Phát triển tín dụng tam nông theo hướng mới

Sau khi Nghị định 156/2025/NĐ-CP có hiệu lực, NHNN đã chủ động hoàn thiện khung pháp lý để hệ thống TCTD có cơ chế triển khai, duy trì ổn định hoạt động tín dụng ưu đãi, đồng thời mở rộng diện tiếp cận vốn cho các mô hình nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị.

Gỡ nhiều điểm nghẽn tín dụng nông nghiệp

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 156/2025/NĐ-CP (Nghị định 156) thay thế Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, NHNN đã chủ động xây dựng Thông tư hướng dẫn thi hành, đồng thời sửa đổi, thay thế nhiều văn bản quan trọng.

Trong đó, Thông tư số 10/2015/TT-NHNN (hướng dẫn cho vay theo Nghị định 55) được thay thế toàn diện; Thông tư 14/2018/TT-NHNN (về điều hành công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tín dụng nông nghiệp) và Thông tư 24/2017/TT-NHNN (trích lập dự phòng đối với tín dụng ưu đãi) cũng đang được sửa đổi để bảo đảm đồng bộ với luật pháp mới.

Theo nhận định của đại diện nhiều chi nhánh NHTM tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hệ thống văn bản mới đã tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về mặt thủ tục và cơ chế triển khai. Theo đó, điểm quan trọng nhất là hạn mức cho vay không có tài sản bảo đảm đã được nâng lên, hiện đã ở mức tối đa 300 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình và đến 5 tỷ đồng đối với hợp tác xã. Các tổ chức tham gia mô hình liên kết chuỗi có thể được vay tín chấp tới 80% tổng giá trị dự án…

Nghị định 156 cũng loại bỏ yêu cầu xác nhận đất đai từ chính quyền cấp xã, chuyển sang cơ chế thỏa thuận với ngân hàng, giúp rút ngắn thời gian thẩm định và hồ sơ. Ngoài ra, các khoản vay bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh có thể được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, không tính vào thu nhập dự thu - tạo điều kiện cho ngân hàng xử lý nợ phù hợp thực tiễn.

Theo NHNN, hiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 156 đang tích cực được hoàn thiện. Tại bản dự thảo mới nhất, các nội dung hướng dẫn cụ thể như: phân loại nợ, xác định đối tượng thụ hưởng, quy trình xác nhận thiệt hại, điều kiện cơ cấu nợ, hệ thống mẫu biểu, cơ chế báo cáo định kỳ… đều đã được chuẩn hóa theo hướng rõ ràng, minh bạch và dễ thực thi.

Đại diện một số TCTD cho rằng, trong dự thảo Thông tư mới, NHNN đã cụ thể hóa thành khá nhiều quy trình nghiệp vụ chi tiết. Chẳng hạn, hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả); quy định rõ thời gian được cơ cấu (tối đa 12 tháng với nợ ngắn hạn và 24 tháng với nợ trung, dài hạn) …

Ngoài ra, Thông tư dự kiến yêu cầu các TCTD phải ban hành quy trình nội bộ, phân quyền cụ thể giữa người phê duyệt khoản vay và người phê duyệt cơ cấu nợ để giảm thiểu rủi ro đạo đức, đồng thời gửi các quy trình này về NHNN để giám sát. Đây là điểm được nhiều ngân hàng đánh giá cao vì giúp vừa bảo đảm kiểm soát rủi ro vừa tăng tính chủ động trong thẩm định và giải ngân.

Cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đang được hệ thống ngân hàng thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng xanh hóa

Cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đang được hệ thống ngân hàng thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng xanh hóa

Nông nghiệp xanh là trọng tâm ưu đãi tín dụng

Theo đánh giá từ các chi nhánh NHTM tại khu vực phía Nam, các hướng dẫn trong dự thảo Thông tư được xây dựng sát với thực tiễn triển khai tín dụng nông nghiệp. Việc bổ sung danh mục đối tượng được hưởng ưu đãi (bao gồm mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp…) và phân định rõ trách nhiệm xác nhận thiệt hại từ chính quyền cấp xã thay vì cấp huyện được xem là bước điều chỉnh hợp lý theo tổ chức hành chính mới, đồng thời giúp ngân hàng có cơ sở pháp lý đầy đủ để xử lý linh hoạt khi khách hàng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Tại địa bàn các tỉnh Cà Mau, An Giang, theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng đến thời điểm cuối tháng 5/2025, tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp - nông thôn trên toàn khu vực đạt hơn 114.700 tỷ đồng. Các hoạt động cho vay nông nghiệp, nông thôn vẫn đang diễn ra bình thường, không có gián đoạn sau sáp nhập đơn vị hành chính.

Ông Trần Văn Soul, Giám đốc Agribank An Giang cho biết, các khoản vay cũ được chuyển tiếp ổn định, không phát sinh vướng mắc do điều chỉnh địa giới hành chính. Các khoản vay mới vẫn đang được giải ngân đều đặn nếu khách hàng đáp ứng đầy đủ hồ sơ, phương án sản xuất và có khả năng tài chính trả nợ.

Không chỉ duy trì ổn định tín dụng cũ, hiện nay tại nhiều địa phương khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long các ngân hàng đang mở rộng phạm vi cho vay theo đúng quy định của Nghị định 156.

Chẳng hạn, Agribank đang áp dụng cơ chế tín dụng riêng đối với các hợp tác xã. Theo đó, các mức vay tín chấp không tài sản bảo đảm có thể lên đến 3 tỷ đồng với HTX nông nghiệp, 2 tỷ đồng với HTX thủy sản và tới 80% giá trị dự án nếu tham gia chuỗi liên kết. Tại địa bàn Vĩnh Long, Long An (cũ) hiện dư nợ cho vay OCOP, sản xuất sạch, công nghệ cao, cho vay Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nuôi cá, trồng rau an toàn và phát triển mô hình tuần hoàn được thúc đẩy khá mạnh với dư nợ hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài Agribank, các ngân hàng khác như: MB, BIDV, HDBank, NamABank… hiện cũng đang chủ động bắt tay với các doanh nghiệp lớn trong ngành nông nghiệp để tài trợ các chuỗi giá trị theo mô hình sản xuất xanh - hiện đại. Đơn cử như MB đã giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng cho 2.000 hộ dân trồng mía tại Tây Ninh. NamABank đang triển khai chuỗi nuôi tôm công nghệ cao tại miền Trung - Tây Nam Bộ với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng. BIDV và VPBank cũng tài trợ hàng loạt dự án vùng nguyên liệu nông sản tại Đồng Tháp, Lâm Đồng, An Giang.

Như vậy có thể nói tín dụng lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đang có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh khi các Thông tư, văn bản hướng dẫn Nghị định 156 được NHNN ban hành. Với sự chủ động từ cả cơ quan quản lý, hệ thống ngân hàng và chính quyền địa phương, chính sách tín dụng ưu đãi nông nghiệp - nông thôn được dự báo sẽ tiếp tục là chính sách bám sát với thực tiễn tạo nền tảng để thúc đẩy dòng vốn xanh, gia tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-tin-dung-tam-nong-theo-huong-moi-166986.html