Phát động chiến dịch truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Mới đây, UBND xã Nậm Chạc (huyện Bát Xát, Lào Cai) phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống năm 2022.
Xã Nậm Chạc là nơi an cư của các dân tộc Dao, Giáy và Môn. Mỗi dân tộc lại có những phong tục, tín ngưỡng, tập quán sinh hoạt khác nhau. Vì vậy, để tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ nét đẹp văn hóa, đồng thời xóa bỏ hủ tục trong đời sống là việc không dễ dàng. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người dân Nậm Chạc đã có nhiều thay đổi, chuyển biến lớn nhất là xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu trong đó có hôn nhân cận huyết.
Tại buổi lễ đã người dân và học sinh được nghe về thực trạng, nguyên nhân, quy định pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và các quy định pháp luật khác có liên quan. Đặc biệt, UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa thông tin huyện tuyên truyền phòng chống tảo hôn bằng hình thức sân khấu hóa để nhân dân dễ hiểu hơn.
Thông qua đây, góp phần phát huy hiệu quả trong việc truyền thông phòng chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại các xã vùng cao, vùng sâu vùng xa.
Theo các chuyên gia, kết hôn cận huyết thống được hiểu đơn giản là việc kết hôn giữa hai người cận huyết thống với nhau. Còn theo giải thích của y học, hôn nhân cận huyết được hiểu là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ.
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nghiêm cấm hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Khi bố mẹ có hôn nhân cận huyết và mang thai, ngay ở giai đoạn bào thai, thai nhi có thể đã phát triển bất thường. Hậu quả là sinh non, phù nhau thai hoặc thai chết lưu. Nếu vẫn được sinh ra bình thường, trẻ có thể kém phát triển chiều cao, trí tuệ hoặc khi lớn lên có thể mắc các bệnh di truyền do bất thường đột biến gene.
Nghiêm trọng nhất đối với trường hợp sinh con cận huyết có thể kể đến bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia. Nhiều trẻ em mắc bệnh này thường có đời sống rất ngắn ngủi hoặc phải thường xuyên truyền máu để điều trị. Điều đáng ngại là có trẻ phát hiện bệnh ngay sau khi sinh, nhưng cũng có trẻ biểu hiện khi 1-2 tuổi hoặc chỉ đến khi xét nghiệm gene mới biết.
Ngoài ra, các bệnh dễ mắc phải khi bố mẹ cận huyết như mù màu, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD…