm đã góp phần ngăn chặn những mâu thuẫn có thể lớn hơn.
Thực tế hoạt động phòng, chống BLHĐ được Sở GD&ĐT thực hiện từ năm 2017 đến nay và tiếp tục đến năm 2025, với mục tiêu xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống BLHĐ. Ngành GD&ĐT đã triển khai Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020 – 2025. Kế hoạch phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở GD mầm non, GD phổ thông, GD thường xuyên và Công văn số 850/BGDĐT-GDCTHSSV của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường hỗ trợ, tư vấn, tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, HS, sinh viên khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng. Sở GD&ĐT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT và đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý BLHĐ; hướng dẫn quy trình xử lý BLHĐ đến các đơn vị trường.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra, thanh tra một số đơn vị trực thuộc, Phòng GD&ĐT và một số cơ sở GD mầm non, tiểu học và THCS. Qua kiểm tra, thanh tra, các cơ sở GD đều tổ chức triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Song song đó phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến về đảm bảo an toàn trường học, phòng ngừa BLHĐ, xâm hại trẻ em... Tại các huyện, thành phố trong tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị trường tiểu học, THCS, THPT tuyên truyền công tác phòng, chống BLHĐ tại các đơn vị trường. Huyện Lấp Vò là một trong những đơn vị điển hình trong thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống BLHĐ tại các đơn vị trường THCS, THPT. Trong đó, phát huy vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ quản lý, GV và HS trong việc tiếp nhận thông tin và xử lý sớm các thông tin liên quan đến HS. Ngoài ra, các đơn vị trường THCS, THPT lắp đặt hệ thống pa-nô tuyên truyền về phòng, chống BLHĐ ngay trước cổng trường, điểm đưa rước HS. Hiệu trưởng nhà trường thông tin trực tiếp về những hành vi BLHĐ đáng lên án đến HS trong các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa.
Theo Sở GD&ĐT, dù toàn ngành đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nhưng hiện nay việc quản lý HS còn gặp khó khăn. Đặc biệt là thời gian ngoài giờ học và các mối quan hệ xã hội của các em HS bên ngoài trường, các hội, nhóm trên mạng xã hội. Một số trường hợp phụ huynh HS trang bị điện thoại di động cho các em, dẫn đến việc các em giao lưu, kết bạn, nhắn tin qua mạng xã hội. Các trường hợp này gây khó khăn cho phụ huynh HS và GV trong kiểm soát và kịp thời GD, định hướng, bảo vệ các em trước những xu hướng không tích cực và chưa phù hợp với độ tuổi.
Trong tháng 4/2021, phòng, ngừa và ngăn chặn tình trạng BLHĐ trong năm học 2020 – 2021 và những năm học tiếp theo, ngành GD&ĐT đã phối hợp với ngành công an triển khai công tác phối hợp và tiếp nhận các thông tin về những trường hợp HS cá biệt, có biểu hiện giao du với các phần tử chưa tốt bên ngoài xã hội. Củng cố hệ thống đường dây nóng tiếp nhận các thông tin liên quan tại các đơn vị trường; có các biện pháp bảo vệ những người tố giác các hành vi tiềm ẩn nguy cơ BLHĐ đến đơn vị quản lý và cơ quan chức năng. Phối hợp với các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường phòng, chống ma túy và đồ uống có cồn, đảm bảo an ninh trật tự trong trường học; duy trì tổ chức các hoạt động tuyên truyền như hội thi vẽ tranh cổ động, sân khấu hóa, biểu diễn tiểu phẩm... Ngoài ra, ngành GD&ĐT phối hợp với các ngành tập huấn kỹ năng xử lý tình huống đối với lực lượng bảo vệ đơn vị, huy động và sử dụng các nguồn lực hoàn thiện hệ thống cổng rào để đảm bảo an toàn cho giáo viên, HS.