Phật giáo Mông Cổ và truyền thống bảo vệ môi trường

Ngay từ khi Phật giáo được thực hành ở Mông Cổ, các tín ngưỡng bản địa đã được điều chỉnh và phủ lên mình giáo lý của từ bi tâm và sự giải thoát nhưng vẫn phù hợp với bối cảnh tự nhiên và xã hội Mông Cổ.

La Sơn Phúc Cường tổng hợp

Phật giáo là tôn giáo chính ở Mông Cổ từ thế kỷ 13 cho đến đầu thế kỷ 20. Trên thực tế, một số bằng chứng khảo cổ học chứng minh Phật giáo đã hiện diện ở Mông Cổ vào thế kỷ 11, ít nhất là hai thế kỷ trước khi Thành Cát Tư Hãn lên nắm quyền.

Đến đầu thế kỷ 20, tư liệu ghi chép lại, có hơn một nghìn chùa, tự viện và quần thể các điện thờ Phật giáo ở Mông Cổ. Ulaanbaatar được gọi là Ikh Khuree, có nghĩa là "quần thể tự viện vĩ đại” và là trụ xứ của Pháp chủ Javzandamba Khutagt. Tuy nhiên, do những biến cố chính trị trên phạm vi toàn thế giới, kể từ cuối những năm 1930, tại Mông Cổ, việc thực hành Phật giáo đã bị cấm, các ngôi chùa bị đóng cửa và tàn phá rất nhiều. Hầu hết các nghi lễ và lễ hội Phật giáo đều bị cấm hoặc bị thế tục hóa, các kinh văn Phật giáo bị hủy hoại hoặc phải cất giấu. Tới những năm 1960, mặc dù quyền tự do tôn giáo được đảm bảo trong Hiến pháp Mông Cổ nhưng vẫn chỉ có những sự khoan dung rất hạn chế đối với các hoạt động tôn giáo.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Năm 1970, Đại học Phật giáo Mông Cổ mở cửa trở lại, cho phép nghiên cứu Phật giáo Mông Cổ. Một số chư tăng đã hoàn thành các khóa học và đóng góp vào sự hồi sinh của Phật giáo ở Mông Cổ và Buryatia lân cận kể từ năm 1990. Kể từ khi Hiến pháp năm 1992 phê duyệt quyền tự do thực hành tôn giáo của người dân thì các ngôi chùa, tự viện mới được trùng tu và chư tăng xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của người Mông Cổ. Hơn 200 tự viện và các địa điểm tôn giáo khác đã mở cửa trở lại, với sự hồi sinh to lớn nơi chính người dân. Hầu hết người Mông Cổ ngày nay tham dự các nghi lễ tôn giáo, khi thực hiện các vấn đề trọng đại trong đời sống đều xin thỉnh cầu những lời hướng đạo từ các lạt-ma thông tuệ, giống như truyền thống ông bà tổ tiên của họ đã từng làm.

Phật giáo tiếp tục trở thành tôn giáo chiếm đa số ở Mông Cổ ước tính 1,5 triệu phật tử trên tổng số gần 3 triệu người dân. Khoảng 40% dân số không theo tôn giáo nào nhưng trên thực tế hầu hết đều có tình cảm và nguồn gốc gia đình theo Phật giáo. Chỉ khoảng 10% còn lại theo các tôn giáo khác như Hồi giáo (khoảng 4%), Công giáo và những tín ngưỡng Shaman.

Theo Niên giám thống kê Mông Cổ, đến năm 2005, có hơn 157 ngôi chùa và tự viện Phật giáo trong cả nước, ngoài ra có 7 nhà thờ Hồi giáo và 6 chính điện khác thuộc về các tôn giáo khác. Thống kê năm 2005 cũng cho biết có khoảng 2349 tăng, ni, 223 linh mục và giáo sĩ Công giáo, 349 giáo sĩ Hồi giáo và 06 giáo sĩ tôn giáo khác.

Hiện nay thống kê ước tính có khoảng 100 ngàn người Hồi giáo (chủ yếu là người Sunni) ở Mông Cổ, phần đa số sống ở phía tây đất nước, và ước tính có 120 ngàn tín đồ Công giáo. Hầu hết các nhà thờ Công giáo đều nằm ở Ulaanbaatar, trong khi hầu hết nhà thờ Hồi giáo và giáo sĩ hiện diện ở khu vực phía tây của đất nước.

