Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ở Yên Lạc

Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng mùa vụ, phát triển vùng sản xuất tập trung hàng hóa, đến nay, trên địa bàn huyện Yên Lạc đã hình thành hơn 40 vùng sản xuất trồng trọt tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị, thu nhập cho nông dân, thân thiện với môi trường, phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững.

Mô hình trồng cây phật thủ của gia đình ông Phan Văn Bình, xã Liên Châu (Yên Lạc) được cấp mã số vùng trồng nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lượng

Mô hình trồng cây phật thủ của gia đình ông Phan Văn Bình, xã Liên Châu (Yên Lạc) được cấp mã số vùng trồng nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lượng

Việc xây dựng, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Yên Lạc gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt đem lại hiệu quả rõ rệt.

Sản xuất lúa chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa thông thường trong cùng điều kiện canh tác, trung bình tăng từ 3-5 triệu đồng/ha, có nơi tăng 6-7 triệu đồng/ha, cá biệt tăng 20-25 triệu đồng/ha.

Nhờ sản xuất tập trung hàng hóa, nâng cao giá trị, thu nhập của người dân những năm gần đây tăng cao. Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm trên địa bàn huyện đạt 12.915,9 ha, bằng 102,3% diện tích theo kế hoạch; tổng sản lượng đạt 62.470,6 tấn.

Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 1.546,65 tỷ đồng, tăng 1,41% so với cùng kỳ; năng suất lúa đạt 62,2 tạ/ha, tăng 12,2% (đứng đầu tỉnh); năng suất ngô đạt 51,6 tạ/ha, tăng 6%; năng suất đậu tương đạt 21,2 tạ/ha, tăng 11,8%.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 11 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh; đăng ký mã số, mã vạch cho các sản phẩm OCOP và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ đưa 100% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Giai đoạn 2025-2030, Yên Lạc được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh và được tỉnh đồng ý bố trí 3 phân vùng các loại cây trồng.

Quy hoạch đảm bảo chỉ tiêu phân bổ của UBND tỉnh, đất lúa phân bố tập trung tại Yên Phương, Liên Châu, Đại Tự, Tam Hồng, Yên Đồng. Phát triển vùng trồng cây hằng năm quy mô 159 ha, phân bố tại Liên Châu, Hồng Châu, Đại Tự, Trung Kiên, Trung Hà, Nguyệt Đức, Văn Tiến. Các vùng cây ăn quả lâu năm tập trung tại Trung Kiên, Hồng Châu, Liên Châu và Đại Tự, cây trồng chính gồm chuối tiêu hồng, chuối tây, bưởi, mít, nhãn. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, phát triển vùng chăn nuôi tập trung 120ha, theo các mô hình chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, quy hoạch ngoài đê tả sông Hồng tại Liên Châu, Đại Tự, Hồng Châu và phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp tại Liên Châu, Yên Phương, Đồng Văn, Đồng Cương và Bình Định.

Kỹ sư Trần Gia Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Lạc cho biết: Năm 2025, huyện Yên lạc phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 1.574 -1.591,2 tỷ đồng, tăng từ 1,8 - 2,88% so với năm 2024.

Giải pháp phát triển vùng sản xuất tập trung hàng hóa của huyện tiếp tục gắn phát triển nông nghiệp với quy hoạch tỉnh, huyện đã được phê duyệt, đồng thời phát triển bền vững quy hoạch vùng.

Mô hình trồng ngải cứu lấy tinh dầu mở ra hướng đi mới cho nông dân xã Văn Tiến (Yên Lạc). Ảnh: Nguyễn Lượng

Mô hình trồng ngải cứu lấy tinh dầu mở ra hướng đi mới cho nông dân xã Văn Tiến (Yên Lạc). Ảnh: Nguyễn Lượng

Tiếp tục dồn thửa đổi ruộng, tích tụ ruộng đất, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện tích tụ ruộng đất, gom ruộng, thuê ruộng, tập trung khai thác và tận dụng lợi thế về đất đai, kết cấu hạ tầng đồng bộ để xây dựng và phát triển các vùng sản xuất trồng trọt chuyên canh quy mô lớn.

Có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho vùng sản xuất; duy trì khảo sát, đánh giá nhằm điều chỉnh cơ cấu giống, cây trồng phù hợp với từng vùng quy hoạch; mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ mới về giống, quy trình sản xuất tiên tiến, đẩy nhanh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, chế biến.

Chú trọng xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, huyện, các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt; cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc.

Tăng cường kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tích cực hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với vùng trồng trọt tập trung.

Đối với khu sản xuất tập trung được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác, huyện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, hệ thống điện, nước, hệ thống xử lý chất thải chung đến chân hàng rào, nhà điều hành, quản lý, bảo vệ chung cả khu nhằm mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Xuân Nguyễn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123814//phat-trien-vung-san-xuat-nong-nghiep-hang-hoa-tap-trung-o-yen-lac