Phát triển tiếp nối thành phố Huế trở thành đô thị di sản

'Sống cùng di sản, tái tạo/tạo di sản: Việt Nam và Thế giới' là chủ đề hội thảo 'Kết nối với Việt Nam - Engaging With Vietnam (EWV)' lần thứ 14 diễn ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 1 - 6/8. Hội thảo do Tổ chức Kết nối với Việt Nam (EWV) phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, với 500 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Hội thảo "Kết nối với Việt Nam" gồm chuỗi các hội thảo học thuật thường niên, mỗi năm hội thảo tập trung sâu vào một chủ đề, bên cạnh các chủ đề khác phản ánh tính đa ngành và liên ngành của EWV. Hội thảo EWV lần thứ 14 tại Huế lần này tập trung vào chủ đề “Sống cùng di sản, tái tạo/tạo di sản: Việt Nam và Thế giới”. Hơn 500 đại biểu trong nước và quốc tế mang đến hội thảo khoảng 320 tham luận với 75 phiên gợi ý nhiều kinh nghiệm, giải pháp liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị, ứng xử với di sản…

Di sản Huế mang nhiều giá trị vô giá

Di sản Huế mang nhiều giá trị vô giá

Văn hóa xứ Huế - Thừa Thiên Huế, di sản văn hóa kinh đô Huế và xứ Huế nói chung là một hiện tượng lịch sử, đòi hỏi có sự tiệm cận hệ thống và đặc biệt hơn. Từ một cái nhìn tổng quát, tài nguyên - di sản Huế cấu thành bởi 3 thành tố, khăng khít trong một thể cho đến nay bao gồm: Di sản kiến trúc, trong cách hiểu mở; Di sản và vốn liếng hiện hữu của văn hóa kinh đô và xứ Huế; Đô thị - di sản.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc hội thảo

GS.TS KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra một số gợi ý lớn về hướng ứng xử tiếp theo với di sản văn hóa Huế, với di sản kiến trúc cung đình, chính thống và đô thị. Theo GS.TS Hoàng Đạo Kính, về phương diện di sản kiến trúc, nên có sự phân biệt rạch ròi giữa di tích và di sản. Di tích là những công trình ngưng đọng, cần bảo tồn và trùng tu theo quan điểm bảo lưu tính nguyên vẹn lịch sử. Di sản là những cấu trúc đô thị và nông thôn có giá trị lịch sử - văn hóa - kiến trúc và cảnh quan hầu hết đang trong quá trình sử dụng và cải tạo phát triển nên không thể ứng xử như với di tích đã được xếp hạng. Chúng cần được duy tu trong sự kết hợp bảo tồn - cải tạo - thích ứng và hiện đại hóa tương thích, theo chuỗi tiếp nối lịch sử.

GS.TS KTS Hoàng Đạo Kính phát biểu tại hội thảo.

GS.TS KTS Hoàng Đạo Kính phát biểu tại hội thảo.

GS.TS KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: “Trong quá trình phát triển thành phố Huế, chúng ta phải xây dựng quy chế đặc biệt cho việc duy trì, cải tạo vốn liếng đô thị của một đô thị thống nhất, đô thị di sản… Tôi tin rằng, chúng ta trong tầm tay của mình hoàn toàn khả thi trong việc bảo tồn, cải tạo, phát triển tiếp nối, hiện đại hóa thành phố Huế trở thành đô thị di sản”.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/bao-ton-cai-tao-phat-trien-tiep-noi-thanh-pho-hue-tro-thanh-do-thi-di-san-post1036465.vov