Phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số

Tân Sơn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 82,4%, chủ yếu dân tộc Mường, Dao... Mỗi dân tộc nơi đây đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Vì vậy việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng.

(baophutho.vn)- Tân Sơn có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 82,4%, chủ yếu dân tộc Mường, Dao... Mỗi dân tộc nơi đây đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo. Vì vậy việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa cộng đồng.

Tân Sơn là địa phương có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số (DTTS), đặc trưng là di sản văn hóa truyền thống với nét văn hóa độc đáo như: diễn xướng chàm Đuống và hát Ví, hát Rang, múa Sinh Tiền và múa Khèn… Ngoài ra có 3 di tích lịch sử văn hóa là: Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong (xã Minh Đài), chùa Giác Sơn (xã Thu Cúc), Đền Cửa Théng (xã Thạch Kiệt). Cùng với đó, nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của các dân tộc trong huyện tiếp tục được bảo tồn như: Nét ẩm thực độc đáo: Cỗ lá, xôi ngũ sắc, rượu hoẵng, cơm lam… Các nghi lễ mừng cơm mới, mở cửa rừng, văn hóa nhà sàn của đồng bào Mường, lễ Lập Tĩnh, tết Nhảy, Cầu mưa của đồng bào Dao...\

Đánh cồng chiêng – nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, huyện Tân Sơn

Thực tế cho thấy công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Việc đầu tư cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa còn hạn chế nhất định. Công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia giữ gìn văn hóa dân tộc chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực là người dân tộc, các nghệ nhân lâu đời ngày càng giảm dần, số còn lại rất ít...

Ông Trần Văn Giang - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Cùng với sự giao lưu, giao thoa, hội nhập văn hóa, các loại hình di sản văn hóa truyền thống không được tổ chức truyền dạy bài bản, không có sách vở ghi chép chính thống, lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền miệng; việc tổ chức sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa còn giản đơn, chưa khoa học. Số người biết diễn xướng chàm Đuống, múa Khèn, hát Ví, hát Rang (theo các điệu cổ) chưa nhiều, chưa đều khắp ở các địa phương, có nguy cơ do bị mai một.

Trước những khó khăn đó, nhiều năm qua, những hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn, phát huy được giá trị vốn có, nguyên gốc được chú trọng tổ chức. Việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa đã được quan tâm. UBND huyện đã xây dựng kế hoạch Bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn giai đoạn 2019-2025 và thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai các công tác bảo tồn.

Biểu diễn múa khèn dân tộc Mông tại các ngày hội lớn

Đến nay, toàn huyện có 17 đội văn nghệ quần chúng, 145 CLB hát Ví, hát Rang và chàm đuống; 26 CLB múa chuông và sinh tiền, 1 CLB múa và thổi khèn… Huyện cũng đã xây dựng được giáo án truyền dạy với hát Rang, hát Ví (điệu cổ) bằng tài liệu, video cùng với tổ xây dựng giáo án mà nòng cốt là các nghệ nhân ưu tú loại hình dân gian của tỉnh và nghệ nhân ưu tú của huyện như cụ Hà Thị Sóng (xã Lai Đồng)… Cùng với đó, tổ chức lớp tập huấn truyền dạy hát Ví, hát Rang cấp huyện với 121 thành viên bao gồm các nghệ nhân dân gian, giáo viên, học sinh các trường Tiểu học, THCS, THPT…

Cùng với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các xã gìn giữ bảo tồn các nhà sàn truyền thống người dân tộc Mường, cải tạo, nâng cấp cảnh quan môi trường điểm du lịch cộng đồng tại xã Xuân Sơn với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như hát Rang, hát Ví, múa ống, đánh cồng chiêng, đâm đuống… để phục vụ các du khách về tham quan Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh các xây dựng điểm du lịch cộng đồng tập trung ở hai xã Xuân Sơn (11 Homestay) và Long Cốc (04 Homestay); mô hình này đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổ chức phi Chính phủ AOP hướng dẫn xây dựng; qua đó phát huy hiệu quả bảo tồn nét văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn và đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc gắn với việc khai thác tiềm năng về du lịch trên địa bàn huyện, thời gian tới, huyện tập trung các giải pháp cụ thể trong từng giai đoạn. Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về bảo tồn, phát triển văn hóa tiêu biểu; huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, từ xã hội hóa; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí mua sắm, phục chế các loại hình văn hóa vật thể, trang phục dân tộc, mở các lớp tập huấn khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một cho di sản văn hóa thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với việc xây dựng nông thôn mới.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-ton-giao/202108/phat-huy-gia-tri-van-hoa-dac-sac-cua-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-178825