Phát triển sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao thu nhập

Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng điểm, không chỉ gắn với xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, trong thời gian qua, huyện Hạ Hòa đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm phát triển, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

HTX Nông nghiệp sản xuất và chế biến chè Yên Kỳ triển khai trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap cho năng suất, chất lượng cao.

Xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa được biết đến là địa phương có truyền thống trồng chè từ cách đây trên 100 năm. Tuy nhiên, trước kia bà con chủ yếu trồng chè theo tập quán cũ, năng suất, chất lượng thấp nên cây chè ở đây chưa được coi là thế mạnh để phát triển kinh tế. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Hạ Hòa, chính quyền địa phương và người nông dân đã mở hướng đầu tư, chế biến và phát triển thương hiệu Chè xanh Yên Kỳ.

Cụ thể, thông qua Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất và chế biến chè Yên Kỳ, vận động các hộ xã viên tham gia trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap, trồng các giống chè chủ yếu như: BH, chè Ấn Độ, chè lai LDT1, LDT2... cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, tập trung trồng giống chè LDT1 để xây dựng sản phẩm OCOP. Đây là giống chè do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc nghiên cứu và lai tạo, tuy năng suất kém hơn một số giống chè khác nhưng nước chè xanh, hương thơm, vị đượm, uống xong có vị ngọt nên được khách hàng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc HTX cho biết: HTX hiện có 35 hộ xã viên tham gia trồng hơn 12ha chè theo tiêu chuẩn Viet Gap. Chè xanh Yên Kỳ được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao từ năm 2020. Sau khi được công nhận, giá bán chè thành phẩm cũng tăng cao hơn trước. Nếu như trước kia chưa có bao bì, nhãn mác, chè được bán với giá 150 nghìn đồng/1kg thì nay 1kg chè đóng gói có giá khoảng 220 nghìn đồng.

Không chỉ tại HTX Nông nghiệp sản xuất và chế biến chè Yên Kỳ, tại Tổ hợp tác ong Đoàn Kết xã Gia Điền, việc tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP cũng đã giúp nghề nuôi ong của người dân nơi đây phát triển nhiều so với trước.

Ông Nguyễn Văn Kỷ - Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Tổ hợp tác được thành lập từ năm 2010 nhưng không được nhiều người biết đến. Năm 2020, sau khi sản phẩm mật ong Hương ngàn Đất Tổ được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ xúc tiến thương mại, các siêu thị trong và ngoài tỉnh thì điều kiện kinh tế của người nuôi ong mới khấm khá hơn. Đặc biệt, người nuôi ong không còn bị động trong sản xuất, kinh doanh mà đã chú ý đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Giá mật ong bồ đề được tổ hợp tác bán với giá giao động từ 150 - 200 nghìn đồng/lít tùy thời điểm, thị trường tiêu thụ khá ổn định nên đã giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Đồng chí Văn Thanh Quân - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Huyện Hạ Hòa hiện có 12 sản phẩm đăng ký và được công nhận là sản phẩm OCOP trong đó có bốn sản phẩm mới được bổ sung trong năm nay là: Bí xanh Văn Lang, Dưa lê Hàn Biển Xanh, Bí vua Hàn Quốc và Dưa leo Biển Xanh. Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương, có chất lượng, mẫu mã đạt từ hạng 3 sao trở lên, đáp ứng tốt các nhu cầu thị trường và có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế.

Sản phẩm mật ong Hương ngàn Đất Tổ, xã Gia Điền được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020.

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm OCOP của huyện Hạ Hòa còn gặp nhiều khó khăn do sản phẩm đặc trưng của các địa phương trên địa bàn ít, sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, ứng dụng vào sản xuất còn hạn chế, sản phẩm OCOP chỉ tập trung khai thác ở lĩnh vực nông nghiệp nên hiệu quả kinh tế chưa cao…

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, huyện sẽ tập trung khai thác các thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP như: Triển khai một số điểm trưng bày, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm ở một số khu, điểm du lịch như Khu Di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ, Đầm Ao Châu… Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Hội chợ làng nghề, các hội chợ trong và ngoài tỉnh kết hợp thúc đẩy giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử… Tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để các sản phẩm OCOP của huyện sẽ được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/phat-trien-san-pham-ocop-gop-phan-nang-cao-thu-nhap/187454.htm