Phát huy giá trị các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam

Ngày 3/11, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam) với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, tổ chức Hội nghị thường niên Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam và Hội thảo khoa học về 'Phát huy giá trị các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam phục vụ phát triển bền vững'.

Cù lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ảnh minh họa: Trọng Đạt/TTXVN

Đại diện các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực đa dạng sinh học tại Việt Nam dự sự kiện.

Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, việc quản lý hiệu quả các khu dự trữ sinh quyển thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến mới để phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội, văn hóa và môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nỗ lực xây dựng các chính sách và khung pháp lý để tăng cường hơn nữa việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Đã có nhiều sáng kiến, mô hình thành công trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên được triển khai và nhân rộng trên khắp các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại nước ta.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, chỉ đứng sau Indonesia về số lượng các Khu dự trữ sinh quyển tại khu vực Đông Nam Á. Kết cấu sinh thái của các khu dự trữ sinh quyển này là điều kiện không thể thiếu đối với cuộc sống của không chỉ hàng triệu người dân Việt Nam mà còn của vô số các loài động thực vật đặc hữu. Việc thúc đẩy vai trò và giá trị của chúng trong việc điều hòa khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và sự chung sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên có tầm quan trọng đặc biệt trong việc hoạch định chính sách quốc gia.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, cho biết, Hội nghị thường niên Mạng lưới các Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới của Việt Nam là dịp để 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam nhìn lại một năm hoạt động, rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như cùng nhau định hướng hoạt động cho giai đoạn tiếp theo. Trong những năm tới, Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam định hướng xây dựng khung cơ cấu quản lý thống nhất, phát triển nhãn sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thúc đẩy du lịch sinh thái, kinh tế xanh và phát triển sinh kế cho người dân địa phương nhằm góp phần giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quản lý bền vững các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm đáng kể từ các bên liên quan, trong đó có UNDP và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) với các đóng góp quan trọng trong các nỗ lực này. Trọng tâm của các hỗ trợ này là thúc đẩy khả năng phục hồi môi trường và hỗ trợ sinh kế địa phương trước những thách thức ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu. UNDP tại Việt Nam đã và đang hỗ trợ thúc đẩy cải thiện quản lý các khu dự trữ sinh quyển và các khu bảo tồn, huy động tài chính cho đa dạng sinh học, du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động khác.

Hoàng Nam (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/phat-huy-gia-tri-cac-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-tai-viet-nam-20231103175642361.htm