Phát triển du lịch đường sông gắn làng nghề gạch gốm Mang Thít

Nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tỉnh Vĩnh Long có lợi thế lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với tham quan trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương. Trong đó, xây và phát triển 'Vương quốc gạch gốm' Mang Thít trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút du khách.

Phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù

Xác định tiềm năng, thế mạnh của địa phương về du lịch, Vĩnh Long đã tập trung định hướng phát triển loại hình du lịch “sinh thái sông nước miệt vườn” kết hợp tham quan trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương. Từ đó, tỉnh đã tập trung khai thác phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên những cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân, từng bước hình thành các khu, điểm du lịch.

Thời gian quan, ngành du lịch của tỉnh đã phát triển được các sản phẩm đặc thù như: xây dựng thương hiệu “Đệ nhất homestay” nhiều lần được nhận giải thưởng homestay ASEAN; ngôi nhà dừa được xây dựng từ 4.000 cây dừa đã được công nhận là “Nhà dừa Việt Nam” chỉ có ở Vĩnh Long; đưa nghệ thuật hát bội vào phục vụ du lịch với sản phẩm “Đốt đuốc lá dừa đi xem hát bội ở đình làng”; nhà gốm được xác lập kỷ lục là “Ngôi nhà được xây dựng bằng gốm đỏ Vĩnh Long” lớn nhất Việt Nam và con đường gốm đỏ Vĩnh Long được xác lập kỷ lục là “Đường gốm đỏ dài nhất Việt Nam”.

Đặc biệt, để phát triển du lịch đường sông gắn với tham quan trải nghiệm, tỉnh đang triển khai Đề án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm Mang Thít trở thành “Di sản đương đại”.

Ông Phan Văn Giàu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, tháng 12/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy “Di sản đương đại” Mang Thít, trong đó mục tiêu được đặt ra là vừa bảo tồn vừa phát triển làng nghề gạch gốm nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Vĩnh Long, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân ở làng nghề.

“Vương quốc gạch gốm” Mang Thít dọc theo kênh Thầy Cai, tỉnh Vĩnh Long.

“Vương quốc gạch gốm” Mang Thít dọc theo kênh Thầy Cai, tỉnh Vĩnh Long.

Làng nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống ở Vĩnh Long đã hình thành hơn 100 năm nay. Với hàng ngàn các lò nung trải dọc theo sông Cổ Chiên và tập trung nhiều nhất ở khu vực kênh Thầy Cai. Theo số liệu khảo sát của ngành chức năng, vùng quy hoạch Đề án xây dựng khu lò gạch, gốm Mang Thít với khoảng 1.400 lò nung, trong đó có hơn 800 lò còn nguyên vẹn. Tỉnh cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ góp phần tiếp sức, tạo sự đồng thuận để người dân trong vùng quy hoạch giữ nguyên hiện trạng các lò gạch để chờ đề án được triển khai thực hiện.

Sức hút của “Vương quốc lò gạch”

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch của tỉnh đã chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch đưa khách tham quan khung cảnh và trải nghiệm một số hoạt động sản xuất gạch, gốm, đồng thời tìm hiểu về làng nghề gạch gốm truyền thống trăm năm.

Bà Phạm thị Ngọc Trinh - Giám đốc Công ty du lịch Mekong Travel chia sẻ, xu hướng của khách du lịch hiện nay là vừa tham quan, vừa trải nghiệm, tận mắt chứng kiến và nghe kể lại những câu chuyện về văn hóa, đất và người Vĩnh Long, thưởng thức món ngon, đặc sản địa phương. Hiện trong chương trình tour của công ty, có bố trí phương tiện thủy đi dọc sông Cổ Chiên, ghé homestay, đến khu làng nghề gạch gốm Mang Thít để khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm; cùng trải nghiệm, tham gia thực hiện một số công đoạn của quy trình sản xuất gạch gốm đỏ Vĩnh Long.

Liên quan đến phát triển du lịch gắn làng làng nghề gạch gốm Mang Thít, ông Chung Hoàng Chương - Nghiên cứu viên cao cấp (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nêu lên gợi ý, khi thiết kế tour du lịch cần chú ý cho khách tham quan, trải nghiệm những khu lò gạch đang hoạt động, khu lò gạch ngưng hoạt động và điểm trưng bày sản phẩm gạch gốm kết hợp khu nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực đặc sản địa phương.

“Với những khu lò gạch ngưng hoạt động, theo thời gian đã phủ rêu phong cần sáng tạo xung quanh đó một không gian đón tiếp để khách ngồi nghỉ ngơi, thư giãn, cùng nhau thưởng thức những đặc sản quê hương. Đặc biệt, phía bên trong lò gạch có thể bố trí làm nơi trưng bày sản phẩm gạch gốm, cùng nghe người hướng dẫn kể lại chuyện làng nghề trăm năm, quy trình sản xuất ra một sản phẩm gạch gốm. Không gian bên trong lò gạch cũng có thể trở thành nơi chào hàng những sản phẩm gạch, gốm với mẫu mã mới, là cầu nối giữa chủ lò với các doanh nghiệp, doanh nhân đến tìm hiểu, kết nối, giao thương, mở rộng đầu ra cho sản phẩm ”, ông Chương nhấn mạnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phương án phát triển du lịch của tỉnh là thu hút, đầu tư xây dựng, phát triển khu du lịch mới tại các khu vực có tiềm năng. Thúc đẩy phát triển liên kết du lịch tại thành phố Vĩnh Long và vùng phụ cận; huyện Long Hồ với các huyện Mang Thít, Vũng Liêm; thị xã Bình Minh với các huyện Bình Tân, Tam Bình và Trà Ôn. Phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái miệt vườn tại các xã cù lao; bảo tồn và phát huy đặc trưng riêng có về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa của vùng Tây Nam Bộ nói chung và dọc sông Măng Thít tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Trong đó, tập trung bảo tồn, phát triển Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”.

Vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết thông qua Đề án Quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Theo đó, Khu lò gạch gốm Mang Thít được định hướng phát triển thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch cho tỉnh Vĩnh Long và khu vực ĐBSCL.

Tỉnh cũng đang tăng cường các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, quảng bá, lan tỏa hình ảnh gạch gốm Mang Thít, thúc đẩy xây dựng và phát triển hoạt động tham quan, trải nghiệm gắn với làng nghề gạch, gốm trở thành sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo của địa phương.

Hòa Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/phat-trien-du-lich-duong-song-gan-lang-nghe-gach-gom-mang-thit/20241112083456378