Phát huy vai trò MTTQ Việt Nam trong tăng cường mối quan hệ, gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, là sự kiện chính trị quan trọng, diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ, nhằm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện đường lối chiến lược của Đảng về tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; từ đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị - xã hội rộng lớn, một trong những thành tố quan trọng không thể thiếu của hệ thống chính trị nước ta, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Gần một thế kỷ từ khi ra đời đến nay, Mặt trận luôn là chỗ dựa tin cậy của Đảng, là mối dây liên hệ, gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Nhân dân luôn ủng hộ Mặt trận, tin tưởng và ủng hộ chủ trương đoàn kết của Mặt trận. Ngược lại, Mặt trận không chỉ tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp quần chúng nhân dân mà còn luôn là chỗ dựa, gần gũi Nhân dân, ngày càng thấu lòng dân.

Chính sự gắn bó, đoàn kết, thấu hiểu đó đã tạo nên sức mạnh làm tiền đề để Mặt trận luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng cách mạng nước ta đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và hiện nay đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X tới đây là một sự kiện chính trị quan trọng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tầng lớp nhân dân. Đây là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại hoạt động, công tác Mặt trận nhiệm kỳ qua nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hơn nữa vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Mặt trận ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, làm tiền đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển, đổi mới đất nước.

Lịch sử tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Ra đời ngày 18/11/1930 với tên gọi Hội Phản đế đồng minh, đến nay tùy theo điều kiện lịch sử mỗi giai đoạn, Mặt trận đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Mặt trận thống nhất Nhân dân phản đế Đông Dương (1936), Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (1939), Việt Nam độc lập đồng minh hội (Việt Minh - 1941), Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên Việt (1951) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955) và hiện nay.

Tuy nhiên, dù tên gọi là gì thì quần chúng nhân dân bao gồm các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, người Việt Nam ở trong và ngoài nước luôn là lực lượng đông đảo nhất, mạnh mẽ và tích cực nhất ủng hộ Mặt trận. Nói cách khác, Nhân dân luôn đồng hành cùng Mặt trận, Mặt trận thì luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Chính nhờ sự gắn bó mật thiết đó mà lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, phát huy và phát triển, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm truyền thống dân tộc và những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Từ thủa ban đầu khi mới ra đời, chưa có tổ chức rộng khắp ở các địa phương, nói đến Mặt trận chủ yếu là Mặt trận phong trào, Mặt trận mang tính hiệu triệu. Tuy nhiên, đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động từ công nhân, nông dân, trí thức đến các tầng lớp khác như tư sản, địa chủ, phú hào… đã nhanh chóng ủng hộ Mặt trận để cùng với Đảng thực hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Chính các phong trào cách mạng mang tính quần chúng rộng rãi đấu tranh đòi các quyền cơ bản như tự do dân chủ, dân sinh ban đầu đó đã thúc đẩy phong trào quần chúng phát triển để rồi khi thời cơ đến, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập ra Việt Nam độc lập đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh - hình thức tổ chức Mặt trận có sức lan tỏa rộng rãi đầu tiên trong nhiều địa phương của cả nước.

Đây chính là điều kiện đưa phong trào cách mạng tiến dần tới những hình thức cao chuẩn bị cho đấu tranh khởi nghĩa vũ trang. Kết quả tất yếu là tổng khởi nghĩa vũ trang Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã nổ ra và thắng lợi vẻ vang, giành chính quyền trong phạm vi cả nước, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Tiếp theo là cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Pháp và xâm lược Mỹ đầy cam go, ác liệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có thêm những hình thức tổ chức và cả thay đổi về tên gọi cho phù hợp với yêu cầu của cách mạng. Dù vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn luôn tỏ rõ vị trí, vai trò của mình là trung tâm tập hợp, đoàn kết các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, các thành phần xã hội nói chung tham gia cùng với Đảng, Nhà nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi; thực hiện cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, để rồi 3 hình thức tổ chức Mặt trận là: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hợp nhất chung một mái nhà đại đoàn kết toàn dân tộc trong Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (1977) và thống nhất tiếp tục lấy tên gọi là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 19, Khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. ẢNH: KỲ ANH

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 19, Khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. ẢNH: KỲ ANH

Quá trình phát triển của cách mạng cũng là quá trình nhận thức của Đảng có những phát triển mới về đại đoàn kết toàn dân tộc, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã nêu và nhấn mạnh một trong bốn bài học kinh nghiệm lớn của Đảng “Trong toàn bộ hoạt động của mình Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”1.

