Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực nhà nước, là chỗ dựa vững chắc, là nguồn sức mạnh to lớn của Đảng. Trong bài viết Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đảng phải huy động cho được toàn bộ trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh thời đại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Kiên định lập trường, quan điểm và thực hành 'dân là gốc', 'Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới'; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; bảo đảm mọi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của đổi mới, phát triển, được sống hạnh phúc trong môi trường an ninh, an toàn, không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X. (Ảnh: DUY LINH)

Đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X. (Ảnh: DUY LINH)

Thực tiễn trong gần 40 năm đổi mới đất nước cho thấy, đường lối đổi mới của Đảng được hình thành có một phần từ sự sáng tạo trong lao động, ý chí vượt qua khó khăn của nhân dân ta. Chỉ đạo của Tổng Bí thư một lần nữa khẳng định mục tiêu cao cả và cụ thể của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ chính là việc Đảng ta luôn chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao, toàn diện của nhân dân.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Tổng Bí thư cũng nhiều lần khẳng định ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Trong các nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn chú trọng phát huy vai trò của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào mọi mặt công tác của Đảng, trong đó có việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội nhất là đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng. Vẫn còn tình trạng e ngại hay lợi dụng dân chủ trong phản ánh, góp ý trực tiếp với cấp ủy, tổ chức đảng về biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; một số kiến nghị, phản ánh của nhân dân chưa được xem xét thấu đáo, kịp thời.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu ưu tiên trong kỷ nguyên mới, trước tiên cần chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị về vị trí, tầm quan trọng, nhiệm vụ cụ thể của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tăng cường đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng.

Từng cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc công tác dân vận, tập trung giải quyết kịp thời những bức xúc và kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đa dạng hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vận động quần chúng nhân dân, đoàn kết, tập hợp hội viên, đoàn viên và các giai tầng trong xã hội tham gia hiệu quả các phong trào thi đua, chăm lo và cải thiện đời sống của nhân dân.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đồng thời gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; chú trọng các cơ chế, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để đông đảo người dân tham gia, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo việc làm, đẩy mạnh học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại hạnh phúc cho mọi người dân.

Châu Thanh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-huy-suc-manh-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-post847766.html