Phát huy vai trò giám sát, xây dựng chế độ chính sách cho người lao động

Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã thành công tốt đẹp, tạo được ấn tượng đối với đoàn viên, người lao động Thủ đô. Trong nhiệm kỳ mới, công nhân, viên chức, lao động Thủ đô mong muốn các cấp Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, trong đó có nhân viên y tế và giáo viên mầm non.

Công đoàn tiếp tục phát huy hiệu quả công tác chăm lo

Tại Đại hội, các đoàn viên, người lao động đánh giá cao những kết quả Công đoàn Thành phố đã đạt được trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức Công đoàn Thủ đô đưa ra để thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Đại biểu chia sẻ ý kiến tại buổi thảo luận Tổ tại Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Đại biểu chia sẻ ý kiến tại buổi thảo luận Tổ tại Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Chia sẻ tại buổi thảo luận Tổ tại Đại hội, ông Trịnh Tố Tâm - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho biết: “Tôi đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức Công đoàn Thủ đô đưa ra để thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, trong đó nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Chúng tôi quan tâm đến nội dung Công đoàn tham gia góp ý xây dựng chế độ chính sách của người lao động, đây là nội dung rất quan trọng đối với hệ thống công đoàn. Các chính sách của Nhà nước đưa ra đều rất nhân văn, hướng về người lao động tuy nhiên còn một số chế độ chính sách pháp luật thiếu tính thực tiễn, chưa đáp ứng mong muốn của người lao động. Trong nhiệm kỳ mới mong muốn Công đoàn tham gia góp ý xây dựng các văn bản, quy phạm pháp luật đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động, Công đoàn có các đề xuất để các chính sách đến gần hơn với người lao động”.

Dẫn chứng thực tế từ ngành y tế, sau dịch Covid-19, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Các chính sách hỗ trợ rất nhân văn, kịp thời, tuy nhiên còn một số bất cập về các đối tượng được hưởng phụ cấp.

Cụ thể, trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, tất cả nhân viên y tế, kể cả nhân viên hành chính đều trực tiếp tham gia làm công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên khi chính sách ban hành thì những đối tượng đó không được thụ hưởng.

Thêm những chính sách đặc thù cho giáo viên mầm non

Đại diện cho đoàn viên, người lao động ngành giáo dục, ông Đỗ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đánh giá, Công đoàn đã làm rất tốt công tác đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Trong nhiệm kỳ mới, mong muốn Công đoàn phát huy vai trò tham gia giám sát, phản biện, cùng xây dựng chế độ chính sách, đặc biệt là chế độ chính sách cho nhà giáo. Trong đợt dịch Covid-19, các nhà giáo rất khó khăn, đặc biệt khối mầm non, thực tiễn mức lương của giáo viên mầm non thấp, do đó nhảy việc, bỏ việc nhiều.

Ông Đỗ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội chia sẻ tại buổi thảo luận Tổ tại Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Ông Đỗ Văn Nam - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội chia sẻ tại buổi thảo luận Tổ tại Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Phân tích rõ hơn những đặc thù riêng của giáo viên khối mầm non, ông Nam cho biết, theo Bộ luật Lao động năm 2019, nữ giáo viên mầm non 60 tuổi nghỉ hưu. Thực tế, do đặc thù, tính chất công việc, giáo viên mầm non thường phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ, kết thúc thời gian làm việc muộn khi trẻ đã được gia đình đón hết. Trong suốt thời gian của buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức, thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em hiếu động...

Điều đó đòi hỏi giáo viên cần sức khỏe tốt, phản xạ nhanh. Đối với giáo viên mầm non, tuổi cao sức khỏe suy giảm, không còn nhanh nhẹn để bảo đảm được chất lượng chăm sóc, giáo dục, do đó tuổi nghỉ hưu theo quy định không phù hợp với giáo viên mầm non. Công đoàn ngành cũng đã vào cuộc, mong muốn Công đoàn Thành phố có những kiến nghị để xem xét giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non.

Cùng chung kỳ vọng, bà Bùi Thu Hiền - Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non chất lượng cao Việt - Bun cho biết: Trong nhiệm kỳ trước, công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, người lao động đã được các cấp Công đoàn làm rất tốt. Bước sang nhiệm kỳ mới, mong muốn Công đoàn Thủ đô sẽ quan tâm nhiều hơn nữa tới đoàn viên, người lao động, đặc biệt là quan tâm đến đội ngũ đoàn viên là thầy cô giáo tại các trường mầm non.

“Trên thực tế, giáo viên mầm non là ngành có sự vất vả nhưng chế độ lương, thưởng so với mặt bằng chung vẫn còn hạn chế. Nếu có chế độ đặc thù, chính sách hỗ trợ nhiều hơn sẽ tạo động lực để giáo viên mầm non yên tâm công tác, cống hiến với nghề. Bên cạnh đó, tôi mong muốn, hoạt động Công đoàn sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hơn nữa thông qua các chế độ an sinh xã hội, hỗ trợ đột xuất cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn”, bà Bùi Thu Hiền kỳ vọng.

Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra trong 2 ngày (16 - 17/10), với tinh thần trách nhiệm cao, khoa học, tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, là ngày hội lớn của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn Thủ đô.

N.Hoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-vai-tro-giam-sat-xay-dung-che-do-chinh-sach-cho-nguoi-lao-dong-161761.html