Chính Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể nhân dân có vị trí, vai trò hết sức to lớn trong việc quy tụ, đoàn kết phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện nước ta chỉ có duy nhất một Đảng cầm quyền lãnh đạo thì việc củng cố, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được Đảng ta xác định không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của công cuộc đổi mới, là quyền thiêng liêng của mỗi một người dân. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hệ thống chính trị nói chung trong những năm đổi mới vừa qua đã có nhiều nỗ lực động viên sức mạnh toàn dân tham gia nhiều nhất vào công việc quản lý nhà nước và xã hội. Tập hợp xung quanh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động ngày càng tin yêu, ủng hộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bài học lớn về dân chủ nhằm phát huy tối đa nội lực, ý chí tự lực tự cường của Nhân dân; phát huy vai trò của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ công chức là kết quả minh chứng cho sự nỗ lực và thể hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cùng với phát huy dân chủ, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm động lực thúc đẩy phong trào của đông đảo quần chúng nhân dân, đáp ứng lợi ích thiết thực của Nhân dân, kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Đây là những vấn đề có quan hệ rất chặt chẽ tới công bằng xã hội, có tác động mạnh mẽ tới việc tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Do đó, để phát huy được vai trò là trung tâm đoàn kết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ tôn trọng mà còn đóng vai trò đại diện cho lợi ích chung và lợi ích từng giai cấp, tầng lớp quần chúng nhân dân trong xã hội. Chỉ khi thấu hiểu và góp công, góp sức chăm lo đến lợi ích Nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới thực sự có chỗ đứng trong lòng Nhân dân và được Nhân dân tin yêu, ủng hộ.

Trên cơ sở đổi mới nhận thức và hiệu quả thực tế, Đảng ngày càng tin tưởng và giao nhiều trọng trách hơn cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chống quan liêu, lãng phí; công tác giám sát và phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, chính quyền đều là những hoạt động tiêu biểu thời gian qua được Nhân dân ghi nhận.

Trong cuộc vận động dân chủ hóa, việc Mặt trận thay mặt Nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước do dân ủy quyền nhằm phát hiện để kiến nghị sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm; bổ sung chủ trương, chính sách, pháp luật là rất quan trọng. Nói cách khác, vai trò của Mặt trận ngày một rõ hơn trong việc tham chính, tham nghị, nhất là hướng các hoạt động về cơ sở, đông đảo quần chúng nhân dân để phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng quần chúng nhân dân; tập hợp ý kiến Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; sửa đổi pháp luật, cơ chế, chính sách. Làm được như vậy, Mặt trận đã đi từ dân chủ tới đoàn kết bằng những hành động và việc làm thiết thực chứ không chỉ là kêu gọi, hô hào chung chung vừa không thực chất, không đúng vai trò Mặt trận và cũng không đúng với sự mong đợi, tin cậy của quần chúng nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới đất nước 38 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn chủ động tích cực phối hợp với nhiều bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội khởi xướng và tham gia tích cực vào các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là các hoạt động hướng về người dân ở các khu dân cư, cộng đồng dân cư. Chính là thông qua hoạt động đa dạng, phong phú với tư cách là tổ chức liên minh chính trị - xã hội rộng lớn, mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh.

Vị thế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc. Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 25/5/2023 về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 nhận định: “Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; quan tâm phát huy quyền làm chủ, vận động Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…”.

Tuy nhiên, so với yêu cầu cách mạng, nhất là với tư cách tổ chức liên minh chính trị - xã hội rộng lớn có khả năng tập hợp, đoàn kết đông đảo nhất các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước tham gia vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước thì Mặt trận vẫn còn nhiều việc phải làm, yêu cầu đòi hỏi cũng phải cao hơn, nhiều hơn, “việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có mặt chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa cao…” là những nhắc nhở và định hướng rất quan trọng được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ ra cho hoạt động Mặt trận hiện nay cũng như những năm trước mắt.

