Phát huy các giá trị di sản, tạo sản phẩm mới trong lĩnh vực văn hóa

Chiều 26/10, Đoàn giám sát số 2 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Thị ủy Sơn Tây về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII và Nghị quyết số 09-NQ/TU.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Đoàn giám sát do Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn. Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; đại diện các Ban Đảng Thành ủy, sở, ngành Thành phố và thị xã Sơn Tây.

Quan tâm quy hoạch, tu bổ tôn tạo di tích

Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Hán cho biết: Triển khai Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, Thị ủy đã ban hành 24 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Sơn Tây có nhân cách tốt, lối sống đẹp, đoàn kết, sáng tạo, thanh lịch, văn minh.

Thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến tại buổi làm việc

Thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến tại buổi làm việc

Thị ủy Sơn tây đã triển khai tuyên truyền được triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức, gắn với yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó đã tạo được chuyển biến quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, được đông đảo tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thị xã tích cực hưởng ứng, tham gia, góp phần từng bước đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về vị trí, vai trò xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và công nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, công tác quy hoạch, tu bổ tôn tạo di tích được quan tâm. Thị xã tích cực triển khai lập hồ sơ và nghiên cứu, mời các chuyên gia nhiều kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn và phát huy một số di tích gắn với phát triển dịch vụ, du lịch Thị xã Sơn Tây như: Đền Và, Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ... Công tác đầu tu tu bổ, tôn tạo di tích thực hiện (theo Nghị quyết số 02 và Nghị quyết số 37 của HĐND TP) đầu tư công trung hạn 2021-2025, thị xã Sơn Tây được cân đối đầu tư 24 dự án với tổng mức đầu tư 1.194,936 tỉ đồng; đã thực hiện đầu tư 4 dự án từ ngân sách thị xã với tổng số vốn giai đoạn 2021-2025 là 13,844 tỉ đồng.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại buổi giám sát

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại buổi giám sát

Để bảo tồn các di tích có giá trị trên địa bàn, Thị ủy, UBND thị xã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện công tác lập hồ sơ, đề nghị xếp hạng các di tích có giá trị của địa phương. Từ 2021 đến nay, thị xã đã xếp hạng 5 di tích cấp TP và nâng cấp xếp hạng 3 di tích cấp Quốc gia, 1 nghệ nhân được công nhận Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, Thị xã cũng luôn tạo điều kiện, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo và phát huy trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, tình yêu Sơn Tây của đội ngũ văn nghệ sỹ trên địa bàn, Hội văn nghệ sỹ xứ Đoài…

Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với đầu tư cho kinh tế-xã hội

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sơn Tây cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như, đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội; công tác phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch còn hạn chế; việc nâng cấp, xếp hạng để phát huy giá trị di tích còn khó khăn; phát triển hạ tầng du lịch dịch vụ, các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm… trên địa bàn còn chậm…

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát và lãnh đạo thị xã đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung: Việc kiểm tra giám sát đối với việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy; thực trạng và giải pháp đối với những chỉ tiêu còn khó khăn như công tác đào tạo nghề, thiếu thiết chế văn hóa cơ sở, trường đạt chuẩn quốc gia; quy hoạch phát triển du lịch…

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Trong đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, thị xã Sơn Tây nên có mục tiêu lớn, chương trình, đề án cụ thể, từ đó cân đối nguồn lực, đồng thời lập quy hoạch chi tiết để phát triển văn hóa có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó khai thác được các thế mạnh của địa phương, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, cấp ủy, chính quyền thị xã Sơn Tây đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU và Chương trình 06-CTr/Tu đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo sản phẩm mới trong lĩnh vực văn hóa; kết hợp với các chương trình khác như phát triển du lịch, đô thị để phát triển thị xã một cách năng động, văn minh.

Đại diện Thị ủy Sơn Tây phát biểu tại buổi làm việc chiều 26/10

Đại diện Thị ủy Sơn Tây phát biểu tại buổi làm việc chiều 26/10

Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Thị ủy Sơn Tây cần quán triệt và triển khai có hiệu quả các nội dung của Chương trình 06-CTr/TU, kể cả đối với các cơ quan của thị xã trong hệ thống chính trị, cấp cơ sở, thôn, tổ dân phố, phải xác định rõ quan điểm văn hóa là nhiệm vụ cần triển khai thường xuyên, liên tục. Trong đó, phải bám sát vào phương hướng, mục tiêu trong nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hào hoa, gắn với tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của văn hóa xứ Đoài.

Đồng thời, nên có các đề án tổng thể chuyên đề phát triển văn hóa xứng tầm; nghiên cứu xây dựng quy hoạch và có kế hoạch phát triển đồng bộ, lâu dài. Tập trung triển khai công tác tu bổ, tôn tạo các di tích đã được phê duyệt. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai và tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong phát triển văn hóa.

Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-cac-gia-tri-di-san-tao-san-pham-moi-trong-linh-vuc-van-hoa.html