Phát triển logistics phục vụ khu công nghiệp

Lợi thế lớn của Đồng Nai là giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, gần các cảng biển lớn, có nhiều khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động và tiếp tục phát triển thêm các khu khác. Do đó, số lượng doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu hàng hóa rất lớn, tạo cơ hội cho phát triển cảng, logistics.

Cảng Đồng Nai đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động logistics. Ảnh: V.Gia

Cảng Đồng Nai đang từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động logistics. Ảnh: V.Gia

Không nằm ngoài xu thế chung, các DN ngành logistics cũng đang đầu tư cho công nghệ, chuyển đổi số và xanh hóa việc cung ứng dịch vụ của mình.

Thị trường hấp dẫn

Đối với dịch vụ logistics, Đồng Nai đang nỗ lực đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ phụ trợ đảm bảo nhu cầu của nhà đầu tư một cách ổn định. Đồng thời, nguồn ngân sách đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cũng là lợi thế để Đồng Nai đẩy mạnh thu hút dịch vụ logistics.

Vì có nhiều tiềm năng cho logistics phát triển nên Đồng Nai thu hút một số DN lớn trong ngành này đầu tư vào. Khu ICD Tân Cảng Long Bình được đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2007. Đây là công ty thành viên của Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, đồng thời là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái cảng - logistics, chuyên cung cấp các dịch vụ cốt lõi như: cho thuê kho, bãi; đóng gói, dán nhãn hàng hóa; khai thuê hải quan; vận tải đa phương thức, phân phối… Đến nay, quy mô của ICD Tân Cảng Long Bình thuộc hàng lớn nhất trên địa bàn với 5 kho hàng, có tổng diện tích trên 600 ngàn m2 kho và 15 hécta bãi container, phục vụ nhu cầu cho DN tại các KCN trong khu vực.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển, kho bãi của các DN trong vùng. Ngành logistics sẽ có mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành dịch vụ của tỉnh.

Các tập đoàn nước ngoài cũng quan tâm đến đầu tư dịch vụ logistics để đón đầu sức hút từ Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Mới đây, trong chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc của tỉnh do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh dẫn đầu, Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án Logistics khu công nghệ cao Long Thành cho Tập đoàn Jeil E&C (Hàn Quốc). Dự án này được đầu tư tại KCN công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) với tổng vốn đầu tư 35,4 triệu USD, diện tích đất hơn 4 hécta.

Việc đầu tư dự án tại Đồng Nai của Tập đoàn Jeil E&C hứa hẹn tương lai phát triển mạnh mẽ của nhu cầu kho vận, phục vụ cho lĩnh vực giao hàng chặng cuối, phân phối bán lẻ, đặc biệt là thương mại điện tử của Đồng Nai, nhất là khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động vào năm 2026.

DN xanh hóa logistics

Đối với các DN kinh doanh dịch vụ logistics, xanh hóa trong hoạt động, ứng dụng công nghệ là điều quan tâm hàng đầu hiện nay. Công ty CP Tân Cảng Long Bình đã tập trung đầu tư mở rộng kho hàng, đón đầu nhu cầu khi hạ tầng logistics ngày càng hoàn thiện tại khu vực. Công ty chú trọng vào công nghệ quản lý đơn vị, kho hàng, khai thác dịch vụ tại kho, tại cảng cạn; các hạng mục theo định hướng cảng xanh, phù hợp xu thế phát triển.

Giám đốc Công ty CP Tân Cảng Long Bình Phan Anh Tuấn chia sẻ, ngày càng có nhiều khách hàng và đối tác kinh doanh đòi hỏi các DN thực hiện hoạt động logistics một cách bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Điều này đặt ra áp lực và động lực cho các DN phải chuyển đổi sang logistics xanh để duy trì và phát triển thị trường.

Tương tự, theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đồng Nai Trần Thanh Hải, Cảng Đồng Nai đã phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ trong vận hành, khai thác triển khai phần mềm cảng điện tử và chuyển đổi số (triển khai lệnh giao hàng điện tử, thông quan hải quan điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…). Cảng cũng cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà kho; chuyển đổi mô hình khai thác kho bãi truyền thống sang mô hình khai thác kho hiện đại; tập trung nguồn lực vào việc cải thiện hiệu quả quy trình sản xuất…

Giám đốc Công ty TNHH Kho vận Mekong (KCN Biên Hòa 2) Đặng Thị Bích Loan chia sẻ, công ty có 50 DN đối tác, trong đó phần lớn là đối tác nước ngoài trong KCN. Việc hợp tác với những đối tác lớn giúp cho công ty tích lũy được những kinh nghiệm, đổi mới quy trình làm việc, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc vận hành, cung ứng dịch vụ. Từ đó, Mekong mạnh dạn hơn trong đầu tư, hướng tới dịch vụ logistics chất lượng cao, mở rộng quy mô và năng lực phục vụ.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/phat-trien-logistics-phuc-vu-khu-cong-nghiep-ef33844/