Trong điều kiện đổi mới, phát triển đất nước, nhiệm vụ trọng tâm lớn nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là tập hợp, đoàn kết được đông đảo nhất mọi thành phần xã hội, kể cả những người còn chưa hiểu đầy đủ về Đảng ta, về công cuộc đổi mới đất nước và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy được tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc để đoàn kết mọi người Việt Nam tán thành công cuộc đổi mới, lấy mục tiêu chung: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng. Làm được như vậy cũng có nghĩa xã hội đã có sự đồng thuận. Sự đồng thuận càng cao thì đoàn kết giữa các thành viên trong xã hội, dân tộc, đất nước sẽ càng bền chặt, dù các thành viên trong xã hội có thể có nhiều sự khác nhau. Điều này càng đặc biệt quan trọng, càng nhân lên vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa các thành phần, giai tầng, lợi ích khác nhau. Nước ta lại là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Đây chính là lúc cần thiết phải phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa IX) cho thấy, Đảng ngày một tin tưởng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và định hướng “Tiếp tục cụ thể hóa việc phân công trách nhiệm giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị trên lĩnh vực kinh tế - xã hội cho phù hợp với thời kỳ mới. Giao cho Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đảm nhiệm một số mặt công việc có liên quan đến đời sống Nhân dân”2. Với tư cách là thành viên trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam muốn tập hợp, đoàn kết được đông đảo nhất các tầng lớp nhân dân trong xã hội, cần thể hiện được vai trò đại diện cho lợi ích chung của dân tộc, đồng thời là cầu nối gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

Nhiều năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia rất nhiều công việc là thể hiện trách nhiệm cao với dân tộc, đất nước. Trong thời gian tới, Mặt trận tiếp tục tập trung vào công việc chính là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc “Vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần “đảm nhận một số công việc” như Nghị quyết Hội nghị Trung ương bảy (khóa IX) của Đảng đã nêu. Theo đó, vai trò giám sát và phản biện xã hội; tập hợp ý kiến Nhân dân tham gia để góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; góp ý hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật; tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là những nhiệm vụ xác đáng và cần thiết. Vấn đề đặt ra là cách thức tổ chức thực hiện sao cho thực chất và có hiệu quả. Trong điều kiện nước ta có duy nhất một Đảng cầm quyền lãnh đạo thì sự tồn tại của Mặt trận và phát huy vai trò Mặt trận càng quan trọng và cần thiết.

Để làm tốt vai trò của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến thực hành dân chủ, gắn dân chủ với đoàn kết. Việc bảo đảm cho dân chủ và đoàn kết cùng được phát huy cũng chính là thực chất bảo đảm thực hiện quyền lực của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng Nhân dân, phát huy tính tích cực xã hội, sáng tạo của Nhân dân tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Dân chủ là khẳng định vị thế của người dân là chủ, được làm chủ. Với tư cách đại diện cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tôn trọng và nâng cao chất lượng thực hành nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động Mặt trận như Chỉ thị số 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Phát huy mạnh mẽ tính tự chủ, năng động, sáng tạo và tôn trọng nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động Mặt trận”.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, do Đảng lãnh đạo. Để Đảng thực sự vững mạnh là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lãnh đạo Mặt trận cần thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, với tư cách là thành viên của Mặt trận, Đảng cũng cùng thực hành và kết hợp thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng với nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong tổ chức và hoạt động Mặt trận.

Cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân động viên, tập hợp ý kiến đông đảo quần chúng nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng. Với tư cách là chủ thể tham chính, tham nghị, sự chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cần thiết, nhưng chính các cơ quan Đảng cũng phải chứng tỏ được nhu cầu cần tư vấn, phản biện của Mặt trận. Sự thấu hiểu, gắn bó giữa Đảng với Mặt trận, Mặt trận luôn được Nhân dân tin yêu, ủng hộ, Mặt trận làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, ngày càng thấu lòng dân chính là cơ sở vững chắc nhất làm tiền đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa sự nghiệp đổi mới của nước ta đi đến thành công.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Nxb. Sự thật, H. 1987, tr. 29.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2003, tr. 27.

Nguyễn Quang Du - Tiến sĩ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ

và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-huy-vai-tro-mttq-viet-nam-trong-tang-cuong-moi-quan-he-gan-bo-mat-thiet-giua-dang-nha-nuoc-va-nhan-dan-56633.html