Gần một nửa số tăng, ni Mông Cổ cư trú tại 27 ngôi chùa và tự viện ở thủ đô Ulaanbaatar, trong khi 130 tự viện còn lại phân bổ khắp các địa phương. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử Mông Cổ, cộng đồng chư ni được thành lập, chủ yếu cư trú tại thủ đô Ulaanbaatar.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ngày nay bối cảnh thế giới đã thay đổi, cộng đồng Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới thuận tiện hơn trong sự tương tác và giao lưu với nhau. Chư Tăng Mông Cổ rất thuận lợi ra nước ngoài để tu học - chủ yếu là đến Ấn Độ, nơi các vị có thể thọ nhận được các giáo lý từ Mật Tạng. Một số tổ chức Phật giáo hiện đang hiện diện tại Mông Cổ để giúp phục hồi Phật giáo: đáng chú ý như Quỹ Phục hưng Mật Tạng có trụ sở tại Vương quốc Anh, tổ chức phi chính phủ Asral và Quỹ Bảo tồn Truyền thống Đại thừa. Các hoạt động bao gồm tài trợ cho việc tu học của chư tăng ni Mông Cổ và Ấn Độ, xuất bản các kinh văn Phật giáo và các sách luận giảng giúp cho phật tử dễ tiếp cận hơn với triết lý Phật giáo và thúc đẩy các hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường ở Mông Cổ.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Các truyền thống tín ngưỡng bản địa của Mông Cổ vẫn ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, với khoảng 4% người Mông Cổ chính thức đăng ký là người theo tín ngưỡng bản địa. Nhiều triết lý các tín ngưỡng này đan xen và hòa quyện trong các pháp thực hành Phật giáo.

Bồ đề tâm và Mật Tạng

Phật giáo Đại thừa Mông Cổ chịu ảnh hưởng phần lớn bởi triết lý Từ bi, Bồ đề tâm và các phương pháp thực hành từ Mật Tạng, đồng thời giữ lại một số hình thức của các tín ngưỡng bản địa. Bát Chính đạo là một trong những giáo lý cốt lõi trong Phật giáo Mông Cổ. Bát Chính đạo coi tất cả chúng sinh đều có tiềm năng đạt được giác ngộ (hay “Phật tính”), và do đó mọi hình thức của sự sống đều phải được tôn trọng. Những giáo lý cốt lõi khác là tâm từ bi với mong nguyện giúp tất thảy chúng sinh vượt hoát khổ đau và có niềm an lạc đích thực.

Bát Chính đạo là con đường chấm dứt khổ đau bao gồm: trau dồi trí tuệ (thông qua việc thực hành hiểu biết và động cơ chân chính), rèn luyện hành vi đạo đức (thông qua lời nói, hành động và sinh kế chân chính) và kỷ luật tinh thần (thông qua nỗ lực, chính niệm và chính định chân chính). Đây là con đường mà chư tăng, ni, phật tử và cả những ai mong muốn thực hành có thể ứng dụng trong đời sống, trong các hoạt động thiện nguyện, trong bảo vệ môi trường, hỗ trợ công lý và thúc đẩy giáo dục cũng như các sáng kiến phát triển xã hội.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Bồ tát là những hình mẫu của việc nuôi dưỡng và đưa tâm từ bi vào đời sống. Hai vị Bồ tát phổ biến ở Mông Cổ là đức Quán Thế âm và Kim Cương thủ. Bồ tát Quán Thế âm là Bồ tát của tâm từ bi và Bồ tát Kim Cương thủ là Bồ tát của uy lực, dũng mãnh và can trường.

Ngay từ khi Phật giáo được thực hành ở Mông Cổ, các tín ngưỡng bản địa đã được điều chỉnh và phủ lên mình giáo lý của từ bi tâm và sự giải thoát nhưng vẫn phù hợp với bối cảnh tự nhiên và xã hội Mông Cổ. Ví dụ, y áo của chư tăng được dệt đặc biệt dầy và ấm để chống lại cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông, nhiều nghi lễ tụng kinh, trì chú và nghi thức nghi lễ có nhiều điểm khác biệt so với Phật giáo Mật tạng.

