Phát huy 'sức mạnh mềm' nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Công tác đối ngoại - ngoại giao được đánh giá có vai trò là 'sức mạnh mềm' giúp kiến tạo cơ hội, thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước. Do đó, trong bối cảnh đất nước đang hướng đến kỷ nguyên 'vươn mình', đòi hỏi cần phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong của đối ngoại để phục vụ đắc lực cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín, tầm vóc mới của đất nước.

Công tác đối ngoại có đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Ảnh minh họa: nhandan.vn

Công tác đối ngoại có đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Ảnh minh họa: nhandan.vn

Nhiều dấu ấn đối ngoại nổi bật

Nhìn lại “bức tranh” đối ngoại năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - cho biết, trong năm qua, mặc dù môi trường thế giới có nhiều biến động, song Việt Nam vẫn tiếp tục nổi lên là một “điểm sáng” về hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước có vai trò quan trọng của công tác đối ngoại, thể hiện qua nhiều hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đạt kết quả tích cực.

Cụ thể, đối ngoại cấp cao diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và đạt nhiều kết quả thực chất. Lãnh đạo chủ chốt của đất nước đã tiến hành 60 hoạt động đối ngoại và đạt được nhiều kết quả có tầm quan trọng chiến lược, lâu dài, nhất là việc nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các đối tác chủ chốt và đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Trong năm 2024, Việt Nam đã thiết lập và nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, đồng thời ký kết hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

“Điều này một mặt thể hiện sự năng động, chủ động của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, mặt khác cho thấy sự coi trọng của các nước đối với giá trị, vai trò địa chiến lược của Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn với Việt Nam” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Trên bình diện đa phương, Việt Nam ngày càng khẳng định năng lực, vai trò và trách nhiệm của mình trước những vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, trong năm 2024, Việt Nam lần đầu tiên đề xuất và tổ chức thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF); lần đầu tiên được chọn đăng cai Lễ ký Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng trong năm 2025 (Công ước Hà Nội). Những sự kiện này một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.

Công tác ngoại giao kinh tế cũng có nhiều đột phá, góp phần tạo thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước, nhất là ngoại giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong năm 2024, Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), nâng tổng số hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia lên 17 FTA, đồng thời tích cực thúc đẩy đàm phán FTA với các thị trường tiềm năng như Mercosur, Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA)…

Đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác đối ngoại, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, trong năm qua, đối ngoại tiếp tục được nâng tầm và là điểm sáng trong tổng thể các thành tựu năm 2024, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội chiến lược, môi trường thuận lợi để tăng tốc, phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên thịnh vượng, phồn vinh.

Từ góc độ Bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá, năm 2024, ngành ngoại giao đã đạt được nhiều thành tựu từ khai thác các xu hướng công nghệ, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Lãnh đạo Việt Nam đã triển khai hàng hoạt hoạt động ngoại giao về công nghệ, là cầu nối cho chuyển giao công nghệ với các nước trên thế giới, nâng cao năng lực nghiên cứu trong nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các nỗ lực ngoại giao đã tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, hợp tác với các tập đoàn công nghệ toàn cầu, góp phần định hình vị thế của đất nước trong lĩnh vực công nghệ chiến lược…

Trong năm 2024, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Australia, Pháp và Malaysia; nâng cấp lên Đối tác chiến lược với Brazil và thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Mông Cổ, UAE. Theo đó, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước và tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác.

Phát huy vai trò đối ngoại đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Năm 2025 là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc ta, là năm kỷ niệm 80 năm thành lập nước và 50 năm thống nhất đất nước, năm cuối quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời cũng là năm bản lề bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, đất nước đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, đặt ra những nhiệm vụ mới cho ngành ngoại giao.

Theo đó, nhiệm vụ bao trùm của công tác đối ngoại trong năm 2025 là tiếp tục kế thừa các mục tiêu, nguyên tắc, phương châm, phương thức đối ngoại đã được khẳng định trong chặng đường 80 năm của nền đối ngoại, ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Đồng thời, trước những biến chuyển to lớn của thời đại đòi hỏi công tác đối ngoại phải có những đổi mới căn bản để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới.

“Từ bài học của các nước đi trước, của các “con rồng, con hổ” châu Á, trong giai đoạn bứt phá, nhiệm vụ của đối ngoại là làm thế nào để định vị đất nước vào vị thế tối ưu trong các xu hướng, trào lưu phát triển chính của thế giới; khơi thông, kết nối hợp tác với các đối tác hàng đầu trong những lĩnh vực đột phá, chiến lược” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Nêu định hướng cho công tác đối ngoại trong năm 2025, trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị ngành ngoại giao cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại trong giai đoạn tăng tốc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với các hướng đi mới, cách làm mới đột phá.

Song song với đó là kịp thời nhận diện và tranh thủ những động lực phát triển mới có tính dẫn dắt, những xu hướng đang định hình thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; các lĩnh vực tạo đột phá như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…; hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới đổi mới sáng tạo và chuỗi sản xuất toàn cầu…

Đặc biệt, ngành ngoại giao cần phát huy hơn nữa “sức mạnh mềm” của dân tộc để lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh một đất nước đang “vươn mình”; không chỉ huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà cao hơn là kết nối Việt Nam với thế giới, vun đắp tình hữu nghị với các quốc gia, gia tăng vị thế, ảnh hưởng của đất nước, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề của khu vực và toàn cầu./.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-huy-suc-manh-mem-nang-cao-vi-the-viet-nam-tren-truong-quoc-te-37897.html