Phía sau những diễn ngôn về khủng hoảng giáo dục

Trong những ngày qua, câu chuyện sách giáo khoa (SGK), chất lượng giáo dục hay thậm chí chuyện lựa chọn hay bắt buộc học môn lịch sử ở cấp học phổ thông trở thành vấn đề thời sự xã hội.

Có lẽ đây cũng không phải là chuyện mới bởi hơn hai thập kỷ qua, những diễn ngôn về khủng hoảng giáo dục liên tục được khơi lên, tạo ra những cuộc tranh luận, xen lẫn những lo âu của xã hội. Nhưng vẫn chỉ có một kết quả xảy ra, đó là chính đáng hóa cho việc “cải cách giáo dục” như thể rằng nếu cơ quan hữu trách không có hành động, chính sách cụ thể nào thì sẽ dẫn đến những khủng hoảng về văn hóa giáo dục.

Ông Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (SocialLife).

Tuy nhiên, sau tất cả, chúng ta nhận thấy rằng nội hàm của khái niệm cải cách giáo dục được hiện thực hóa một cách đơn giản là đổi mới SGK. Trong khi các vấn đề hệ trọng khác của giáo dục chưa được thực hiện một cách quyết liệt, chẳng hạn như vấn đề lương, thu nhập của giáo viên được các đời bộ trưởng hứa hẹn “giáo viên sẽ sống bằng lương”. Nhưng rồi sau mỗi nhiệm kỳ của mỗi vị bộ trưởng thì những thành tựu hiện hữu nhất cũng là câu chuyện đổi mới hoặc thay SGK.

Nếu bình tĩnh xem xét lại trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã trải qua bao nhiêu lần đổi mới SGK và tiêu tốn bao nhiêu tiền ngân sách quốc gia? Gần đây nhất, việc đổi mới SGK được chủ trương xã hội hóa và sử dụng nguồn vay ODA lên đến hàng chục triệu USD. Tưởng rằng lần đổi mới này mang tính bước ngoặt nhưng rồi kết quả thu về là gì ngoài những bất đồng, lo âu của xã hội về nội dung, kiến thức được biên soạn trong các bộ sách dùng để giảng dạy trong trường học còn quá nhiều hạt sạn mà các chuyên gia đã chỉ ra.

Chưa kể, những bộ SGK, sách bài tập được các đơn vị chức năng xuất bản, in ấn hàng năm theo thể thức sách dùng một lần, từng em học sinh cho mỗi cấp lớp. Xét dưới khía cạnh kinh tế, đó là nguồn thu lớn cho các đơn vị kinh doanh xuất bản và phát hành nhưng đồng thời cũng là một gánh nặng chi phí trong các khoản chi tiêu dành cho giáo dục của các gia đình trẻ nghèo. Một câu hỏi đặt ra, rằng với khoản đầu tư lớn của nhà nước dành cho các đợt biên soạn sửa đổi và các đơn vị được giao nhiệm vụ xuất bản, đã mang lại lợi ích gì cho người dân, đã thu và nộp bao nhiêu cho ngân sách quốc gia, với tư cách là đơn vị chủ sở hữu bản quyền xuất bản?

Trẻ đọc sách tại xe buýt sách đặt tại Đường sách TP.HCM. Ảnh minh họa. Ảnh: Trung Dũng

Cho đến nay, những diễn ngôn về khủng hoảng giáo dục chưa có hồi kết và có lẽ như một kịch bản rồi đây sẽ tiếp tục có những đợt đổi mới, sửa đổi theo một vòng lặp chu kỳ như thể đó là tất yếu của phát triển. Và bài toán ngân sách dành cho việc sửa đổi SGK lại tiếp tục mang ra nghị trình Quốc hội thảo luận như chúng ta đã từng chứng kiến vị bộ trưởng có sự nhầm lẫn về con số trong lúc giải trình.

Một câu hỏi nữa, liệu rằng chúng ta có những giải pháp nào khác giải quyết dứt điểm tình trạng này hay ít ra chúng ta có thể học hỏi gì từ các quốc gia lân cận. Tôi thiết nghĩ rằng vấn đề SGK cần trả về bản chất của vấn đề là phương tiện giảng dạy và học tập chứ không phải là một hàng hóa dịch vụ. Chúng ta có thể học hỏi mô hình giáo dục các nước trong bối cảnh số hóa, chuyển đổi số, khi các cơ quan chức năng giáo dục công bố khung kiến thức, năng lực và chuẩn đầu ra, học liệu trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai. Người dân có thể truy cập vào kho học liệu chung của quốc gia để sử dụng thay cho việc in ấn đại trà như hiện nay. Những người có nhu cầu học bản in có thể lựa chọn mua sách giấy nếu cần, nhưng các đơn vị kinh doanh xuất bản phải tuân thủ các quy định như một dạng hàng hóa công phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo.

Giáo dục còn nhiều vấn đề hệ trọng hơn nhiều so với SGK, nhưng một thời gian khá dài chúng ta đã dành quá nhiều nguồn lực cho vấn đề này và chịu ảnh hưởng bởi các diễn ngôn về khủng hoảng giáo dục. Điều quan trọng là chúng ta muốn đào tạo ra những công dân như thế nào cho tương lai và ta phải thích ứng như thế nào với những đổi thay của xã hội khi quá trình số hóa đang diễn ra nhanh chóng? Việc kết nối internet đang mở ra những chân trời rộng lớn về mặt tri thức nhưng cũng cần những nhà giáo dục, quản lý giáo dục hoạch định được triết lý giáo dục, việc còn lại hãy để cho thầy cô giáo và người học cùng nhau trên hành trình tìm kiếm tri thức và trở thành những công dân tốt cho xã hội trong một thế giới luôn đổi thay.

Quốc Ngọc ghi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phia-sau-nhung-dien-ngon-ve-khung-hoang-giao-duc-35605.html