Phật giáo Mông cổ sử dụng khăn choàng nghi lễ khadag màu xanh là chủ yếu, khác với khăn choàng màu vàng và trắng được sử dụng phổ biến ở Tây Tạng. Điều này liên quan đến việc thờ cúng Thiên đường vĩnh cửu của các pháp sư tín ngưỡng bản địa thường tán thán và dâng lễ vật bằng dây màu xanh. Tương tự như vậy, các nghi thức tại các thánh địa và các thần linh bảo hộ tại đây không bị loại trừ mà được luận giải theo ý nghĩa Phật giáo. Nhiều thần linh bản địa được quy phục, trở thành hộ trì cho Phật giáo. Những viên đá thiêng xếp hình tháp, vốn là truyền thống của tín ngưỡng bản địa, nay vẫn được tôn kính và thờ phụng trong Phật giáo Mông Cổ.

Có một tín ngưỡng phổ biến trước khi Phật giáo phát triển tại Mông Cổ là tôn trọng môi trường tự nhiên thông qua việc kính ngưỡng những ngọn núi, dòng sông hay các vùng thung lũng là thiêng liêng. Đây là nền tảng để các bộ tộc có những sắc lệnh cấm các hoạt động như săn bắn hoặc khai thác gỗ tại những vùng đất linh thiêng. Giống như ở Tây Tạng, Phật giáo Mông Cổ đã dung hòa một số truyền thống tín ngưỡng bản địa này, đồng thời đưa những triết lý về tình thương, vô ngã và giải thoát gắn liền với chúng. Học giả Phật giáo O. Sukhbaatar đã viết trong ấn phẩm Sacred Sites of Mongolia do Ngân hàng Thế giới/ARC bảo trợ vào năm 2002 rằng: “Tôn kính, kính sợ và tuân theo các sơn thần, long vương và thổ địa giúp con người bảo vệ môi trường tự nhiên một cách thiết thực.” “Nhưng những triết lý này không chỉ được thực hiện để bảo vệ thiên nhiên, mà vì mọi người thực sự tin tưởng sự hiện diện và hộ trì của chư thần linh, Bồ tát, Hộ pháp. [Những truyền thống này] trở thành món quà tuyệt vời nhất của Mông Cổ trong quá khứ cho đến hiện tại”.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Vào thời kỳ đầu, nhiều truyền thuyết, lời cầu nguyện và chuyện ở Mông Cổ đề cập cụ thể đến mối quan hệ hài hòa của con người với thiên nhiên. Tất cả các yếu tố của thiên nhiên đều được coi là một phần không thể thiếu trong tổng thể thống nhất của thế giới. Vì vậy, đối với người Mông Cổ, bầu trời xanh là cha còn mặt đất là mẹ của họ. Rất nhiều quy tắc sống hài hòa với môi trường tự nhiên được thiết lập trong suốt chiều dài lịch sử như tránh đào xới đất ở một số thánh địa, tránh làm ô nhiễm sông suối, chặt cây, phá hủy rễ cỏ, tránh làm nhiễu hại nơi ở của động vật và giết hại động vật một cách không cần thiết. Người ta cho rằng việc phá vỡ những điều cấm kỵ này sẽ mang lại bất hạnh lớn cho những người liên quan cũng như gia đình và cộng đồng của họ. Phật giáo Mông Cổ dung hòa các quan niệm này và đưa những giáo lý giải thoát nơi các tín ngưỡng.

“Người Mông Cổ tin tưởng rằng đời sống con người có sự phụ thuộc chặt chẽ với môi trường tự nhiên.” O. Sukhbaatar viết. “Ngay cả hạt bụi cũng được tôn trọng, vì người ta tin rằng thế giới này được tạo ra chỉ từ một hạt bụi. Chư tăng ni thời xưa và cả bây giờ đều đi lại rất cẩn trọng để không làm tổn hại mạng sống của cả loài côn trùng. Ngoài ra còn có nhiều thần thức trong hư không vẫn chưa tìm được thân mới; họ có thể bị hại khi con người vung tay quá nhanh.” N. Batsaikhan tại tự viện Dashchoilin chia sẻ.

