Phó Chủ tịch Quốc hội: Chỉ cần có một cái tivi là từ hộ nghèo lên cận nghèo ngay
Nhận định ranh giới giữa hộ nghèo với cận nghèo khá mong manh, ông Trần Quang Phương nêu thực tế, chỉ cần được hỗ trợ 1 cái tivi là từ hộ nghèo lên cận nghèo ngay.
Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương quan tâm đến khoản 3, Điều 12 (Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế) của dự án Luật.
Theo đó, người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người dân tộc thiểu số đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang cư trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang cư trú tại xã đảo, huyện đảo sẽ được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, ranh giới giữa hộ nghèo với cận nghèo là khá mong manh, rất dễ thay đổi.
"Có tiêu chí là chỉ cần một tổ chức nào đó hỗ trợ cho một cái tivi là từ hộ nghèo lên cận nghèo ngay. Rồi thiên tai làm hỏng, không còn tivi thì lại từ hộ cận nghèo xuống nghèo ngay", ông Trần Quang Phương nói và đề nghị dự án Luật cần xác định những nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng hơn để đảm bảo tính công bằng.
Về nhóm người đang cư trú tại xã đảo, huyện đảo, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, người sinh sống tại thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đều được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, không phân biệt giàu nghèo liệu có hợp lý không.
Đáng chú ý, ông Trần Quang Phương cũng nêu ra nghịch lý bác sĩ, người có chuyên môn khám chữa bệnh thì lại không được quyết định mức bảo hiểm chi trả, trong khi người có quyền quyết định thì lại không có chuyên môn y tế.
"Đây là câu chuyện xảy ra nhiều trong thực tế. Tuy không đưa vào luật, nhưng khi xây dựng văn bản hướng dẫn thì phải quy định rõ về hội đồng giám định bảo hiểm. Tương tự với danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kiến nghị.
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, những vấn đề bức xúc hiện nay liên quan đến thanh toán, quyết toán khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm thuốc cho người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị không phân biệt đối xử và phải đảm bảo công bằng giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh bảo hiểm y tế.
"Phải quán triệt căn bản để người có tiền đi khám dịch vụ và người không có tiền đi khám bảo hiểm y tế được đối xử công bằng", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Đề cập đến định hướng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc mở rộng đối tượng là đúng, song cần rà soát kỹ đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng, đặc biệt lưu ý người có công, người dân tộc thiểu số.
"Qua một trận bão, lũ lụt, sạt lở đất ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc cho thấy đời sống người dân rất khó khăn. Hiện nhiều người không còn nhà cửa, phải ở lều, lán, trại, tạm trong các cơ sở cộng đồng. Đời sống rất khó khăn nên lo khám, chữa bệnh cho Nhân dân là việc thường xuyên nhưng đặc biệt ở các vùng khó khăn nhất hiện nay chúng ta phải quan tâm", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về đề nghị áp dụng chuyển tuyến cho người bệnh giữa các cơ sở y tế được nêu trong dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội gợi ý phương án "nếu mua bảo hiểm y tế có thể khám chữa bệnh trên toàn quốc, đến tỉnh nào, huyện nào cũng có thể được khám và thanh toán".
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết dự án Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật.
Đáng chú ý, dự án Luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành.
Theo đó, bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ Bảo hiểm y tế.
Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật.
Bộ trưởng Y tế khẳng định, quy định này nhằm đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế xác định cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế phù hợp với thực tế của địa phương.