Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đề ra (*)

Sáng 30-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (mở rộng) lần thứ mười hai để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong quý I và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho quý II năm 2023. Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân tích, làm rõ thêm nhiều vấn đề trong dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy (báo cáo dài 24 trang).

Điều phấn khởi sau 3 tháng triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2023, chúng ta có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện đạt và vượt tiến độ so với Nghị quyết và tăng so với cùng kỳ năm 2022:

Đó là: Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển ổn định; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,99%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,63%; lĩnh vực dịch vụ đạt kết quả khá tích cực với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 19.586 tỷ đồng, tăng 9,1%; lượng khách du lịch đến tỉnh tăng mạnh với 179 ngàn lượt, tăng 81,4%, trong đó khách quốc tế 11 ngàn lượt, tăng 4,2 lần và khách nội địa 168 ngàn lượt, tăng 104,4%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 7.673 tỷ đồng, tăng 10,4%; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tăng 74,7%; đã thu hút được 3 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 249 tỷ đồng. Phát triển mới 225 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 1.584 tỷ đồng, tăng 22,5% về vốn đăng ký. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2.723 tỷ đồng, tăng 7,9% (đạt 26,5% so với Nghị quyết năm), trong đó thu nội địa 2.668 tỷ đồng, tăng 8,1%; chi đầu tư phát triển 1.852 tỷ đồng, tăng 87,8% (đạt 35% so với Nghị quyết năm).

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang diễn ra vào sáng 30-3. Ảnh: THỦY HÀ

Đó là: Đã hoàn thành việc thu hồi các nhà ở công vụ bố trí không đúng đối tượng theo quy định; tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng cơ sở mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cầu Vàm Cái Thia; khởi công xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm soát bệnh tật tỉnh, cầu Vàm Giồng; tiếp tục triển khai thực hiện Dự án Cầu Mỹ Thuận 2, Cầu Rạch Miễu 2, Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh, Đường tỉnh 864, các cống ngăn mặn, Khu Công nghiệp Bình Đông... theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Đó là: Công tác tổ chức Tết cổ truyền của dân tộc được đảm bảo chặt chẽ, thiết thực, an toàn và tiết kiệm, được dư luận nhân dân đánh giá cao; các chính sách trong dịp Tết được thực hiện kịp thời, đầy đủ đến từng đối tượng, mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết trong không khí đầm ấm, an lành. Công tác phòng, chống dịch và phòng, chống hạn, mặn luôn được quan tâm; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xử lý kịp thời các sự việc phát sinh ngay từ đầu và ngay tại cơ sở, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp, nhất là trong những ngày nghỉ tết.

Đó là: Thực hiện tốt công tác tuyển quân, giao quân theo kế hoạch, đạt 100% chỉ tiêu. Công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội được tăng cường; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hoạt động của Công an xã tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở (đến nay, chúng ta đã bố trí 789 Công an chính quy về 142 xã công tác; bình quân mỗi xã có từ 5 - 6 Công an chính quy); đã đấu tranh triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm, đối tượng phạm tội hình sự, kinh tế, ma túy, cho vay lãi nặng (điển hình là vụ cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt - đây là nhóm đối tượng tội phạm có tổ chức, hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản tại tỉnh và ở các tỉnh, thành khác). Trật tự an toàn giao thông được đảm bảo; so với cùng kỳ năm 2022, tai nạn giao thông đường bộ giảm cả 3 tiêu chí: Giảm 43,7% số vụ (giảm 55 vụ), giảm 46,2% số người chết (giảm 42 người), giảm 23,2% số người bị thương (giảm 13 người).

Đó là: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể luôn được chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức, bộ máy và hiệu quả hoạt động. Việc thực hiện dân chủ đối với các loại hình ở cơ sở tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Vai trò, phương thức lãnh đạo của nhiều tổ chức đảng, của cấp ủy được phát huy tốt, gắn với việc ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang diễn ra vào sáng 30-3.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng còn một số khó khăn, hạn chế cần sớm có phương án, giải pháp khắc phục:

Một là: Giá vật tư nông nghiệp, thức ăn thủy sản ở mức cao đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân; một số nơi ở các huyện phía Tây nông dân tự phát chuyển đổi cây lúa, cây ăn trái khác sang trồng cây sầu riêng dẫn đến nguồn cung vượt cầu, sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nông nghiệp và vấn đề an ninh lương thực.

Hai là: Việc thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia nên nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh; lãi suất cho vay tăng đã tạo áp lực cho doanh nghiệp về trả lãi và thanh toán các khoản nợ đến hạn để duy trì hoạt động và sản xuất.

Ba là: Kim ngạch xuất khẩu giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ tăng 35%); một số doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh do chưa có đơn hàng mới nên sản xuất cầm chừng, giảm giờ làm hoặc ngưng sản xuất, xuất khẩu; các nước nhập khẩu thì ngày càng siết chặt yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc là thách thức đối với việc duy trì và mở rộng vùng trồng xuất khẩu.

Thứ tư là: Bệnh sốt xuất huyết diễn biến bất thường với số ca bệnh tăng cao (đã xảy ra 1.054 ca sốt xuất huyết, tăng 890 ca so với cùng kỳ năm 2022); tình trạng đình công, lãn công, tập trung đi khiếu kiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan cấp tỉnh vẫn còn xảy ra.

Năm là: Công tác cải cách hành chính tuy có quan tâm nhưng ở một số khâu vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa được cải thiện nâng cao. Kỷ luật, kỷ cương và ý thức trách nhiệm, tính nêu gương đối với công việc của một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa tốt, còn không ít trường hợp vi phạm phải xử lý kỷ luật. Chất lượng sinh hoạt của một số tổ chức đảng còn hạn chế; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở có nơi chưa đảm bảo.

Chúng ta đã xác định năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng, có tính quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các đồng chí cần phải phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, xác định rõ hơn những công việc trọng tâm, những công việc cần ưu tiên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được đề ra trong dự thảo báo cáo của Tỉnh ủy (có 21 nhiệm vụ), trong đó, cần lưu ý mấy việc:

Thứ nhất: Theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến xâm nhập mặn; vận hành tốt các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh; nâng cao hơn nữa khả năng phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Thường xuyên chỉ đạo củng cố, nâng chất các tiêu chí theo quy định mới tại các xã đã được công nhận xã nông thôn mới; hướng dẫn, hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu và huyện Cái Bè, huyện Châu Thành đạt nông thôn mới trong năm 2023.

Thứ hai: Tập trung hoàn thiện Quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện các quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đầu tư công trung hạn và việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở các ngành, các lĩnh vực. Tiếp tục triển khai thực hiện theo lộ trình các đề án tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp; phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Thứ ba: Tích cực, chủ động triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển; rà soát lại tất cả các công trình, các dự án để có sự sắp xếp hợp lý, ưu tiên trong đầu tư và trong triển khai thực hiện; cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh và của mỗi địa phương (các đồng chí phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong chỉ đạo, điều hành để sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2023).

Thứ tư: Đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình các dự án chuyển tiếp; khẩn trương hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu và sớm triển khai thi công các dự án khởi công mới. Tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu thi công, tổ chức triển khai thi công Dự án Đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; tăng cường phối hợp đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh để sớm hoàn thành như: Dự án Nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), Cầu Mỹ Thuận 2, Cầu Rạch Miễu 2. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt.

Thứ năm: Công an tỉnh chủ động phối hợp với lực lượng Quân sự, Biên phòng duy trì nghiêm lực lượng thường trực, chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với các tình huống xấu về an ninh, trật tự; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, các lực lượng nghiệp vụ có kế hoạch, phương án phòng ngừa, kịp thời tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, nhất là trong dịp lễ 30-4, 1-5 (phải có phương án, kế hoạch phòng, chống, triệt phá các băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê với hình thức khủng bố, cưỡng đoạt tài sản; tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; tội phạm về ma túy...). Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông; chủ động bố trí lực lượng điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông và đua xe trái phép.

Thứ sáu: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống dân vận, mặt trận và các đoàn thể, nhất là ở cơ sở trong công tác vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc của người dân ngay tại cơ sở, không để phát sinh điểm nóng. Tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng, dư luận thông tin trên báo chí đối với các công trình, dự án đã và đang triển khai thực hiện để có giải pháp định hướng, xử lý kịp thời nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ chủ chốt và của cán bộ, đảng viên.

Thứ bảy: Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; công tác phát triển đảng viên mới phải đảm bảo về số lượng và chất lượng. Triển khai thực hiện nghiêm túc chuyên đề năm 2023 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị” (Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã mời Giáo sư Hoàng Chí Bảo về nói chuyện chuyên đề này vào ngày 31-3 và sẽ được thực hiện trực tuyến đến các chi, đảng bộ cơ sở). Thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở, gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực (công tác kiểm tra, giám sát của chúng ta đã được thực hiện tốt, nhưng vấn đề cần lưu ý là việc kiểm tra công vụ, kiểm tra công việc của cán bộ, công chức, viên chức ngay tại cơ quan, địa phương mình nhiều nơi bị buông lỏng). Lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt nội dung tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở (nhiệm kỳ 2020 - 2025), gắn với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị theo Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Ủy ban nhân dân tỉnh; các huyện, thành, thị ủy tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện sau hội nghị của Tỉnh ủy. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, thành, thị cùng tham dự và chủ trì, chỉ đạo hội nghị của cấp huyện.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các đồng chí, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy tổng hợp đầy đủ và có văn bản báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.

Đồng chí NGUYỄN VĂN DANH,

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang

* Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202303/phat-huy-hon-nua-tinh-than-doan-ket-trach-nhiem-tap-trung-lanh-dao-chi-dao-thuc-hien-cac-nhiem-vu-de-ra--974858/