Trong khi Phật giáo ở Mông Cổ đã hệ thống hóa các hoạt động sinh thái lành mạnh trước đây, thì đồng thời cũng có sẵn những phong tục riêng của mình. Chư tăng, ni theo truyền thống được dạy yêu thương và bảo vệ các loài động vật hoang dã và sử dụng nguồn lực từ môi trường một cách phù hợp. Phật giáo Đại thừa nhấn mạnh sự tôn trọng không chỉ đối với tất cả chúng sinh mà còn đối với không gian sống của họ. Theo quan niệm về luân hồi và tái sinh, con người khi kết thúc đời sống này, do nghiệp lực, họ có thể tái sinh thành bất kỳ loài động vật nào, bao gồm cả côn trùng hoặc thành cây cối hoặc sông nước. Do đó, con người không được làm ô nhiễm, gây hại hoặc lấy đi mạng sống bất kỳ yếu tố nào trong đời sống. “Làm tổn hại bất kỳ yếu tố nào trong môi trường tự nhiên đều mang lại quả ác cho con người vì họ có thể đọa lạc thành bất kỳ yếu tố nào trong tương lai”, N. Batsaikhan của Tu viện Dashchoilin giải thích.

Nói một cách đơn giản, mỗi chúng sinh đều từng là cha mẹ của chúng ta trong một kiếp sống nào đó, và do đó chúng ta không được làm tổn thương bất kỳ ai trong số họ. Tất nhiên, các phật tử có cách tiếp cận mềm dẻo và thực tế với cuộc sống, bởi vì xã hội Mông Cổ là du mục nên thịt và các sản phẩm từ sữa thường là những thực phẩm chính duy nhất, và do đó thường có rất nhiều trong chế độ ăn của tự viện. Phật giáo Mông Cổ nhấn mạnh đến mối tương tác giữa tất cả các yếu tố của tự nhiên - cả trong thế giới hữu hình và vô hình. Theo Da Lama Bayambajav thuộc tự viện Gandan, triết học Phật giáo "dạy chi tiết về thế giới hữu tình và vô tình, và mối quan hệ giữa hai thế giới". Theo tín ngưỡng Phật giáo, các vấn đề về môi trường xuất phát từ tâm si mê và tham lam của con người.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ngoài ra, lòng tham của con người là vô hạn - nhưng môi trường thì có hạn – nên giới luật trong Phật giáo đã điều chỉnh hành vi và dòng tâm thức này. “Phật giáo dạy rằng không được giết mẹ của động vật còn non hoặc chặt cây non. Đây là lời khuyên rất thiết thực về môi trường". Phật giáo chỉ rõ những quả nghiệp của con người với môi trường thông qua giáo lý nhân - quả. Ví dụ, theo Panchen Otrul Rinpoche thuộc trung tâm Phật giáo Asral, ngay cả điều kiện thời tiết tốt hay xấu đều là kết quả của cộng nghiệp thiện hay ác từ các hành động do một cộng đồng thực hiện. Rinpoche giải thích rằng lòng tham và mọi cảm xúc tiêu cực khác cuối cùng sẽ gây hại, và việc không nhận ra hậu quả của các hành động tiêu cực đối với môi trường sẽ dẫn tới đủ loại khổ đau và bản thân các thảm họa môi trường cũng có tác động ngược trở lại đối với đời sống con người.

Thánh địa

Thánh địa linh thiêng với những rặng núi, dòng sông và không gian tự nhiên khác đều được tôn kính là nơi linh thiêng hoặc vì đó là những nơi cư ngụ của thần linh. Những địa điểm tự nhiên này trong suốt chiều dài lịch sử tới nay vẫn được đối xử với sự tôn trọng tối đa và được bảo vệ bởi nhiều quy định chặt chẽ. Ví dụ, không được chặt cây trong phạm vi gần thánh địa hoặc không săn bắt động vật hoang dã.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Một số địa điểm linh thiêng được tôn kính là nơi trú ngụ của các bậc thầy tâm linh - những người thường có hình dạng vật lý rất giống với ngọn núi. Ví dụ, ngọn núi Bogd Khaan ở phía nam Ulaanbaatar, có hình dạng như loài chim garuda (một loài chim thần thoại to lớn và mạnh mẽ); phía tây Ulaanbaatar là một ngọn núi có hình dạng một cụ lão da xanh đang ngồi thiền. Các sơn thân tại đây có thể trong tướng phẫn nộ và do đó có thể trừng phạt những người vi phạm điều cấm, trong khi những vị khác được cho là rất từ bi, luôn bảo vệ con người khỏi các thảm họa thiên nhiên. Do đó các vị và các trụ xứ của các vị rất đáng được tôn kính.

Các loài Chim và động vật linh thiêng

Đôi khi, tên của các ngọn núi được đặt theo tên của các loài vật. Ý nghĩa mặt sinh thái của truyền thống này rất quan trọng: thường có những điều cấm cụ thể về việc săn bắt hoặc bẫy loài động vật tại các thánh địa này. Ngày nay, bất kỳ sáng kiến sinh thái nào tại Mông Cổ cũng rất thuận lợi từ việc nhắc nhở người dân địa phương về các tín ngưỡng cổ xưa, thông qua việc kết hợp với chư tăng địa phương. Bên cạnh mối liên hệ của các loài vật với một số thánh tích tự nhiên nhất định, một số loài động vật được coi là linh thiêng theo các bản kinh văn chỉ dạy.

Sói và hươu là những ví dụ rõ ràng nhất, trong khi rắn và cá được coi là loài vật của các vị thần rắn. Việc săn bắt, làm hại, bẫy hoặc ăn thịt bất kỳ loài động vật nào trong số này - cũng như linh dương, loài cừu Argali, dê núi, chim di cư và các loài quý hiếm khác - đều bị coi là ác nghiệp. Ngoài ra còn có niềm tin từ cổ xưa tại Mông Cổ cho rằng, việc đổ bóng của một người lên hoặc chạm vào tổ hoặc trứng của bất kỳ loài chim nào là điều cấm kỵ, và việc giết một số loài chim nhất định sẽ khiến các vị trời nổi giận. Do những niềm tin này, một số loài chim có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới lại sống tương đối bình yên ở Mông Cổ.

Phong tục thờ phụng tháp đá linh thiêng

Ngay cả khi bạn không phải người Mông Cổ, bạn vẫn có thể nhận ra một ngọn núi thiêng tại Mông Cổ. Một ngọn núi thiêng có hình dạng nổi bật với cảnh quan hùng vĩ cùng nhiều loài động vật hoang dã và có nguồn nước ngọt. Và vì ngọn núi được tôn thờ trong nhiều thế kỷ, nên gần như chắc chắn có những tháp đá trên đỉnh núi.

Các tháp đá cũng có mặt ở dọc đường lên núi, tại các nguồn nước, bên bờ sông và hồ linh thiêng. Khi đi qua một tháp đá, mọi người thường đi nhiễu quanh theo chiều kim đồng hồ ba lần đồng thời trì chú và đọc một lời cầu nguyện: "Sự vĩ đại của bảo tháp mang lại lợi ích giải thoát cho mọi chúng sinh; sự vĩ đại bảo tháp mang lại lợi ích giải thoát cho con, khích lệ những điều cao quý trong tâm hồn con và mọi người”. Sau đó, họ có thể để lại những vật phẩm cúng dường lên bảo tháp để cúng dường chư Phật, Bồ tát, Hộ Pháp và các thần linh, với mong cầu chuyến đi được thuận duyên như ý và mong cầu mùa màng bội thu, thời tiết hanh thông, sức khỏe và ngăn ngừa các thảm họa.

Người Mông Cổ đặc biệt tin rằng các bảo tháp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tái tạo đất đai đã bị con người khai thác. Nghi thức trì tụng bảo tháp rất phổ biến ở Mông Cổ và hầu hết người dân thường cũng như chư tăng đều thường thực hiện nghi thức này.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ví dụ, tại hai tự viện lớn là Gandan và Dashchoilin là các tự viện đang nhận tài trợ cho hoạt động vì môi trường, chịu trách nhiệm cử hành các nghi lễ cúng dường Bảo tháp trên khắp Mông Cổ và đặc biệt 5 ngọn núi thiêng thuộc quyền quản lý của chính phủ bao gồm: Otgon Tenger, Burkhan Khaldun, Altan Khokhii, Tsetsee Gun (Bogd Khaan) và Altan Ovoo. Theo lạt ma Dashchoilin N. Batsaikhan, việc cử hành các nghi thức cầu nguyện tại 5 ngọn núi thiêng và các bảo tháp tại đây là nghi thức quan trọng nhất tại Mông Cổ. "Người dân cùng chư tăng đến cử hành cầu nguyện tại các ngọn núi. Theo truyền thống, ngay cả Tổng thống và Bộ trưởng cũng phải tham dự".

