Phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 1/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai.
Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Trong thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng;…
Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, do đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề như: Tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18 cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm sự phù hợp trong quy định về trường hợp thu hồi đất giữa dự thảo Luật và Hiến pháp.
Cũng trong phiên sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện dự thảo Luật về một số nội dung như: tên gọi, khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị cấm; đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền; nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phân loại thách thức xử lý đối với các kết quả đánh giá rủi ro; tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của từng loại khách hàng…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.
Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững
Trong phiên làm việc chiều 1/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 12 chương, 111 điều trong đó: bãi bỏ 3 điều, sửa đổi 65 điều, bổ sung 49 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012, bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua với nội dung chính gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Tại thảo luận tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững. Tuy nhiêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc thể chế hóa một số chính sách còn chung chung, chưa cụ thể, vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa các chính sách bảo đảm quy định thống nhất với các luật có liên quan, phù hợp với quy định tại dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng thủ dân sự, nhiều đại biểu nhất trí rằng, thực tiễn công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố thời gian qua cho thấy cần phải có các biện pháp, hoạt động khi xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp. Các biện pháp này cần được luật hóa để có cơ sở pháp lý và được thực hiện thống nhất, đồng bộ. Qua tham khảo kinh nghiệm các nước đều rất coi trọng công tác phòng thủ dân sự và đã ban hành thành đạo luật riêng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, theo dự thảo luật, cấp độ phòng thủ dân sự được quy định thành 4 cấp. Về quy định thẩm quyền công bố, ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự là cần thiết nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tạo sự chủ động, linh hoạt và sát với tình hình thực tiễn khi xử lý thảm họa, sự cố, nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cho phù hợp để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi.