'Phố sửa đồ' ở Chí Linh

Nghề sửa đồ đã gắn bó lâu dài và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều chị em ở cổng chợ Sao Đỏ, phường Sao Đỏ (TP Chí Linh, Hải Dương).

Nghề sửa chữa quần áo, thay khóa, hấp áo da... thu hút nhiều người tham gia ở cổng chợ Sao Đỏ, phường Sao Đỏ (TP Chí Linh)

Nghề sửa chữa quần áo, thay khóa, hấp áo da... thu hút nhiều người tham gia ở cổng chợ Sao Đỏ, phường Sao Đỏ (TP Chí Linh)

Nghề gia truyền

Chợ Sao Đỏ luôn nhộn nhịp từ sáng sớm đến tối mịt. Bên cạnh hàng hóa đa dạng, điểm khác biệt của chợ là có khoảng 20 người làm nghề sửa chữa, thay khóa quần áo, hấp áo da... Họ ngồi thành từng nhóm ngay vỉa hè, lối vào 2 cổng chợ. Vì có nhiều người làm cùng công việc nên người dân ở đây quen gọi là "phố sửa đồ". Đồ nghề rất đơn giản, chỉ có chiếc máy may, vài hộp đựng cúc áo, khóa quần áo... cùng chiếc ô che mưa, che nắng để thuận tiện cho việc di chuyển.

Trong số những người làm nghề sửa đồ ở đây, bà Nguyễn Thị Huấn (59 tuổi) ở phường Chí Minh có lẽ là người gắn bó với nghề lâu nhất, với 41 năm. Bà bảo đây là nghề “cha truyền con nối”, bố làm nghề may quần áo ở khu vực này từ thời Pháp thuộc. Cụ đã truyền dạy nghề cho cả 6 người con. Hiện nay, gia đình bà Huấn còn 4 người vẫn giữ nghề. “Trước đây, khi chợ Sao Đỏ mới được xây dựng, chỉ có dăm ba người làm nghề rải rác quanh khu vực chợ. Tuy nhiên, khoảng 20 năm nay, số lượng người làm nghề ngày càng đông hơn và đều dồn ra cổng chợ để khách hàng dễ nhìn thấy. Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng ổn định, nếu chăm chỉ thì làm không hết việc”, bà Huấn nói.

Đo đúng kích cỡ theo yêu cầu sửa chữa của khách hàng

Đo đúng kích cỡ theo yêu cầu sửa chữa của khách hàng

Ngồi cạnh bà Huấn là chị Hoàng Kim Thảo ở khu dân cư Hùng Vương (phường Sao Đỏ). Chị Thảo năm nay 42 tuổi nhưng có 21 năm gắn bó với nghề. Trước đây, chị Thảo làm nhiều nghề sinh sống nhưng thu nhập không ổn định và công việc vất vả. Chị gái của chị Thảo làm may ở đây nên đã dạy nghề cho em. Theo chị Thảo, trước đây, các chị may quần áo là chính, sửa chữa là phụ. Nhưng những năm gần đây, khi quần áo may sẵn nhiều thì các chị chuyển sang sửa chữa. Khách mua trong chợ Sao Đỏ nếu không vừa có thể mang ra cổng sửa lại. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng và tăng thu nhập, các chị sửa chữa thêm cả túi, ba lô, giặt hấp áo da, nhuộm lại áo phông... Khách hàng cũng đa dạng hơn, không chỉ những người mua đồ trong chợ mà nhiều người ở các phường, xã lân cận cũng mang đồ đến sửa.

Thu nhập ổn định

Làm việc ở ngoài trời nắng nóng, ai cũng bịt kín

Làm việc ở ngoài trời nắng nóng, ai cũng bịt kín

Để giữ chữ tín với khách hàng, mỗi người làm nghề đều có bí quyết riêng. Chị Nguyễn Thị Thảo ở phường Sao Đỏ cho biết khi nhận hàng, chị phải ghi lại yêu cầu của khách cẩn thận hoặc đánh dấu trực tiếp lên chỗ cần sửa. Chị tư vấn cho khách hàng may vào, cắt đi, nới ra bao nhiêu cho phù hợp. Chị cẩn thận từng đường kim, mũi chỉ để không hỏng đồ của khách. “Chúng tôi luôn làm cẩn thận cho khách, để giữ uy tín”, chị Thảo nói.

Chia sẻ về nguồn thu nhập, đa số những người làm nghề sửa đồ đều cho biết ngày ít cũng được 200.000 đồng, còn ngày nhiều lên đến 400.000-450.000 đồng, tùy vào số lượng khách và đồ khách mang đến sửa. Với quần áo hàng hiệu hoặc cần sửa phức tạp thì tiền công cao hơn. Làm nghề giống nhau nên các bà, các chị hay chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau lúc gặp trường hợp khó, nhiều khách hoặc mượn nhau nguyên liệu khi chưa kịp nhập hàng về. Tuy vậy, các bà, các chị cũng có những nguyên tắc nhất định, không được chèo kéo mà để khách tự lựa chọn quán để sửa. "Khách đến chọn quán nào sửa chúng tôi cũng vui vì làm cùng nhau đã mấy chục năm nên chị em hiểu được những khó khăn của nghề. Chúng tôi cũng hay chia sẻ, tâm sự với nhau khi rảnh rỗi, giúp đỡ nhau lúc cần thiết. Có như vậy, mới làm ăn được lâu dài", bà Huấn cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Huấn ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) năm nay 59 tuổi nhưng có đến 41 năm gắn bó với nghề sửa chữa quần áo

Bà Nguyễn Thị Huấn ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) năm nay 59 tuổi nhưng có đến 41 năm gắn bó với nghề sửa chữa quần áo

Chị Dương Thu Huyền ở khu dân cư Cầu Dòng (phường Cộng Hòa) hài lòng với bộ quần áo vừa được sửa. Chị Huyền cho biết: “Tôi thường xuyên sửa đồ ở đây. Các chị làm khá cẩn thận, nhanh và giá cả phù hợp, biết tư vấn cho khách hàng nên tôi rất yên tâm”.

Dù việc làm và thu nhập ổn định nhưng những người làm nghề sửa đồ ở đây cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. Làm việc ngoài trời nên lúc thời tiết nắng nóng hoặc mưa sẽ ảnh hưởng đến công việc. Nghề này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe khi thường xuyên phải ngồi lâu, chăm chú may...

HẠNH HOA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/pho-sua-do-o-chi-linh-382335.html