Phật tử Mông Cổ bảo vệ thiên thiên theo 18 bản kinh văn

Vai trò của các bản kinh văn thiêng liêng trong việc bảo vệ môi trường là một phần rất đặc biệt của Phật giáo Mông Cổ - và là một lời nhắc nhỏ quan trọng đối với bất kỳ ai muốn tham gia bảo vệ môi trường trong các tổ chức tôn giáo. Khi Phật giáo trở thành quốc giáo của Mông Cổ vào thế kỷ 13, các học giả Mông Cổ đã hệ thống hóa và kết hợp các thành phần cốt lõi của các tín ngưỡng địa phương với triết lý giải thoát và từ bi của Phật giáo cùng các nghi thức cầu nguyện tại các thánh địa linh thiêng.

Vì vậy, trong số hơn 600 ngọn núi và địa điểm linh thiêng được tôn kính ở Mông Cổ, ít nhất 280 ngọn núi có nghi quỹ cầu nguyện riêng liên quan đến việc tôn trọng môi trường tự nhiên. Ví dụ, bản kinh văn Tịnh hóa, Cúng dường và cầu mưa cát tường được Đức Panchen Lama thứ 4 biên soạn theo thỉnh cầu của đệ tử người Mông Cổ Undur Gageen Zanabazar. Lời thỉnh cầu nghi lễ để hộ trì Mông Cổ khỏi những mối nguy hiểm và thảm họa bằng dâng lễ vật cúng dường lên các Lạt ma, chư Phật, các Hộ pháp và chư thổ địa, thần linh, long thần.

Mặc dù trong thế kỷ 20, nhiều bản kinh văn đã bị thất lạc nhưng trong suốt tiến trình lịch sử Mông Cổ, những kinh văn này đã giúp bảo tồn các hoạt động sinh thái cổ xưa, đặc biệt những lời thỉnh cầu chư Phật, Bồ tát, Hộ Pháp tịnh hóa các nghiệp xấu con người đã phạm phải, điều phục các chướng ngại của thiên tai và các thế lực xấu ác, cũng như nhiều giới luật, phép tắc điều chỉnh thái độ, hành vi của con người với môi trường tự nhiên và các loài vật. Ví dụ, ở một khu vực địa phương, có bản kinh văn mô tả các nữ thần bản địa sẽ làm ngập một ngôi làng nếu cây trên núi bị chặt hạ bừa bãi. “Tôn kính núi là một trong những triết lý truyền thống phổ biến giúp bảo tồn thiên nhiên của người Mông Cổ”.

Vị Chúa tể cai quản thiên nhiên Mông Cổ là Tsagaan Uvgun có tướng hình là Cụ già da trắng, được mô tả bao quanh bởi sáu biểu tượng trường thọ (tiếng Tây Tạng là “Tsering Nam Tuk”) bao gồm: cây đào, viên đá hình ốc xà cừ, con sếu, tràng hạt pha lê, dòng suối trong vắt chảy ra từ một tảng đá thiêng và con nai - được cho là loài vật duy nhất có thể nhận biết được cây (hoặc nấm) trường sinh.

Trong Mật Tạng, cụ có pháp hiệu là “Tsering Tuk”, một hiện thân của Bồ tát Trường thọ. Biểu tượng này là một hình ảnh tuyệt vời về lối sống hòa hợp với thiên nhiên. Sống lâu liệu có ích gì nếu con người không sống ở một nơi tươi đẹp?

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Một bức tranh được chư tăng tại tự viện Gandan đặt họa sĩ Mông Cổ đáng kính Dulguun vẽ vào năm 2008, đã tái hiện hình ảnh hiện thân Bồ tát Trường thọ. Bức tranh này được phổ biến khắp miền Trung và Bắc Mông Cổ, để khuyến khích mọi người nhớ lại bổn phận to lớn của bản thân phải bảo vệ đất đai trong đời sống. Trong bức tranh mới này, Tsagaan Uvgun hiện thân của Bồ tát Trường thọ ở trung tâm trong hình tướng một cụ già với mái tóc bạc và bộ râu dài, đang sống trong khung cảnh thiên nhiên yên bình và tươi đẹp: nơi con người sống trong những giấc mơ an lành nhất trong cuộc đời.

Xung quanh cụ là những chú nai, nước thiêng, đàn sếu và các biểu tượng truyền thống khác của đời sống trường thọ. Xung quanh ông cụ là chư tăng, phật tử đang giúp tạo ra, duy trì và bảo vệ môi trường tự nhiên một cách hoàn hảo.

Một số trong đó đang thực hiện lễ cúng cát thiêng lên một dòng suối và gia trì nguồn nước. Một số chư tăng khác với sự thị giả của các phật tử, đang cúng dường một bảo tháp bằng đá với mục đích bảo vệ những ngọn núi. Một số chư tăng bước ra ngoài không gian rộng cử hành nghi thức phóng sinh, giải cứu các động vật, tụng đọc kinh chú để giúp các loài vật được tự do cả về thân thể và tinh thần không còn bị lo âu sợ hãi bởi sự tấn công của con người. Trong một cảnh khác, chư tăng đang cầu nguyện và thỉnh cầu xin các long thần cư ngụ trên cây cổ thụ tha thứ cho những người đã chặt cây. Bản thân những người chặt cây được vẽ trong tư thế sám hối bởi họ thấu hiểu những ác nghiệp mà mình đã phạm phải.

Những biểu tượng của sự trường thọ và sự hòa hợp tự nhiên là:

- Quả đào, được cho là trái cây mang lại đời sống trường thọ, đồng thời tượng trưng cho sự phong phú của thế giới tự nhiên.

- Cây thông xanh, cũng là dấu hiệu của đời sống lâu dài, biểu trưng cho sự nuôi dưỡng đời sống.

- Nước trường thọ, với tám phẩm chất quý giá là tinh khiết, mát mẻ, chữa lành, không mùi, êm dịu, ngon, nhẹ nhàng và mềm mại. Các phẩm chất này tượng trưng cho tầm quan trọng của nước tinh khiết, không ô nhiễm để uống và để duy trì sự sống trên trái đất. Viên đá có hình dạng như một con ốc xà cừ.

- Viên đá hiện thân của sự cứng chắc là ý nghĩa đời sống dài lâu, các vết nứt của nó thường cong như các đường cong của vỏ ốc xà cừ. Người Mông Cổ và Tây Tạng coi đây là một ngọn núi linh thiêng, phải cầu nguyện và tôn kính. Điều này nhắc nhở con người về sự hùng vĩ của thiên nhiên và nhấn mạnh rằng con người chỉ là một phần của tự nhiên rộng lớn và vĩ đại.

- Sếu được cho là loài chim có tuổi thọ cao.

- Hươu, là là loài cưỡi của Bồ tát Trường thọ tiện Tsering Tuk - người đôi khi được miêu tả đang cưỡi một con nai đực. Hươu, giống như những vị khất sĩ thánh thiện, thường có thói quen ngủ ở những nơi khác nhau.

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Ảnh: Tác giả sưu tầm

Trong bức tranh này, hươu và sếu gợi lời nhắc nhở về cách con người nên tôn trọng cuộc sống của loài vật và chim muông, để giúp cảnh quan môi trường được cân bằng và đời sống hòa hợp. Các loài vật sẽ không thể sống đúng tuổi thọ của mình nếu con người không kiềm chế săn bắt và phá hủy môi trường sống của chúng. "Sáu biểu tượng truyền cảm hứng cho chúng ta trân trọng mọi sự sống trên trái đất", Đức Khamba Lama, Gabju Choijamts Demberel, trụ trì Tự viện Gandan luận giải như vậy. Và Đức Da Lama Kh. Byambajav chia sẻ thêm: "Và bốn cảnh trong bức tranh mới nhắc nhở chúng ta rằng ngay lúc này chúng ta phải tích cực tham gia bảo vệ thiên nhiên và nguồn đất".

Luật bảo vệ Môi trường

Một số điều luật cổ xưa và gần đây tại Mông Cổ đều kế thừa các quy tắc được đặt ra trong Phật giáo và các truyền thuyết cổ xưa. Các quy định có từ thời "Lịch sử bí mật của người Mông Cổ" của Thành Cát Tư Hãn từ năm 1240 bảo vệ động vật và các loài động vật hoang dã khác. Đến thế kỷ 18, các điều luật chính thức bảo vệ đã được mở rộng đến các ngọn núi và các vùng nước thiêng. Luật pháp Mông Cổ cấm con người làm ô nhiễm đất đai và sông hồ, và phải bảo vệ động vật khỏi bị săn bắt trong mùa giao phối. Những điều luật này có trước khi Phật giáo phát triển tại Mông Cổ, nhưng triết lý Phật giáo đã làm sâu sắc hơn và chi tiết hơn cũng như mở rộng phạm vi điều chỉnh các điều luật bảo vệ môi trường và động vật tại Mông Cổ.

Gần đây đã có nhiều nỗ lực luật hóa việc bảo vệ các địa điểm linh thiêng tự nhiên ở Mông Cổ. Năm 1996, Bộ Văn hóa Mông Cổ đã đề xuất đưa 03 trong số 16 ngọn núi lớn và nhiều ngọn núi nhỏ linh thiêng khác của đất nước vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Các ngọn núi đó bao gồm: Núi Bogd Khaan gần Ulaanbaatar - khu bảo tồn chính thức lâu đời nhất thế giới, được bảo vệ từ năm 1778 khi Hoàng đế Mãn Châu của Trung Quốc thông qua một chiếu thư để bảo vệ chính thức địa điểm này, bao gồm cả các địa điểm khảo cổ và các bức tranh hang động từ khoảng 3000 năm trước.

Ở phía nam của khu vực, chư tăng bắt đầu quá trình trùng tu lại tự viện Manzushiri, có nguồn gốc năm 1750. Hai ngọn núi khác là Burkhan Khaldun (được Thành Cát Tư Hãn chỉ định là núi thiêng) nằm trong Khu bảo tồn nghiêm ngặt Khan Khentii rộng 1,2 triệu ha ở Khentii Aimag giáp với Nga, và khu vực núi Otgon Tenger rộng 95.500 ha ở trung tâm đất nước, được đưa vào luật "Khalkh Juram" là một ngọn núi được bảo vệ, xung quanh cấm khai thác gỗ và săn bắn.

Bất kỳ địa điểm nào được hoạch định để xây dựng các tòa nhà, khu định cư, đền thờ, nơi chôn cất hoặc trại du mục đều phải được tham khảo lựa chọn trước hết dựa trên các hướng dẫn có trong kinh điển Phật giáo Mông Cổ. Những đặc điểm lựa chọn khi thiết lập nơi cư trú hay xây dựng mới đều phải tính toán dựa trên chất lượng của đất, gỗ, hệ thực vật, v.v. của địa phương.

Tu sĩ Batsaikhan tại Tự viện Dashchoilin chia sẻ rằng ngày nay các công ty khai thác mỏ đều thỉnh cầu hướng dẫn của chư tăng kể cả các hướng dẫn về ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và tác động khác. Theo quan điểm của Phật giáo, bất kỳ hình thức phát triển nào ảnh hưởng đến đất đai đều là tiêu cực, đặc biệt là khai thác mỏ, nhưng điều quan trọng nhất là sau đó phải có kế hoạch khoa học giúp đất đai được phép hồi sinh. Các dự án phát triển tại Mông Cổ phải tính toán không chỉ các tác động đến môi trường mà còn dựa trên cả các truyền thống cổ xưa, đồng thời tránh phá hủy các tháp đá, các dòng sông và thánh địa linh thiêng.

La Sơn Phúc Cường tổng hợp
Nguồn: Mongolia Buddhists Protect Nature, ARC, The House, UK, 2009

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-mong-co-va-truyen-thong-bao-ve-moi-truong.html