Phát hiện bến cảng 2.400 tuổi chôn vùi dưới biển Đen
Cuộc khai quật dưới nước đầu tiên ở biển Đen đã tiết lộ tàn tích của Kerpe, một bến cảng trù phú suốt các thời kỳ La Mã, Byzantine và Genoa.
Theo Ancient Origins, cuộc khai quật di tích Kerpe ở biển Đen đã bắt đầu từ năm 2020 và đến nay các nhà khảo cổ đã thu thập được một bộ sưu tập hiện vật phong phú, tiết lộ cuộc sống sôi động ở một trong các bến cảng quan trọng nhất thời cổ đại.
Thương cảng này gắn liền với một thị trấn cổ, nơi nhóm khảo cổ từ Bảo tàng Kocaeli (Thổ Nhĩ Kỳ) tìm được các hiện vật có niên đại lên tới 2.400 năm tuổi.
Kerpe đã tồn tại xuyên qua thời kỳ Đế chế La Mã, Byzentine và Genoa, là điểm dừng chân quen thuộc của tàu bè trên biển Đen thời cổ đại.
Theo bài giới thiệu trên tạp chí khảo cổ Anatolian Archaeology, cảng Kerpe cũng là thương cảng quan trọng trong việc cung cấp gỗ và nhiên liệu cho thành phố Istanbul trong thời Đế chế Ottoman.
Rất tiếc sau 1.500 năm tấp tập, bến cảng này đã chìm dưới sóng biển.
Để tiếp cận tàn tích Kerpe, đội khai quật đã lặn xuống địa điểm cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 80 km, độ sâu 4 m, nơi các hiện vật rải rác trên diện tích khoảng 2.000 m2, bao gồm 2 phần của bến tàu cổ.
"Chúng tôi tin rằng bến cảng cực kỳ có giá trị trong việc nhấn mạnh mối quan hệ thương mại giữa phương Đông và phương Tây từ thời cổ đại đến thời kỳ Ottoman ở biển Đen" - các nhà khảo cổ cho biết trong một thông cáo.
Các hiện vật từ Kerpe cổ đại sẽ được trưng bày tại một triển lãm mang tên: "Bến cảng im lặng của biển Đen: Kalpe". Trong đó, vịnh Kalpe là cách người dân cổ đại ở nơi đây gọi biển Đen.
Triển lãm sẽ bao gồm một loạt hiện vật đại diện cho cuộc sống của người dân cũng như hoạt động thương mại trong khu vực, bao gồm các cổ vật cực kỳ quý giá như bình amphorae có niên đại tận thế kỷ IV trước Công nguyên, đồ gốm tráng men đỏ, xác tàu đắm...