Phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPBGĐXH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng (Liên hiệp Hội), đồng thời cũng là trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KHCN) đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và vùng đất Nam Tây Nguyên nói riêng.
Ngày 14/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ngày 17/10/2014, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản giao cho Liên hiệp Hội chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện quyết định trên. Trên cơ sở đó, Liên hiệp Hội đã thành lập nhóm chuyên gia với hơn 100 nhà khoa học trên lĩnh vực KHCN. Hiện nay, Liên hiệp Hội có 39 hội thành viên, tổ chức KHCN, giáo dục - đào tạo thành viên với gần 11 ngàn cán bộ, hội viên từ các viện, trường như: Viện Nghiên cứu hạt nhân, Công ty Vắc xin Pasteur, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Khoa học Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Chính trị tỉnh... Đây là nơi hội tụ các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm phong phú. Đó là điều kiện thuận lợi trong việc tập hợp, phát huy tư duy sáng tạo, gắn kết đội ngũ trí thức trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Liên hiệp Hội, trong đó có hoạt động TVPBGĐXH.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động TVPBGĐXH, Liên hiệp Hội liên tục cập nhật những thông tin mới, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên gia, các cuộc gặp mặt trí thức KHCN nhằm giúp cho các nhà khoa học có thêm dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác.
Công tác TVPBGĐXH luôn được Liên hiệp Hội chú trọng, đẩy mạnh, tạo điều kiện để trí thức tham gia góp ý kiến khách quan, thẳng thắn và có chất lượng cao về những vấn đề hệ trọng liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, nhất là về KHCN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. Qua đó đã phản ánh ý kiến trung thực, khách quan, khoa học của trí thức khoa học và công nghệ đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án quan trọng về kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 5 năm qua, Liên hiệp Hội đã tổ chức nhiều hội thảo tư vấn, phản biện đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trong đó, đáng chú ý, hội thảo khoa học tư vấn “Đề xuất các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại TP Đà Lạt” đã đề xuất các nhóm nội dung thực hiện phân kỳ theo thời gian.
Ngoài ra, Liên hiệp Hội cũng đã tổ chức thành công các hội thảo tư vấn: “Giải pháp khôi phục và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc bản địa tại Lâm Đồng”, “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, “Những tác động của việc sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà kính đến môi trường, khí hậu và cảnh quan, môi trường TP Đà Lạt; đề xuất các giải pháp khắc phục điều chỉnh nhằm đảm bảo cho ngành Sản xuất rau, hoa phát triển một cách bền vững”, “Thực trạng và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh việc tập hợp, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức KHCN nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lâm Đồng”...
Tuy nhiên, hoạt động TVPBGĐXH của Liên hiệp Hội tỉnh cũng còn những hạn chế như: Số lượng các nhiệm vụ tư vấn phản biện chưa nhiều, chưa mang tính thời sự, chủ yếu là một số nhiệm vụ được UBND tỉnh giao trên cơ sở đề xuất của Liên hiệp Hội tỉnh; việc đề xuất tổ chức nghiên cứu, phản biện độc lập những chủ đề trọng tâm về kinh tế - xã hội, cơ chế chính sách, quy hoạch, đề án, chương trình của tỉnh còn hạn chế; các đề xuất thực hiện nhiệm vụ TVPBGĐXH của các tổ chức thành viên chưa thật sâu, sát những vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với việc phát triển kinh tế - xã hội; việc góp ý, phản biện về các chủ trương, chính sách về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, lý luận chính trị, văn hóa, môi trường chưa nhiều. Trong các hoạt động TVPBGĐXH mới chỉ chú trọng đến mảng tư vấn và phản biện, chưa quan tâm nhiều đến mảng giám định xã hội.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác TVPBGĐXH, thời gian tới, Liên hiệp Hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương xem xét, đề xuất thực hiện TVPBGĐXH đối với các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án quan trọng có tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoặc có liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; lựa chọn những nội dung phản biện có trọng tâm, trọng điểm, có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân để tổ chức các hội thảo tư vấn phản biện. Phát huy sự tham gia tích cực của các tổ chức thành viên, đặc biệt là sự tham gia của các ủy viên, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực đối với hoạt động phản biện xã hội. Bên cạnh đó, củng cố, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, chuyên ngành theo từng lĩnh vực, có uy tín về khoa học và có nhiều kinh nghiệm quản lý, tư vấn, thiết kế trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ.