Phát triển hệ thống dữ liệu số

Trong kỷ nguyên số, dữ liệu không chỉ là tài nguyên mà còn là động lực phát triển. Việc xây dựng, kết nối, khai thác và chia sẻ dữ liệu số (DLS) là yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, tỉnh đặt mục tiêu huy động sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân để phát triển hệ thống DLS linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với Chương trình CĐS quốc gia. Tỉnh hướng tới hoàn thiện nền tảng dữ liệu phục vụ xây dựng các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh, phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành CĐS trên nền tảng dữ liệu lớn, ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

Người dân thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cập nhật dữ liệu số cá nhân.

Người dân thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cập nhật dữ liệu số cá nhân.

Trong tiến trình CĐS, Nam Định đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, tạo nền tảng cho các sở, ban, ngành kết nối, chia sẻ thông tin trên một hệ thống tập trung. Một số cơ quan, địa phương đã chủ động phát triển, tích hợp dữ liệu để phục vụ xây dựng chính quyền số. Đặc biệt, việc khai thác CSDL quốc gia về dân cư trong Đề án 06 đã tạo nên một kho dữ liệu khổng lồ, mở ra cơ hội tối ưu hóa quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, quá trình CĐS tại các cơ quan Nhà nước vẫn chưa thực sự đồng bộ, chưa có sự chuẩn hóa dữ liệu và kết nối toàn diện. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác dữ liệu và làm chậm tiến trình CĐS của tỉnh.

Trước những thách thức đó, tỉnh đã nhanh chóng triển khai Đề án “Phát triển hệ thống DLS phục vụ CĐS tỉnh Nam Định đến năm 2030” với các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện kho DLS dùng chung của tỉnh; số hóa dữ liệu, tạo lập các CSDL và khai phá tiềm năng của DLS phục vụ CĐS, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh. Cung cấp dữ liệu mở thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng. Chuẩn hóa các nhóm dữ liệu đảm bảo kết nối, chia sẻ, ứng dụng CSDL quốc gia về dân cư, thúc đẩy trao đổi, chia sẻ, sử dụng, tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung được quản lý, vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định và được triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; 100% nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung; 50% nền tảng, hệ thống thông tin chuyên ngành được kết nối đến kho dữ liệu điện tử dùng chung, Cổng dữ liệu mở, Hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành tập trung của tỉnh thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh; 100% danh mục CSDL dùng chung, danh mục dữ liệu mở của các cơ quan Nhà nước đã được UBND tỉnh công bố được cập nhật vào kho dữ liệu điện tử dùng chung; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ DLS trên các hệ thống thông tin báo cáo; 100% CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; 20% các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung được thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến; 100% hệ thống thông tin, nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số được trang bị các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng và được phê duyệt hồ sơ cấp độ về an toàn thông tin.

Đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định dựa trên các công nghệ tiên tiến như nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, dữ liệu lớn, kết nối Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho CĐS và phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến. 100% các CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với kho dữ liệu điện tử dùng chung của tỉnh và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc. Xây dựng, hoàn thành 100% CSDL dùng chung, chuyên ngành của các cơ quan Nhà nước cập nhật vào kho dữ liệu điện tử dùng chung và kết nối, khai thác, tích hợp, chia sẻ thông tin với các CSDL quốc gia. 100% cơ quan Nhà nước mở và cung cấp dữ liệu đảm bảo chất lượng, đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả. 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; tối thiểu 80% dữ liệu về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính được tái sử dụng, chia sẻ theo quy định. Tích hợp kết quả xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức vào phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của từng đơn vị; tỷ lệ áp dụng dữ liệu trong phục vụ quản lý điều hành công việc trên môi trường số, trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức đạt tối thiểu 70%. 100% nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung được thí điểm triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Kết hợp khai thác sử dụng dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp trực tuyến, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính Nhà nước và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. 100% CSDL được triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin.

Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển hạ tầng dữ liệu; phát triển dữ liệu; phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu. Trong năm 2025, các sở, ban, ngành xây dựng ít nhất 1 Bộ CSDL thuộc ngành, lĩnh vực quản lý. Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục CSDL dùng chung và Danh mục dữ liệu mở của tỉnh; ban hành Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trên môi trường điện tử; xây dựng kho dữ liệu điện tử dùng chung, Cổng dữ liệu mở, Hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành tập trung; triển khai thí điểm việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, blockchain, và internet vạn vật... trên các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung; kết nối, tích hợp các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung tỉnh Nam Định, các hệ thống thông tin, phần mềm của Trung ương, địa phương khác.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Nam Định đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh đi đầu trong CĐS. Việc triển khai chiến lược phát triển DLS không chỉ giúp hiện đại hóa hoạt động hành chính mà còn mở ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư, thúc đẩy sáng tạo và phát triển bền vững, tạo nền móng vững chắc để bứt phá phát triển trong thời đại số.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202502/phat-trien-he-thong-du-lieu-so-f6d6e44/